Vậy là sau những chộn rộn chuẩn bị cuối năm, những ngày tết rồi cũng đến. Những tất bật cuối năm để dồn lại chỉ năm bảy ngày ngắn ngủi. Nói theo cách của miền quê thì từ lúc “dựng nêu ăn chè” cho đến ngày mùng 7 hạ nêu là thời gian của tết. Hạ nêu có nghĩa là hết tết, là mọi việc trở lại bình thường với những bận rộn mưu sinh của năm mới.
Với tôi, những ngày tết thường bắt đầu khi những chậu hoa, những cây kiểng ùn ùn đổ vào thành phố từ những vùng quê xa. Khoảnh khắc mùa xuân rực rỡ nhất trong tôi là giờ phút rộn ràng của những đêm chợ hoa nở thâu đêm trên bến sông quen thuộc, là những buổi mai rực nắng với từng chậu hoa được người mua nhìn ngắm, trầm trồ, săm soi rồi chở về nhà như chở cả mùa xuân về tỏa sáng căn nhà. Chính vì vậy, chiều ba mươi tết hằng năm, khi đi dọc bến sông ngắm cảnh chợ hoa tàn, những nhà vườn khuân từng chậu hoa còn lại xuống ghe để tách bến thì cũng là lúc hương vị tết dường như đã nhạt phai ít nhiều, chỉ còn đợi giây phút Giao thừa trôi qua là kết thúc.
Mấy năm nay, khi đi dạo chợ hoa ngày tết, ngoài việc thưởng thức, ngắm nhìn mấy loại hoa mới tôi vẫn bâng khuâng đi tìm những bông hoa tết ngày xưa, đặc biệt là hoa cúc vàng. Nói xưa chứ có lâu lắc gì đâu, chỉ ba bốn năm trước đây thôi tôi còn khuân từng cặp cúc vàng tươi, thanh thoát ấy về đặt trước sân. Vậy mà… hỏi cô bán hoa quen:
– Em ơi, sao giống cúc ta của mình không thấy?
Cô gái ngẩn ngơ:
– Đây nè anh, thiếu gì cúc đó.
– Không, là loại cúc thân mảnh, cao, bông nhỏ nhưng nở đầy ra chứ không vũm vào bên trong và dày, to như loại cúc này.
Cô gái chưa kịp trả lời tôi thì cha cô, một lão nông đã mấy chục năm trồng hoa đã nhìn tôi cười:
– Giống cúc đó lâu rồi không ai trồng nữa chú ơi! Tại người ta chuộng giống cúc lớn, giống cúc đại đóa này hơn.
- Xem thêm: Phố xuân
Ừ, đúng là giống cúc bán đầy chợ này có vẻ lai cúc đại đóa hay cúc Đài Loan gì đó thật. Hoa nở lớn như cái chén, đầy cành, màu sắc lại vàng tươi, không thấy lá. Nhưng sao tôi cứ nhớ loại cúc xưa, thanh mảnh, dịu dàng, cành hoa thường có hoa nở, hoa búp xen vào trong lá có rìa nhỏ. Cắt một hai cành cắm vào bình, cả lá xanh, hoa vàng vừa nở, vừa búp cứ quấn vào nhau hài hòa, đẹp đẽ làm sao! Cứ để bình hoa cúc lên bàn, nhìn hoài không chán. Đêm về, trong ánh đèn ngủ lờ mờ, mấy bông hoa cúc vẫn sáng rực tỏa ấm cả căn phòng.
Hụt hẫng với hoa cúc xưa, tôi tìm đến con đường hoa mai. Cả một con đường dọc bờ sông vàng rực hoa mai. Những gốc lão mai uy nghi, bề thế, những chậu mai nhỏ, những cành mai mới cắt trên tay người đứng bán… Hầu như loại hoa mai được cấy ghép, được nhân giống mới rất nhiều. Hoa nào cũng nhiều cánh, nhiều lớp nhằm cuốn hút khách thưởng hoa. Nhiều nhất vẫn là “Mai phú quý”, loại mai được ưa chuộng vì cánh dày, nhiều hoa hay có lẽ vì cả cái tên của nó? Lác đác trong rừng mai tết ấy, tôi còn tìm được ít cây mai năm cánh, mỏng manh, cành nhánh khẳng khiu của loại mai truyền thống xưa. Vui như gặp lại người bạn cũ quê nghèo giữa chốn phù hoa!
- Xem thêm: Sông xuân
Mấy gốc mai năm cánh như lọt thỏm giữa rừng mai rực rỡ, những cây mai hoa nở rợp cành, cánh mai nào cũng dày hai ba lớp: Chín cánh, mười hai cánh, mười sáu cánh… Có bông nhìn như một loài hoa mới, không còn chút hồn vía nào của hoa mai truyền thống nữa dù rất được khách mua ưa thích. Có lẽ đó cũng là lý do để người làm vườn tìm mọi cách để ghép cành, lai giống đó chăng?
Đi giữa chợ hoa ngày tết từ khi chợ nhóm đến lúc chợ tàn, sao tôi cứ thả hồn về những cái tết xưa, về những loài hoa cũ ngày càng mất dấu chốn thị thành. Trở về nhà nhìn lên bộ tứ bình mai, lan, cúc, trúc bằng tranh sơn mài treo trên tường với từng nét vẽ thanh thoát, nhẹ nhàng, lòng bỗng rưng rưng: Ngày xuân ngắn ngủi đã bay qua!