Khách du lịch phương Tây đến thành phố rất bất ngờ và thú vị khi nếm món cua rang me. Họ chỉ biết cua rang muối, cua phác xi, cua lăn bột… còn mùi vị chua đậm và có hậu của me, béo dịu trong nước sốt sền sệt gạch đỏ, thấm ngọt chua chua mẵn mẵn trong từng sớ thịt chắc thơm của cua thì họ chẳng thể nào ngờ tới, bởi… bên Tây làm gì có me.
Cái ngon của cua rang me là sự tan nhuyễn của me vào gạch, vào thịt cua, không chát, không sốc, nếm được, ngửi được mà không “lộ” như vị bơ và phó mát. Cua trình bày trên đĩa xà lách non, vị đắng của cải thêm vào cái béo, ngọt, chua, mặn của cua thành một tổ hợp hấp dẫn. Một người đầu bếp giỏi ở Bến Tre lên Sài Gòn chơi, mang sẵn nguyên liệu lên làm món này đãi gia đình.
Tôi được mời ăn, thấy đẹp và ngon quá, nhớ lại “cảm tưởng’ của mấy anh bạn là khách du lịch Tây từng xuýt xoa, tôi bèn năn nỉ chị “mần lại” một lần khác đặng tôi chụp ảnh và nếm kỹ, để viết bài dự thi đặc sản. Người nấu khéo không chịu nhận rằng mình có tài nấu ăn mà giải thích: cua biển Ba Tri thịt ngọt và chắc, me Bến Tre hột nhỏ, nhiều cơm (thịt của trái me), ướp cua kỹ, làm sốt thật ngon, vừa ăn, chiên cua xong đổ nước sốt vào xào kỹ, thịt cua thấm me bốc mùi thơm “đứt mũi”.
Tôi không dám đoan chắc món cua rang me này có “gốc” ở Bến Tre nên không dám nói đây là đặc sản Bến Tre, song tôi biết người nước ngoài mê nó vậy thì nó cũng đáng gọi là “đặc sản xịn của Việt Nam”. Có lẽ ở Sài Gòn người ta cũng có thể làm món này dễ dàng (như ở đâu cũng làm được món chả giò), song có ngon như khi làm bằng nguyên liệu ở Bến Tre hay không thì… phải ăn cả hai thứ nhiều lần mới biết!