Mới đây, theo Bloomberg, TP.HCM được dự báo có tốc độ tăng trưởng GDP thứ 2 châu Á trong vòng năm năm tới với tốc độ tăng trưởng GDP gần 8%. Từ dự báo lạc quan này, có thể dự báo nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò then chốt giúp thúc đẩy sự phát triển và duy trì tính cạnh tranh của TP.HCM nói riêng và VN nói chung so với các nước trong khu vực.
Điều này cũng được khẳng định trên bình diện toàn cầu. Đầu năm nay, báo cáo Cuộc cách mạng kỹ năng (A Skills Revolution) của ManpowerGroup đã được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ. Báo cáo dựa trên cuộc khảo sát 18.000 doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực tại 43 quốc gia và ghi nhận kết quả là có tới sáu trong số mười nhà tuyển dụng (64%) dự định duy trì số lượng nhân viên nếu họ có kỹ năng thích hợp và sẵn sàng học hỏi, áp dụng và thích nghi với sự thay đổi; cứ năm nhà tuyển dụng thì có một người (19%) mong đợi sự đột phá công nghệ sẽ tăng số việc làm, vì đây là những công việc phù hợp với thế giới việc làm tương lai.
Các công nghệ mới sẽ ngày càng yêu cầu các cá nhân và tổ chức phải có kỹ năng chuyên môn. Nhiều ý kiến dự báo rằng trong tương lai, việc làm sẽ thay đổi. Xu hướng chung là số lượng việc làm sẽ tăng, đa dạng hơn, nhưng ở một vài lĩnh vực có thể giữ nguyên, thậm chí giảm bớt. Điều quan trọng nhất là người lao động phải có khả năng học hỏi để cập nhật được kiến thức mới và nâng cao kỹ năng, có vậy mới không bị tụt hậu và không rơi vào tình trạng thất nghiệp.