Hai người đã đi qua bao nhiêu đường phố từ lúc gặp lại nhau? Chị không biết, và anh chắc cũng không biết. Chỉ biết cả hai đã đi bên nhau rất lâu, rất lâu. Dù sao cũng có thấm vào đâu so với hai mươi mấy năm không gặp. Ừ, hơn hai mươi năm, chị nghĩ, sao mình không tưởng là đã có một khoảng thời gian mịt mùng như vậy. Sao mình cứ thấy như gần đây thôi, hai đứa còn đi học chung, vào thư viện đọc sách chung, cả đi chơi dưới mưa cũng chung nữa. Vậy mà…
– Có phải mình không gặp nhau lâu lắm rồi hả anh?
Chị như muốn xác định lại thời gian bằng câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn này.
Đang bước đi chậm rãi, anh giật mình quay qua nhìn chị:
– Phương hỏi gì?
Nhìn vẻ mặt ngơ ngác của anh, chị bật cười, lắc lắc đầu:
– Không, là em hỏi anh về ăn Tết được bao lâu?
Anh gật đầu, cười theo:
– Cũng chưa biết. Trong vòng một tháng thôi. Mình làm nghề tự do mà. Muốn ở thêm thì đi gia hạn. Vui ở, buồn đi vậy mà.
– Vẫn còn lãng mạn, tài tử vậy sao? Chưa rách tả tơi đôi giày vạn dặm à?
– Nói chơi thôi. Phương vẫn nhớ, như xưa hả?
Đang đi, chị hơi khựng lại, chậm một bước chân. Chị nhìn kỹ anh hơn. Mặt anh vẫn bình thản, phảng phất một nét vui. Chị mỉm cười, tiếp tục bước. Không, anh chỉ buột miệng nói một câu bình thường thôi, chả có gì ấp ủ trong cái chữ “như xưa” ấy cả. Bởi, anh cũng như chị, sau bằng ấy năm xa cách, chắc chắn phải hiểu rằng không hề có chút gì như xưa cả.
Nhưng mà, cái ngày xưa ấy mới thật vui nhộn, thật trẻ trung đằm thắm làm sao! Nó đầy ắp và đẹp đẽ đến nỗi ban tối, khi vừa trông thấy anh, chị ngỡ thời gian như ngừng lại, tim chị như ngừng đập. Sự mừng rỡ làm chị choáng váng, bềnh bồng. Và cứ thế, sau vài câu hỏi han bình thường, hai người bạn đã đi hết con đường này sang đường khác trong cái đêm rộn ràng của một năm sắp tận cùng này.
Anh quay sang chị, hỏi:
– Phương nè, cái quán cà phê gì có nhạc thật hay gần bờ sông ấy có còn không? Hay mình vào đó đi.
Chị cười buồn:
– Không còn đâu! Chủ của nó dời nhà đi nơi khác rồi. Thỉnh thoảng em có gặp ngoài đường. Anh ấy không còn hào hoa phong nhã như những bản nhạc đặt trong băng cho mình nghe đâu. Quán cà phê giờ thành một công ty thực phẩm bách hóa gì đó. Anh hiểu mà, từ đó đến nay…Bao nhiêu là nước chảy qua cầu rồi…
– Ừ, bao nhiêu nước chảy qua cầu. Cách nói quen thuộc của bọn mình ngày nào ấy mà.
“Bọn mình, bọn mình”… Cho tới lúc hai người vào một quán cà phê mới mở
ở bờ sông, hai chữ ấy vẫn như nhảy nhót, reo vui trong đầu chị.
– Phương ơi, bọn mình đến thư viện mượn sách đi.
– Phương ơi, bọn mình qua cồn Ấu chơi đi.
– Phương ơi, chủ nhật này vào vườn Ổi kiếm trái cây ăn nghe.
Ôi, cái tiếng “bọn mình” của ngày xưa! Bao nhiêu là trìu mến, là sự ấm áp bạn bè, là niềm mơ ước tuổi xuân…Cả một chút e ấp dễ thương của tình yêu đầu đời nữa chứ. Sống bao năm trên đất khách quê người anh vẫn còn nhớ đó sao?
Bởi vì cái “bọn mình” năm đó chỉ là những thiếu niên trên dưới mười bảy tuổi đó thôi. Hai người quen nhau từ những năm học cuối cấp, trong lớp luyện thi. Năm ấy gia đình anh và chị vẫn còn chưa khó khăn lắm dù đã là thời bao cấp.
- Xem thêm: Những chậu hoa chiều cuối Chạp
Khi cả hai vào đại học thì cuộc sống càng thắt ngặt. Cha anh đi học tập về, gia đình sống lây lất qua ngày bởi của cải dành dụm đã hết. Nhà chị cũng rơi vào cảnh túng thiếu. Dù vậy, họ vẫn giữ được tình bạn, hay nói khác hơn, tình bạn thân thiết như một ốc đảo yên bình cho cả hai rúc vào, cố gắng tin rằng cuộc đời bên ngoài vẫn không có gí thay đổi.
Tối tối, anh chị vẫn tay trong tay đi dọc bờ sông này, có khi xuống tận bến phà, ngồi trên bậc đá chờ trăng mọc, bàn luận đủ mọi thứ. Tưởng như những lời nói sẽ xua đi những cái mới, những đổi thay mà cả hai đều chưa thể chấp nhận, tưởng như những lời nói sẽ làm nhẹ bớt nỗi hoang mang chếnh choáng của một sự “Đổi đời”.
Nhưng cuộc sống vẫn diễn ra đúng qui luật của nó. Nó cuốn trôi, nó sàng lọc, nó hình thành mọi thứ mà không hề đợi ai, không hề vị nễ hay thương hại kẻ nào. Trong cơn lốc, cả hai người rồi cũng bị cuốn theo, tan tác mỗi người mỗi ngả. Anh theo cả nhà ra nước ngoài. Từ đó chị không biết gì về anh nữa. Mãi cho đến hồi tối này…
Vậy mà không hiểu sao, từ chập tối đến giờ, đi bên anh với những câu nói ngắt khoảng, những lời đối đáp lõm bõm chuyện nọ xọ chuyện kia, chị vẫn có cảm giác gần gủi thân thuộc lạ. Có lẽ các giác quan của chị chưa đến nỗi nào chăng? Hay chính anh chẳng thay đổi gì lắm?
Ngồi trong quán, lặng lẽ nhìn anh tiếp tục quậy ly cà phê đá mỗi lần đưa lên miệng uống, thói quen ngày nào của anh, chị ngẫm lại cuộc đối đáp của hai người và thấy đúng là buồn cười. Phương sống thế nào? Bình thường. Vợ con anh sao rồi? Vợ ly dị, con có chồng ở riêng. Chồng Phương đâu mà đi một mình đêm Giao thừa? Không còn chồng nữa. Nói thật hay hù anh vậy? Tùy, nghĩ sao cũng được. Lại muốn chơi trò cút bắt như xưa hả? Anh này, còn nhỏ nhít gì đâu. Ôi, đường “nhà tằm” đây phải không, mình hay đứng đụt mưa chỗ này, anh yêu con đường này nhất đó. Không, giờ là đường Ngô Hữu Hạnh. Cái tên cũng được, nhưng anh thích gọi đường nhà tằm hơn. Hoài cổ vậy sao bỏ đi không nói một lời? Tình thế bắt buộc, vất vả lắm mà. Phương chắc cũng chẳng thèm giận đâu phải không? kẻ tồi tệ như anh, bị lãng quên là đáng mà. Mấy lần gởi thư về, có thấy Phương trả lời đâu. Mỗi đứa một đời riêng, vướng bận làm gì!…
Cứ thế, câu chuyện chẳng ra đâu vào đâu, như lời nói đùa cho vui của hai người bạn vẫn thường gặp nhau. Nhưng chị cảm nhận được sự dò xét, nỗi quan tâm trong những lời bất chợt ấy. Nhìn anh, chị có cảm giác anh đã từng đau khổ, vì cớ gì thì chị không thể biết, nhưng rõ ràng là anh không có cái vẻ của kẻ sống “nhì nhằng” bình thường như anh muốn tỏ ra trước chị.
- Xem thêm: Bến xưa nhà cũ
Có một lúc, chị thật tình muốn nắm lấy tay anh, ước muốn mãnh liệt đến nỗi chị phải nắm chặt tay mình lại. Ôi, cái nắm tay ngày xưa thoải mái, tự nhiên là vậy mà bây giờ… Không, chị mĩm cười buồn bã, mình không trẻ con, mình đã thật sự già đi, thế thôi.
Khi hai người ra khỏi quán nước, trời đã khuya. Trái với những đêm bình thường, đêm nay càng về khuya, càng sát giờ đón năm mới, phố xá càng đông nghẹt. Những dòng người cứ tiếp tục túa ra, túa ra, đủ màu đủ sắc. Thành phố như một bầy ong vỡ tổ với muôn vạn tiếng cười nói, la hét. Đã lâu chị không ra đường ban đêm nên thấy choáng váng cả người. Mình giống như loài gấu Bắc cực vừa ra khỏi hang sau giấc ngủ đông dài, thật dài. So với anh, kẻ rời xa đất nước chị nào có hơn gì. Tệ thật! Tệ thật! Chị lẩm bẩm.
– Phương vừa nói gì?
– Không… Em muốn hỏi lâu ngày xa quê về đây chắc anh thấy lạ?
Anh gật đầu, trầm ngâm:
– Ừ, đúng là nhiều cái lạ lắm. Nhà cửa, đường phố, quán xá gì cũng thay đổi hết. Anh đi muốn lạc đường luôn. Phương có tin không?
– Dĩ nhiên là tin chớ. Lạc đường trên chính thành phố của mình thì có gì đáng khoe đâu.
– Lại dở giọng chua cay rồi, cô bạn đanh đá ơi!
“Cô bạn đanh đá”? Cách gọi của thời đi học ấy mà. Nhưng mình làm gì còn
được như vậy. Làm sao anh biết mình đã trải qua những gì, và mình chán ngán như thế nào… Thôi bỏ đi, bỏ đi. Chị lắc đầu:
– Anh thấy sao, những đổi mới hiện giờ?
– Anh chưa biết bên trong nhưng bộ mặt thành phố mình quả là đẹp hơn, tươi sáng, khang trang hơn nhiều phải không?
– Tất nhiên, bao nhiêu gian khó, phải tiến lên chớ anh. Em là kẻ vô tích sự nhất mà vẫn cảm nhận được. Anh ở xa về chắc cảm nhận rõ hơn. Anh nói thử coi, cái gì thay đổi rõ nhất nào?
– Nhịp sống, đương nhiên là tốc độ đó, em hiểu không? Tất cả đều có vẻ nhanh hơn, dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn. Gì thì gì chứ anh vẫn thấy mừng. Thà có đi, có sai còn hơn dậm chân hoài một chỗ. Em đồng ý không?
“Em đồng ý không?”, lại một câu nói đầu môi của ngày xưa. Chao ôi, giá mà chị có cuộn chỉ thần, chị sẽ quay ngược thời gian hai mươi mấy năm về trước để thấy mọi thứ vẫn y nguyên, tình bạn, tình yêu, tuổi trẻ…Nhưng ngay vị hoàng tử trong truyện cổ tích còn không quay ngược được thời gian, chị thì có quyền phép gì!
Hai người vẫn đi, vẫn đi chậm rãi trong biển người rộn ràng của những giờ phút cuối năm. Anh lúc nhìn quanh quất, hăm hở, lúc lại liếc nhìn chị. Còn chị, hồn dâng đầy kỷ niệm, cố hình dung lại chuyện cũ, dáng xưa.
Trí bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều:
“Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”..
Mấy câu thơ của Huy Cận một thưở xa xưa sao mà như muốn nói dùm tâm hồn chị lúc này. Chị và anh đã đi đến cuối đường rồi ư? Mà sao chị lại nghĩ vậy. Thực ra con đường đã rẽ lối từ mấy mươi năm qua rồi đó thôi. Sao chị cứ trở đi trở lại ý nghĩ vớ vẩn này. Có ích lợi gì đâu. Mình càng già, càng lẩm cẩm ra rồi. Thôi, mặc kệ anh nghĩ gì, nhớ gì, mình chỉ biết là mình đang đi trong đêm giao thừa, đang sống những giây phút tận cùng của năm bên cạnh một người vô cùng thân thiết vừa trở lại sau một khoảng cách cả nửa vòng trái đất, mình phải hưởng cho trọn vẹn, cho xứng đáng với chính mình…
Nghĩ đã dứt khoát, chị kéo tay anh rẽ vào ngôi chùa lớn hai người mới đi qua:
– Sắp Giao thừa rồi, mình vào hái lộc đi anh.
– Lại vẫn hái lộc đầu năm kia à?
Chị cười dòn:
– Sao lại không! Trước đây mình chẳng từng chen lấn để hái được bất cứ lá hoa gì trong chùa để lấy hên năm mới sao?
Thấy vẻ ngẫn ngơ của anh, chị lại cười vui:
– Anh đừng lo. Bây giờ các chùa tiến bộ rồi, chùa nào cũng để sẵn một số chậu cây cảnh cho khách thập phương vào hái lộc, chẳng phải xô đẩy như trước đâu.
Cầm cành lộc từ chùa ra, chị lại đi sát bên anh. Cả hai như được bao phủ trong mùi hương trầm sực nức của bao nhiêu thẻ hương được đốt lên khắp nơi. Pháo sáng, pháo bông rực trời. Cả đường phố bừng sáng như ban ngày. Ánh sáng làm hồng cả mặt người, làm rục rỡ thêm những tờ giấy đỏ dán đầy trên từng góc cột, từng cánh cửa nhà. Chỉ thiếu có tiếng pháo dây nổ vang trời.
Anh chợt ngừng bước, nắm lấy tay chị:
– Bao nhiêu năm qua, hình như lúc nào anh cũng mường tượng ra cảnh này. Những con phố đông nghẹt, mùi hương trầm, hương hoa sực nức, những cánh cửa dán đầy giấy hồng điều khoe từng câu đối đỏ. Anh cừ mơ mình đang đi trong rừng người ấy, giữa phố phường quen thuộc ấy, trong màu sắc lộng lẫy của hoa Tết, đặc biệt nhất là mùi hương ngào ngạt này. Mà có lẽ không chỉ là hương nhang, hương hoa mà như là tất cả mọi thứ hòa quyện lại trong một nỗi nhớ quê dài dằng dặc, không cùng. Em có hiểu được không hả Phương?
- Xem thêm: Cây trái mùa xưa
Không đợi chị trả lời, anh ghé vào một sạp ven đường, mua mấy cây pháo bông, châm lửa đốt ngay rồi đưa cho chị một cây. Hai người đứng giữa phố, cây pháo trong tay cứ lóe sáng, lóe sáng, bắn tung lên đủ màu như cầu vồng ngủ sắc. Họ đứng đó, nhìn nhau, nhìn nhau, mắt lấp lánh những tia sáng rực rỡ, hơi thở phập phồng hương vị đêm xuân, không biết rằng phút giao thừa đã qua, một năm mới vừa bắt đầu…