Bữa cơm kéo dài hơn mọi lần vì tranh luận giữa bà mẹ mới về hưu và cậu con trai sinh viên đại học.
Câu chuyện bắt đầu khi người mẹ kể rằng bà thấy trên Facebook của một bạn trẻ có tấm hình chụp anh chàng trên tay cầm một vật màu đen, có người bình luận hỏi cậu ta cầm gì, câu trả lời: “Điện thoại BlackBerry Z10”. Theo ý bà, chỉ cần ghi điện thoại là đủ, không cần thêm nhãn hiệu vào, cho thấy người bạn trẻ này có vẻ khoe khoang quá!
Bà hỏi con nghĩ sao? Cậu con trai nói cậu thấy bình thường, trả lời điện thoại cũng được mà thêm BlackBerry cũng chẳng sao, không có gì là khoe khoang cả. Bà mẹ không đồng ý, vì giờ đây nhiều bạn trẻ vẫn luôn nghĩ rằng BlackBerry là một biểu tượng đẳng cấp.
Cậu con trai cho rằng mẹ mình còn mang nặng tư tưởng cổ hủ và phê phán người khác. Cậu ví dụ, nếu chơi bóng bàn bằng một cái vợt “xịn”, có nhãn hiệu, bét nhất như Keyshot Light chẳng hạn, thì khi người ta nhìn vào mẹ có thấy tự tin không? Bà mẹ trả lời bà không quan trọng cái vợt mà tự tin vào… nội lực của mình. Cậu con trai vặn lại, thế theo mẹ cái vợt quyết định bao nhiêu phần trăm thắng lợi? Bà mẹ ngẫm nghĩ rồi nói, tất nhiên cái vợt có góp phần vào chiến thắng nhưng không phải tất cả, đôi khi một cái vợt xịn chỉ để làm dáng!
Tiếp tục không đồng ý, cậu cho rằng mẹ mình cần phải nghĩ thoáng hơn về thương hiệu. Không thể chấp nhận tư duy kiểu “Sống một kiếp người, bình an là được/Hai bánh, bốn bánh, đi được là được… Nhà to nhà nhỏ, có chỗ ở là được/Hàng hiệu hay không, mặc được là được…”. Thời đại của công nghệ, người ta lao tâm khổ tứ, suy nghĩ ngày càng hoàn thiện công nghệ phục vụ nhu cầu của con người thì con người phải biết tận hưởng thành quả, đó là thái độ tích cực đóng góp và thúc đẩy tiến bộ khoa học. Tiết kiệm là tốt nếu đúng lúc, đúng việc, còn không thì tiết kiệm sẽ mất ý nghĩa và trở thành hà tiện – một rào cản lớn cho sự phát triển.
Bà mẹ thấy cậu con hùng hồn biện luận mà… mừng. Có nói ra được những ý nghĩ trong đầu là tốt rồi, đúng sai không quan trọng. Con người ta hiểu nhau thông qua lời nói, hành động. Mới biết người đối diện nghĩ gì, cho dù có giấu bớt đi ý nghĩ thật thì vẫn có phần trăm sự thật trong đó. Tri kỷ, nói ít hiểu nhiều, thậm chí hai người ngồi im lặng bên nhau mà gọi là hiểu nhau e rằng chỉ có trong văn học.
Điều nữa, bà mừng vì cậu con trai có ý nghĩ thoáng, không cứng nhắc như… mẹ khi cậu vặn lại: “Với người mẹ thích và cả không thích, mẹ có vào trang Facebook người ta đọc kỹ và soi từng câu chữ không?”. Bà mẹ gật đầu thú nhận “có”. Lúc này cậu con trai mới kết luận rằng, tất nhiên đó là điều bình thường vì Facebook là không gian mở cho nhiều người vào tham gia tranh luận, chia sẻ, đồng ý, bất đồng… thậm chí có những tranh cãi gây ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoài đời thực, nhưng đó là điều cần thiết.
Tuy nhiên, tranh luận để vỡ ra vấn đề, bổ sung kiến thức thì tốt, còn săm soi từng câu chữ e rằng xét nét, nhỏ nhen quá và cậu không hiểu mẹ cậu xét nét một câu bình luận như vậy để làm gì!
Lúc này bà mẹ mới… ngộ ra, nhưng không hiểu tại sao bà lại “lợn cợn” với một câu bình luận rất nhỏ về cái nhãn hiệu điện thoại trong Facebook một người bạn. Nếu cho rằng đó là xét nét thì bà tự nhận không phải, chỉ là bà thấy hơi dị ứng. Mới thấy, tâm lý con người quá mong manh cho nên người xưa nói đúng bởi họ đã nghiệm và đã trải “khi thương trái ấu cũng tròn/khi ghét trái bồ hòn cũng méo” và bà cũng không ngoại lệ.
Trở lại cái điện thoại, sau khi tìm hiểu bà mới biết đó là một thương hiệu mà nhiều người dùng coi như một cách để thể hiện. Chín người mười ý, có người như bà thì cũng có người không như bà, thế mới làm nên sự đa dạng để thúc đẩy xã hội phát triển.
Cậu con trai nói lên ý kiến cuối cùng khi rời bàn ăn, bởi vậy con người cần phải nghĩ thoáng và hiểu rằng, thế giới này vô cùng nhỏ bé và có giới hạn, tận hưởng được gì thì cứ tận hưởng, săm soi, xét nét chỉ khiến cuộc sống chật hẹp và tù túng.
Đòn bất ngờ đây. Nhưng bà mẹ vui, vì con trai còn trẻ nhưng có những suy nghĩ cũng… được. Cần mở rộng những chủ đề khác để mẹ con hiểu nhau hơn. Vậy cũng là thành công rồi.