Lực lượng quân đội của tổ chức này có hơn 1.000 chiến binh cùng hàng ngàn người ủng hộ và tình nguyện viên.
Mục tiêu cao nhất của Hamas là tiêu diệt nhà nước Israel và xây dựng các chuẩn mực Hồi giáo trên toàn lãnh thổ Palestine với khẩu hiệu “Giương cao ngọn cờ Thánh Allah trên mỗi một tấc đất của Palestine”.
Hiến chương của Hamas kêu gọi hủy diệt nhà nước Israel và thay vào đó là nhà nước Palestine trong lãnh thổ bao gồm cả Israel và Bờ Tây cùng dải Gaza. Đây chính là tính hấp dẫn của Hamas đối với người Palestine, dẫn đến chiến thắng của Hamas trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine tháng 1-2006, giành được 76/132 ghế, trong khi phái Fatah của ông Abbas chỉ được 43 ghế. Nguyên nhân là một bộ phận lớn dân chúng Palestine nhìn phái Fatah cầm quyền từ mấy năm qua là quá nhượng bộ Israel trong khi Hamas cực kỳ cương quyết với Israel. Sau chiến thắng bất ngờ này, thành phần chính phủ mới do Thủ tướng Ismail Hanyah lãnh đạo gồm 24 thành viên chủ yếu là người của Hamas.
Phong trào Fatah, lực lượng nòng cốt trong PLO, phản đối và không hợp tác với chính phủ của Hamas.
Mâu thuẫn nội bộ Palestine càng trở nên gay gắt hơn khi vào ngày 15-6-2007, Hamas làm cuộc chính biến, dùng vũ lực chiếm toàn bộ dải Gaza, đẩy lực lượng Fatah về khu Bờ Tây. Ngay sau đó Tổng thống Abbas tuyên bố giải tán chính phủ do phe Hamas chiếm đa số và thành lập chính phủ khẩn cấp do ông S. Fayad làm thủ tướng.
Phe Hamas vui mừng tuyên bố chiến thắng trước Israel
Từ đó đến nay, Hamas chính thức hùng cứở dải Gaza, còn Tổng thống Abu Abbas trụ lại ở Bờ Tây.
Chính quyền ở Gaza dưới sự lãnh đạo của Hamas đã bị Israel, Hoa Kỳ, Canada và Liên minh châu Âu ngừng mọi khoản viện trợ, sau khi Hamas từ chối công nhận quyền tồn tại của Israel, từ chối từ bỏ bạo lực cũng như không đồng ý với những thỏa thuận trong quá khứ. Những nước này coi Hamas như một tổ chức khủng bố. Vì thế tuy hoàn toàn kiểm soát dải Gaza, Hamas đã phải đối mặt với sự cô lập ngoại giao và kinh tế của quốc tế.
Từ sau khi Hamas lên nắm toàn quyền ở Gaza, Israel bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa trên đường bộ và đường biển nhằm làm suy yếu chính quyền này. Tuy nhiên, Hamas đã vượt được các trở ngại bằng cách đào những đường hầm để vận chuyển lương thực cũng như vũ khí từ Ai Cập. Do vậy, vũ khí tối tân, máy bay trinh thám không người lái hay bom điều khiển từ xa của Israel vẫn không ngăn chặn được các vụ pháo kích của Hamas, từ đó mà xảy ra những cuộc xung đột dữ dội giữa hai bên.
* * *
Chưa một động thái nào cho thấy có triển vọng chấm dứt các vụ bắn phá ở khu vực này, mà một trong những khó khăn lớn hiện nay trong vấn đề làm trung gian hòa giải là tìm được người để đối thoại ở dải Gaza. Do châu Âu và Mỹ đều xem Hamas là một tổ chức khủng bố và không đặt quan hệ, như thế phải nhờ đến Ai Cập hoặc Syria – những nước đang ủng hộ Hamas – trong vai trò này.
Thỏa thuận ngừng bắn vừa qua được coi là thành công của các nỗ lực ngoại giao con thoi, trong đó Ai Cập đã có công lớn, cũng như sức ép mạnh mẽ của dư luận quốc tế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế nhận định đây mới chỉ là bước đi đầu tiên trên chặng đường gian nan để tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn giao tranh bắt nguồn từ mối quan hệ căng thẳng từ nhiều năm nay giữa Israel và Phong trào Hamas.
Có thể thấy điều này sẽ khó thành hiện thực một khi Hamas vẫn không từ bỏ lập trường tiên quyết là tiêu diệt nhà nước Israel, kéo theo việc Israel tất nhiên sẽ không dung thứ cho những hành động khủng bố của Hamas.
Nguyễn Nam tổng hợp