Mùa lễ hội cuối năm vốn dĩ là thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi nhưng với các du học sinh tương lai, đây lại là thời điểm chạy nước rút vô cùng cam go. Để chuẩn bị cho quá trình du học, xin học vào trường mà mình mơ ước, nhiều bạn đã phải chuẩn bị từ nhiều tháng, thậm chí là cả năm trước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận cuối năm luôn là thời điểm nước rút khi hạn nộp đơn đã gần kề mà có rất nhiều việc phải quyết định và chuẩn bị.
Chọn trường – việc đầu tiên cần làm
Chọn trường luôn là một bài toán khó với tất cả phụ huynh và học sinh. Tuy vậy, trước khi bắt tay làm hồ sơ du học, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn nghĩ chọn trường là một việc dễ dàng, chưa hiểu hết tầm quan trọng của quá trình đòi hỏi tính chiến lược rất cao này. Nếu chỉ để chọn ra một vài trường mơ ước thì quá dễ, hầu hết học sinh sẽ nói ra những tên trường nổi tiếng, có yêu cầu đầu vào khắt khe. Thế nhưng thực tế là với đa phần học sinh, để được nhận vào học ở ngôi trường mà mình mơ ước là một mục tiêu khó khăn và sẽ là không an toàn nếu chỉ đặt tất cả nguyện vọng vào ngôi trường đó. Ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, Anh, Úc, Pháp…, số trường chất lượng và có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng thế giới là rất nhiều, trong đó học sinh và phụ huynh Việt chỉ mới “nhớ mặt, thuộc tên” một số ít trường mà thôi.
Những học sinh càng xuất sắc thì càng nên tìm kiếm những lựa chọn an toàn để nộp đơn, bên cạnh những trường hàng “top” mà mình mơ ước. Ví dụ như ở Mỹ có đến 300 trường được xếp vào danh sách của US News trong khi du học sinh Việt chỉ biết đến và thường nộp đơn vào một số trường nhất định. Và với những trường có chủ trương tuyển sinh đa dạng sắc tộc, có nghĩa là nhà trường sẽ chỉ ưu tiên một vài ứng viên Việt Nam thì việc có quá nhiều học sinh Việt cùng nộp đơn vào một trường sẽ tạo ra tỷ lệ chọi khá cao. Trong khi đó với những trường có ít học sinh Việt nộp đơn, mà có cùng thứ hạng và chất lượng, cơ hội được nhận học lại cao hơn. Chính vì vậy, đến thời điểm này, danh sách chọn trường của bất cứ học sinh nào cũng nên có các trường được chia thành ba nhóm:
- Nhóm 1 là những trường mơ ước nhưng khả năng được nhận học thấp;
- Nhóm 2 là những trường vừa sức, khả năng được nhận học cao;
- Nhóm 3 là những trường vừa và có thể dưới sức một chút.
Các bài thi chuẩn hóa
Để có thể du học ở những nước phát triển, đa phần các học sinh đều phải trải qua các bài thi chuẩn hóa như SAT hoặc ACT nếu muốn du học tại Mỹ, A/AS Level nếu muốn du học tại Anh cũng như các bài thi chuẩn hóa ngôn ngữ như IELTS hay TOEFL. Đây là phần việc quan trọng, cũng như căng thẳng nhất đối với học sinh cũng như cần nhiều thời gian và công sức chuẩn bị nhất. Để chuẩn bị đi du học khi tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh nên bắt đầu học Anh ngữ học thuật (Anh ngữ sử dụng trong trường học – đây cũng là dạng Anh ngữ được sử dụng trong kỳ thi TOEFL và IELTS) từ lớp 10. Đến nửa đầu năm 11 thì đăng ký thi TOEFL hoặc IELTS để sau đó có thể tập trung vào ôn thi SAT hoặc ACT (với các trường đại học tại Mỹ). Nếu điểm đến là vương quốc Anh thì năm lớp 12 học sinh nên đăng ký học chương trình A Level tại Anh hoặc tại một trường quốc tế tại Việt Nam.
Thùy Liên – du học sinh tại Đại học Boston chia sẻ: “Lý tưởng nhất là nên thực hiện việc thi cử trong nhiều năm để có thời gian chuẩn bị tốt hơn. Tuy nhiên, tôi lại rơi vào trường hợp quyết định du học khá trễ khi đã vào hè năm 11. Tôi phải lao vào luyện thi SAT và TOEFL cấp tốc để kịp nộp đơn, cũng như vẫn phải giữ kết quả học tập trên lớp thật tốt. Chiến lược của tôi lúc đó là tập trung hết tâm sức để học SAT, vì trong nội dung thi SAT có phần tiếng Anh khá nặng, giúp nâng cao khả năng tiếng Anh rất nhanh chóng. Khi đã ôn thi SAT được tương đối, tôi đăng ký thi TOEFL và cùng lúc đó là luyện thi TOEFL chuyên sâu, làm thật nhiều bài thi thử để quen với cách thức làm bài thi. Thi TOEFL xong là nhẹ nhàng, tôi lại tập trung hết sức lực vào kỳ thi SAT. Cũng may là kết quả của tôi trong lần đó vẫn khá tốt, nhưng tôi vẫn muốn nhắc các bạn nên có chuẩn bị từ sớm để đạt được điểm số cao hơn cũng như giúp bản thân và gia đình ít gặp phải áp lực hơn”.
Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
Một trong những vấn đề quan trọng cần chuẩn bị chỉn chu trước khi du học là khâu giấy tờ. Đây là phần việc mà đa phần các bậc phụ huynh sẽ “chịu trách nhiệm” thu thập như bảng điểm, hồ sơ tài chính, chứng nhận sức khỏe… Đây tưởng chừng là phần việc ít quan trọng nhưng lại gây nhiều áp lực vào thời điểm nước rút. Để có thể chuẩn bị tốt các hồ sơ này, học sinh và phụ huynh nên tìm hiểu thông tin, cũng như nhờ vào sự hỗ trợ của các trung tâm từ sớm. Mỗi quốc gia, mỗi trường đại học lại có những yêu cầu về hồ sơ khác nhau. Nếu học sinh có ý định xin học bổng hay hỗ trợ tài chính thì lại phải chuẩn bị thêm nhiều giấy tờ để chứng minh điều kiện tài chính của mình theo yêu cầu nhà trường.
Thùy Liên chia sẻ thêm: “Quyết định du học của tôi là quyết định phút cuối, vì vậy tất cả mọi thứ đều được hoàn thành gấp rút để chạy đua với thời gian. Kinh nghiệm của tôi là hãy làm những hồ sơ cần nhiều thời gian chứng thực trước, như các hồ sơ liên quan đến chứng minh tài chính, vay nợ du học. Tốt nhất là nên lên một kế hoạch cụ thể, liệt kê ra danh sách những hồ sơ phải chuẩn bị để bảo đảm không bị thiếu cái nào vào phút cuối. Nếu cần thiết hãy nhờ bố mẹ hỗ trợ nhưng vì bố mẹ có thể không hiểu tiếng Anh, hãy bảo đảm là mình tìm hiểu đầy đủ các thông tin và hướng dẫn lại đầy đủ, rõ ràng cho bố mẹ những yêu cầu của nhà trường. Trong trường hợp cảm thấy khó khăn và bối rối trong việc chuẩn bị các hồ sơ một mình, bạn hãy tìm đến các trung tâm để được hỗ trợ để tiết kiệm thời gian”.
Nhật Hà (DNSGCT)