Tôi muốn nói đến một nụ cười rất tình cờ “nhặt” được trong buổi trình diễn thời trang áo dài hoành tráng của năm trăm nữ sinh Huế trên cầu Trường Tiền dạo nọ. Một nụ cười trong buổi trình diễn thời trang? Rõ ràng không phải là chuyện nhỏ!
Trình diễn thời trang thì khán giả có thể cười, người mẫu thì không được! Cả thế giới đều cấm… cười như thế. Người mẫu thì phải lạnh lùng băng giá, phải kênh xì-po, phải “Mai Siêu Phong”(một nhân vật của Kim Dung) mới đúng điệu. Tại sao? Các chuyên gia bảo tại không phải là cuộc thi hoa hậu… mà là trình diễn thời trang. Người mẫu mà… cười thì người ta sẽ chú ý đến người mẫu, hỏng bét!
Không biết có phải vậy không chớ người bình thường như chúng ta thì thấy người mẫu mà dễ ghét thì khó có cảm tình với thời trang được, còn người mẫu mà dễ thương thì cảm tình ngay với thời trang mà họ đang mặc. Thời trang tôn cái đẹp của thể chất và cả tâm hồn con người nên phải có sự hài hòa.
Nữ sinh mặc áo dài thì tuyệt, mặc jupe serré không nên, áo hở rún nữa thì hơi phiền! Ca sĩ thì khác. Áo dài hở rún cũng không sao (dù dư luận có nhắc nhở chút đỉnh!). Một khi ca sĩ đã trở thành thần tượng rồi thì “mode” sẽ được nhiều người bắt chước.
Người ta mê “mode” qua con người. Tách con người ra khỏi thời trang không biết có phải là một cách tốt không? Không biết! Người “ngoại đạo” thầm nghĩ rằng, giá mà các nhà tạo mẫu, các nhà tổ chức trình diễn thời trang ở ta dám làm khác thế giới đi một chút, chịu cho cười một chút có khi lại hay! Nhất là với các nữ sinh Huế trong trang phục áo dài truyền thống của mình trên sàn diễn là cầu Trường Tiền giữa một đêm hoa đăng sắc màu rực rỡ.
Lúc đầu tôi cứ nghĩ chắc các em bị mệt, bị căng thẳng, hoặc bị… đói bụng nữa, cứ sợ có em nào đó ngã đùng ra, co giật vì hạ đường huyết thì nguy. Nhưng không phải vậy!
Huế vốn nổi tiếng với những tà áo dài mà các nhà thơ, các nhạc sĩ thời nào cũng không sao “cầm lòng” được. Hoàng Nguyên chới với chỉ một lần gặp một tà áo tím Huế: “…Một chiều lang thang bên dòng Hương giang/ Tôi gặp một tà áo tím… /Người áo tím qua cầu/ …Rồi áo tím phai màu…” (Trời, cô gái Huế “trình diễn thời trang” cách nào mà từ lúc áo tím còn mới toanh đến lúc đã phai màu mà người ta vẫn còn nhớ đó vậy?).
Còn Trịnh Công Sơn cũng kêu lên: “Ôi áo xưa lồng lộng/ Đã xô giạt trời chiều” (Tình Nhớ). (Cái vạt áo dài nào đó đã lồng lộng, đã xô giạt cả… trời đất đâu phải là chuyện chơi!). Cái tà áo dài nó cứ quấn quít lấy người ta ấy là nhờ có mây, có gió trong đó. Nhà thơ Nguyên Sa có những câu thơ nổi tiếng về áo dài: “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay…” . Nào mang, nào gói, nào thở… toàn mây với gió!
Nhận xét về chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam người ta phát hiện rằng phía trên của áo thì kín bưng, ôm chặt lấy thân người, trong khi phía dưới thì phấp phới tung bay, thanh thoát, làm cho người ta trở nên dịu dàng, yểu điệu thục nữ, nhất là lúc đi, lúc đạp xe, lúc múa hát… Vậy mà buổi trình diễn thời trang năm trăm tà áo dài nữ sinh Huế hôm đó không thấy có mây có gió gì cả.
Thế rồi giữa một không khí “Mai Siêu Phong” như vậy bỗng thấy một em nhoẻn miệng cười! Một nụ cười… ngây thơ, tươi sáng, rạng rỡ, đã cứu vãn tình thế! Tôi chắc nhiều người xem tivi hôm đó hẳn đã cảm thấy ngay sự nhẹ nhõm, dễ chịu, sảng khoái nhờ nụ cười đó của em. Rất có thể sau đó em bị rầy vì tội… cười, tội quên lời dặn của ban tổ chức. Có lẽ em đã tình cờ gặp một người quen, một bạn trai… chẳng hạn đang đứng đợi bên cầu, và em không nỡ… không cười! Dầu sao em cũng đã có một nụ cười tình cờ giúp cho buổi trình diễn thời trang hôm đó tuyệt vời hơn. Cám ơn em. Bạn có đồng ý không?
Hẹn thư sau. Thân mến.