Nông nghiệp là một mũi nhọn của nền kinh tế, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng, tới đây sẽ được xây dựng từ vựa lúa của cả nước trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang đe dọa tương lai phát triển miền Tây Nam bộ. Trong hai ngày 26 và 27-9 tại Cần Thơ đã diễn ra hội nghị “Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững tại ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”, sau hai ngày làm việc nghe hàng trăm ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, lãnh đạo địa phương, bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong thời gian ngắn nhất Chính phủ sẽ có một nghị quyết về vùng đất này.
Một trong những tinh thần cốt yếu chính là giữ được đất, giữ được nước, giữ được con người – Thủ tướng nói và yêu cầu nhanh chóng xây dựng quy hoạch tích hợp phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng chủ động sống chung với lũ, mặn, lợ.
Ông nêu ba quan điểm để phát triển ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân; thay đổi tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ, sáng tạo, thông minh và công nghệ cao, có sức cạnh tranh cao; đặc biệt là tiết kiệm nước.
Theo người đứng đầu Chính phủ, phát triển nhưng phải thuận tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Phát triển miền Tây phải lấy con người làm trung tâm, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; số lượng sang chất lượng; bảo tồn giá trị văn hóa nghệ thuật; đa dạng sinh học… coi nước mặn, lợ cũng là nguồn lực của tài nguyên.
Ghi nhận những ý kiến của 13 tỉnh thành trong khu vực, Thủ tướng yêu cầu ngay sau hội nghị này phải thành lập ngay cơ chế điều phối vùng. Đồng thời, kịch bản biến đổi khí hậu 2010 phải được cập nhật, công bố công khai cho chính quyền và người dân nắm chắc thông tin chủ động ứng phó.
Về đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, từ nay đến 2020 phải giải ngân có hiệu quả 1 tỉ USD để làm một số công trình: Cống sông Cái Lớn – Cái Bé, cống Trà Sư, Tha La, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng…
Thủ tướng cho biết thêm, hiện nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho ĐBSCL khoảng 20%; thời gian tới Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ cho vay khoảng 300 triệu USD, cộng với các nguồn khác khoảng 1 tỉ USD để đầu tư các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập mặn trong vùng.
Để phát triển bền vững Tây Nam bộ, Thủ tướng cho biết định kỳ hai năm một lần Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị có quy mô lớn như lần này để cùng bàn thảo kế hoạch, rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chủ trương, giải pháp để chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng hơn.
Trước đó, tham luận tại hội nghị Chủ tịch tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho rằng thời gian tới, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khốc liệt cộng với việc hoàn thành các đập thủy điện phía thượng nguồn Mekong sẽ tác động mạnh mẽ và tiêu cực đến mọi mặt đến ĐBSCL.
Hoạt động của người đứng đầu chính phủ tỏ ra bận rộn hơn khi ông đến chủ trì cuộc tọa đàm với đại diện hàng chục tập đoàn kinh tế tư nhân sáng 30-9.
Đối thoại với 14 lãnh đạo các tập đoàn, Thủ trướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: “Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển mạnh? Môi trường kinh doanh hay thuế khóa, hay ở khâu đối xử? Nhà nước phải làm gì để kinh tế tư nhân phát triển tốt và Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay và bản thân doanh nghiệp phải làm gì?”.
Với chủ đề “Chính phủ và các tập đoàn kinh tế tư nhân cùng đồng hành phát triển kinh tế”, đây được xem là một cuộc tọa đàm chưa từng có tiền lệ bởi trước đây, thường chỉ có các cuộc tọa đàm với doanh nghiệp nói chung hoặc khối doanh nghiệp Nhà nước.
Báo cáo tại cuộc tọa đàm cho thấy, kinh tế tư nhân là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế của đất nước. Những cỗ máy tăng trưởng ở mọi tỉnh, thành phố, với tiềm năng, thế mạnh riêng có, chủ yếu từ kinh tế tư nhân. Từ năm 2010 trở lại đây, kinh tế tư nhân đóng góp trên 43% GDP trong khi tỷ lệ này của khu vực kinh tế Nhà nước là khoảng 28,9%.
Một số công trình nghiên cứu cho thấy, với mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực tư nhân Việt Nam đang tạo ra doanh thu nhiều gấp ba lần so với doanh nghiệp Nhà nước. Điều này thể hiện chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân.
Mới đây, Hội nghị Trung ương 5 – khóa 12 đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cho thấy sự quan tâm của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Trên thực tế, trong gần nửa triệu doanh nghiệp thì số lượng doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm 0,5%, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2,8% còn doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 96,7%.
Theo Thủ tướng, “doanh nghiệp tư nhân chiếm một vị thế gần như tuyệt đối về số lượng và trong tổng số 496.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà tư nhân chiếm phần lớn thì doanh nghiệp lớn chỉ dưới 10.000, còn lại 486.000 là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Vậy phải làm sao để không chỉ có mười mấy tập đoàn có mặt tại tọa đàm này, không phải chỉ có dưới 10.000 doanh nghiệp lớn mà phải có nhiều tập đoàn tư nhân ở Việt Nam lớn mạnh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục đích tọa đàm là hỏi và đáp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tập đoàn tư nhân một cách chân thành, với tinh thần nói thẳng, nói thật, trách nhiệm. Ông nói: “Hôm nay chúng tôi nghe quý vị chính là để tiếp tục tháo gỡ, tạo ra khung pháp lý, môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển đúng hướng, ngày càng có nhiều tập đoàn tư nhân lớn mạnh cùng với doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Cách đây gần hai tháng, tới dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2017 với sự tham gia của khoảng 1.000 doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặt mục tiêu phấn đấu là nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân từ 43% lên 50 – 60% GDP. Theo ông, chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân và những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm.
- Gia Minh