Liên Hiệp Quốc vừa đưa ra lời cảnh báo rằng thế giới không còn thời gian để ngăn chặn sự xuống cấp của đại dương và sự hủy hoại ngày càng lớn đối với đời sống biển cả. Cơ quan này cho rằng sự trì hoãn thi hành những nghị quyết có liên quan đến các mối đe dọa đời sống biển sẽ dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường ngày càng lớn. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, giá trị bền vững của biển cả sẽ không thể đạt được nếu như các hoạt động của con người tiếp tục gây ra những hậu quả tai hại như từ trước đến nay. Tài liệu Đánh giá đại dương thế giới bao gồm 55 chương sẽ lần đầu tiên được đệ trình lên Đại hội đồng LHQ, bao gồm nhiều mặt của đời sống biển như sinh học, hóa học, kinh tế, xã hội và vật chất, được soạn thảo bởi nhóm chuyên viên 22 người được lựa chọn từ 600 người am hiểu trên toàn thế giới. Họ đã khảo sát nhiều vấn đề liên quan đến hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học của biển bao gồm tác động của sự biến đổi khí hậu, tần suất của các trận bão, nồng độ axít của nước biển, các hoạt động trên bờ, việc đánh bắt cá, hoạt động hàng hải, công nghiệp hydrocarbon xa bờ và các mảnh vỡ trên biển.
Theo John Tanzer, Giám đốc chương trình Biển Toàn cầu thuộc Quỹ Thiên nhiên thế giới (WWF), những kết quả nghiên cứu do LHQ và nhiều cơ quan bảo tồn biển đưa ra là những chứng cứ mạnh mẽ cho thấy sức khỏe của đại dương và tiềm năng kinh tế biển đang bị đe dọa nghiêm trọng. Cũng theo LHQ, hiện có trên 3,5 tỉ người sống dựa vào thực phẩm, năng lượng và thu nhập từ biển. Tháng 6 năm nay, 193 thành viên LHQ đã thông qua một nghị quyết chấp thuận việc soạn thảo một thỏa ước quốc tế nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học của biển và quản lý phần đại dương gần như còn ở trong tình trạng phi luật pháp. Ngoài ra, tổ chức Liên minh Biển khơi (HSA) gồm thành viên là 27 tổ chức phi chính phủ cũng đang giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc thương thảo về thỏa ước đang được xây dựng và quảng bá cho nghị quyết của LHQ. Về phần mình, WWF ước tính lượng tài nguyên biển chưa khai thác trị giá gần 24 ngàn tỉ USD, bằng với tổng giá trị các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Những yếu tố kể trên đòi hỏi cộng đồng thế giới cần hợp tác tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ các mặt đời sống của biển.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)