Bạn có thể mê mệt nhân vật James Bond của nhà văn Anh kiêm chỉ huy hải quân Ian Fleming song có lẽ vẫn chưa biết Fleming lấy chính anh trai của mình là Peter Fleming làm nguyên mẫu. So với James Bond hư cấu, James Bond trong đời thực còn bạt mạng và mưu trí hơn nhiều. Ông được các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Anh tin dùng và phát xít Nhật muốn phát điên vì mớ hộn độn thông tin giả.
Peter Fleming (1907-1971) chào đời trước em trai là nhà văn nổi tiếng Ian Fleming (1908-1964) 1 năm. Ông cũng viết lách, nhưng không có nhiều tác phẩm để đời bằng em trai. Đổi lại, Peter sở hữu đam mê khám phá và tinh thần phiêu lưu ấn tượng.
Đam mê mạo hiểm
Tại Anh, gia đình Fleming là một gia đình danh giá. Cha của 2 anh em Ian-Peter là nghị sĩ Valentine Fleming. Còn mẹ, bà Evelyn St Croix Rose, là ái nữ của một gia tộc nổi danh. Peter là con trai thứ hai. Năm cậu vừa tròn 10 tuổi, Valentine hy sinh ở mặt trận Phía tây. Cái chết của ông khiến cho cả Thủ tướng Winston Churchill cũng phải ngậm ngùi thương tiếc.
Dù không có cha kề bên, Peter vẫn lớn lên thành một thanh niên xuất sắc, giành được học bổng của Đại học Oxford. Năm 1929, anh được gia đình tài trợ sang Mỹ, thực tập trong một công ty môi giới chứng khoán. Lúc quay về, anh vào làm việc ở một ngân hàng tại London. Mới được 2 tháng, Peter đã thấy chán không chịu nổi. Tháng 4.1932, anh đăng một đoạn tự bạch trên tạp chí The Times: “Khám phá và thám hiểm dưới sự hướng dẫn có kinh nghiệm. Tháng 6 rời Anh, tận mục sở thị các con sông trong trung tâm Brazil. Có thể theo chân Đại tá Percy Fawcett. Nhiều cuộc chơi lớn và nhỏ, đặc biệt có câu cá. Văn phòng được cấp thêm 2 khẩu súng, tài liệu tham khảo chất cao ngất”.
Không lâu sau đó, Peter đã trên đường đến São Paulo (thành phố ở Brazil), nhưng không phải cùng Đại tá Percy Fawcett mà với Robert Churchward, đội trưởng đoàn thám hiểm Fawcett. Anh cải trang thành “Thiếu tá Pingle”. Biết Percy Fawcett, bằng hữu của 2 tiểu thuyết gia trinh thám hàng đầu thời bấy giờ là Rider Haggard (1856-1925) và Arthur Conan Doyle (1859-1930) bị mất tích trong lúc săn lùng thành phố vàng huyền thoại El Dorado, Peter có ý lần tìm. Song thay vì thấy Percy, anh chỉ gặp một mớ các truyền thuyết. Có người bảo Percy bị trăn khổng lồ đâm vào xuồng, ngã xuống nước chết đuối. Có người lại khẳng định ông đang vào vai đạo sư, sống chung với một bộ lạc bản địa Amazon.
Cũng lắm tài văn
Peter khéo léo sắp xếp những gì nghe được thành các tác phẩm báo chí cuốn hút, hài hước. Nhờ chúng, anh nhanh chóng nổi tiếng. Bất chấp Brazil đang trong chiến tranh, Peter thoải mái tận hưởng cảm giác phiêu lưu. Sau khi quay về Anh vào năm 1933, anh cho ra mắt cuốn hồi ký Phiêu lưu ở Brazil (Brazilian Adventure). Lập tức, tác phẩm này trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Đến cả nhà văn J. B. Priestley (1894-1984) cũng phải khen nức nở, tuyên bố đó là cuốn sách thám hiểm – du lịch hay nhất từng đọc.
Sau Phiêu lưu ở Brazil, được tung hô là “kho ý tưởng” của chủ đề du lịch và phiêu lưu ở nước ngoài. Phó giám đốc Cơ quan Tình báo và Hoạt động Quân sự, Thiếu tướng Frederick Beaumont-Nesbitt đích thân tìm gặp anh, phỏng vấn. Peter tiếp tục tiến sang Nga, trên 2 tuyến đường sắt Trans-Caspian và Turkestan-Siberia. Anh lại gửi về tạp chí quốc gia những báo cáo sống động, ấn tượng: “Phụ nữ mặc áo khoác dài nhiều màu, đàn ông thước vóc cao lớn, lạc đà biết quỳ và lừa lại nhỏ, dưa chất thành đống, nho khổng lồ…”. Phải nhiều thập kỷ nữa, truyền hình du lịch mới xuất hiện. Trong khoảng thời gian này, những bài viết của Peter là ly kỳ nhất.
Ngoài các khám phá văn hóa, du lịch, Peter còn viết về đời sống, phân tích xã hội. Năm 1935, anh kết hôn với nữ diễn viên xinh đẹp Celia Johnson, cùng vợ đi Paris (Pháp), Rome (Hy Lạp), Prague (Séc), Vienna (Ý), Berlin (Đức), Moscow (Nga), sang cả Trung Quốc, dẫu đất nước này đang có chiến tranh với Nhật Bản.
Liều lĩnh vô địch
Sau gần 10 năm phiêu lưu mạo hiểm, Peter nhận lời mời của Nesbitt, gia nhập Cục Tình báo Quân đội (Military Intelligence Department One). Ông sáng lập Đơn vị Hoạt động đặc biệt (Special Operations Executive) chuyên phá hoại sau lưng, làm rối loạn đội hình và phá hỏng nhiệm vụ tấn công của địch.
Mùa hè năm 1940, Peter được giao trọng trách gây dựng và huấn luyện Biệt đội Kháng chiến Kent và Sussex (Resistance Army of Kent and Sussex) bao gồm 20 thành viên. Nhiệm vụ của đơn vị du kích này là liều chết cản bước quân Đức. Peter quyết định vũ khí của đội là cung tên tẩm độc, còn hoạt động thì âm thầm “xuất quỷ nhập thần”, tấn công dọc theo các làn đường và rừng rậm phía Nam London. Bên cạnh đó, ông cũng muốn song song tiến hành các kế hoạch khác như phá cầu, đặt bẫy mìn, ném bom tự chế, chai cháy…
Địa điểm huấn luyện du kích quân của Peter là ở Kent, trong trang trại The Garth gần thành phố Canterbury. Ông cho đào các hầm quân sự trong lòng đất, dự trữ sẵn thức ăn, nước uống, máy phát không dây và chất nổ. Để chứng minh cho các chỉ huy cấp cao biết rằng họ cũng rất dễ bị điệp viên Đức tấn công, Peter tự mình đột nhập căn cứ của tướng Bernard Montgomery (1887-1976). Ông âm thầm đặt chất nổ vào chậu hoa của Montgomery, rồi lẻn ra ngoài.
Tháng 7.1940, Đức tấn công Anh, nhưng không phải bằng bộ binh mà bằng không quân. Máy bay quân sự của họ điên cuồng ném bom xuống các thành phố lớn. Mọi chuẩn bị của Peter thành ra công cốc. Tuy nhiên, các chiến thuật đã không chết mà được ứng dụng trên nhiều chiến trường khác.
Lắm mưu nhiều mẹo
Về phần Peter, ông được điều tới Ai Cập để tìm kiếm những người có tư tưởng chống phát xít Ý, sẵn sàng sát cánh với quân đội Đồng minh tiêu diệt chế độ độc tài Mussolini. Không thu thập được ai từ các trại tù binh ở Ai Cập, Peter đành chuyển hướng sang Hy Lạp. Tại đất nước này, ông gửi về các báo cáo hay như tiểu thuyết, kể rằng mình đã cùng các đồng đội không quen chặn cầu, thổi bay xe buýt, oanh tạc phi trường…
Trên đường rời Athens, thủ đô của Hy Lạp, thuyền của Peter chạm trán máy bay ném bom Đức. Lại một cuộc chiến hoành tráng và khốc liệt khác diễn ra. Chiếc thuyền bị trúng bom và nổ tung rồi chìm, còn Peter bị bắn trúng vào vai. Nhưng ông vẫn bơi được vào bờ và sống sót.
Từ năm 1942, Peter chuyển tới hoạt động tại Đông Nam Á. Nhận lệnh đánh lừa quân đội Nhật ở Miến Điện của Tổng tư lệnh Archibald Wavell (1883-1950), khiến họ lầm tưởng lính Anh đã đến đây nhiều, ông bày ra mưu kế “Operation Error”. Đó là cố ý sắp đặt cảnh một chiếc xe quân sự Anh bị lật ở góc đường, nom hệt như vì chạy quá nhanh nên mất kiểm soát tại khúc cua. Trong xe, Peter đặt lá thư được chính tay Wavell soạn thảo. Nó ghi chi tiết các thông tin bí mật quân sự giả, trong đó có số lượng lính Anh được điều động cản bước Nhật.
- Xem thêm: Điệp viên trong đời thực
Chẳng biết phát xít Nhật có bị lừa hay không, nhưng Wavell thì bị thuyết phục hoàn toàn. Tổng tư lệnh nhiệt tình khuyến khích Peter tiếp tục “sáng tạo”. Sau Operation Error, Peter còn một mớ các mưu mẹo quấy rối tâm lý địch khác, ví dụ như ném tài liệu mật giả ra khỏi máy bay, đặt chim bồ câu đưa thư chết có buộc mã tần số vô tuyến…
Chán đánh lừa thị giác, Peter chuyển sang đánh lừa thính giác. Ông ghi âm hàng loạt các hiệu ứng âm thanh như tiếng động cơ xe tăng, tàu thuyền đổ bộ, mái chèo đồng loạt khua nước, đạn nổ, người hô hào… Rồi thì tung tin đồn giả, lén bỏ thư từ, bí mật quân sự giả hết chỗ này đến chỗ kia. Thành thật, đa phần các mưu kế của Peter đều là… trò mèo. Nhưng giữa thời chiến, chẳng biết đâu thật, giả, chúng vẫn gây rối loạn thông tin, đôi lúc còn khiến đối phương buộc phải án binh bất động.
Thế chiến thứ hai khép lại, Peter thú nhận với vợ: “Anh cảm thấy như thể vừa thức dậy khỏi cơn ác mộng thật dài. Thật hạnh phúc vì tất cả đã kết thúc!”. Nếu có thể quay ngược thời gian, chưa chắc anh chàng nhiệt huyết Peter Fleming đã chọn dấn thân vào mạo hiểm quân sự.