Ra đời vào tháng 10-2012 từ sáng kiến của Trung tâm Cộng đồng LIN, Cửa hàng Cơ hội thứ hai đến nay đã là một nơi quen thuộc với nhiều người lao động có thu nhập thấp và các cơ sở từ thiện xã hội tại TP.HCM.
Mô hình điển hình vì cộng đồng
Nhằm giúp người nghèo có được những đồ dùng đã qua sử dụng nhưng vẫn còn tốt, LIN đã tổ chức quyên góp và bán lại với giá rẻ quần áo và một số đồ dùng gia đình, dụng cụ học tập… Việc này đáp ứng được nhu cầu cả hai phía “cho” và “nhận” nên nhanh chóng được nhiều người hưởng ứng dưới nhiều hình thức, từ đóng góp trực tiếp đến vận động quyên góp, chia sẻ thông tin đến những người có nhu cầu.
Những sản phẩm từ quần áo, đồ chơi, đồ dùng gia đình, đồ lưu niệm, giày dép, túi xách, trang sức và phụ kiện, sách báo, tạp chí… có giá dao động từ 5.000 đồng đến vài chục ngàn đồng đã có cơ hội tìm được chủ mới và tạo ra giá trị sử dụng lần thứ hai, giúp giải bài toán cho người chủ cũ không còn nhu cầu sử dụng nữa. Nhờ đó, nhiều người có thu nhập thấp có cơ hội sử dụng các món đồ còn tốt với giá rất “mềm”. Đây cũng chính là ý nghĩa của tên gọi cửa hàng “Cơ hội thứ hai”.
Hằng tháng, LIN sẽ tổ chức một buổi bán hàng vào một buổi sáng Chủ nhật tại trụ sở Trung tâm Cộng đồng LIN (180/47 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh). Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể đến để mua hàng vào ngày này nhưng thị trường mục tiêu của LIN là nhân viên các tổ chức phi lợi nhuận địa phương (nhiều người trong số đó là tình nguyện viên hoặc có thu nhập thấp) và những người có hoàn cảnh khó khăn mà họ đang hỗ trợ.
Riêng với các tổ chức xã hội là đối tác, LIN tổ chức bán riêng ba tháng một lần với giá thấp hơn. Ngoài ra, khi mở Cửa hàng Cơ hội thứ hai, LIN còn có mục đích xây dựng thành cửa hàng mô hình điển hình để qua đó, có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các tổ chức xã hội khác để cùng nhân rộng mô hình này ở nơi khác, tạo điều kiện cho người lao động nghèo dễ mua hàng hơn.
Vì hạn chế về mặt bằng và nhân sự tổ chức nên mỗi lần mở cửa, cửa hàng tại LIN chỉ đón khoảng 60-80 khách hàng. Hiện tại đã có những tổ chức xã hội khác tại TP.HCM bắt đầu hợp tác với LIN để áp dụng mô hình này cho tổ chức của họ.
Khách chọn mua quần áo tại Cửa hàng Cơ hội thứ hai
Nhiều ý nghĩa từ Cửa hàng Cơ hội thứ hai
Theo Lại Hồng Vy, Quản lý Cửa hàng Cơ hội thứ hai – cô gái tốt nghiệp ngành Đông phương học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM năm 2013 cho biết, LIN tiếp nhận quyên góp tại nhiều địa điểm khác nhau ở TP.HCM. Bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể đóng góp, đội ngũ nhân viên, tình nguyện viên của LIN sẽ phân loại và định giá bán.
Ở phiên chợ đặc biệt này luôn có những câu chuyện đời xúc động từ những người mẹ, người chị, người cha tảo tần hôm sớm lo cái ăn, cái mặc cho con em mình. Có khi là niềm vui của những mạnh thường quân rời công việc đến với LIN để làm thiện nguyện, hay những bạn tình nguyện viên trẻ nhiệt tình trong mọi việc như một cách trang bị vốn sống, lòng nhân ái để vào đời.
Chị Thanh Hương là cô giáo dạy Văn Trường Tiểu học Võ Trường Toản, từ khi biết được hoạt động của Cửa hàng Cơ hội thứ hai của LIN, đều đặn tháng nào chị cũng chở thùng quần áo đến tặng. Chị nói, dù là đồ cũ nhưng không muốn món hàng cho đi bị lãng phí nên dù phải bỏ công mang đến đây nhưng chị thấy vui hơn. Khi nhân viên của LIN đến nhà chị mới biết, để có được đồ mang đến LIN, chị cũng tự đi quyên góp từ đồng nghiệp, phụ huynh trong trường và nhiều người quen biết khác.
Có một số các tổ chức là mạnh thường quân thường xuyên, chẳng hạn có công ty thời trang thường hỗ trợ hàng, quần áo mới đã qua mùa, thay vì bán giảm giá, họ đã tặng cho LIN. Nhiều người cho rằng Cửa hàng Cơ hội thứ hai đã trở thành chợ tốt dành cho người lao động có thu nhập thấp, người nghèo nhập cư, khiến họ cảm thấy ấm lòng khi được chia sẻ cuộc sống khó khăn ở thành phố đông đúc này.
Đến hẹn lại lên, sáng Chủ nhật, 22-6 vừa qua, Cửa hàng Cơ hội thứ hai đã mở cửa trong sự chờ đợi của nhiều người. “Chợ” lần này đặc biệt có nhiều sách do một trường quốc tế hỗ trợ nên khá đông người đến chọn mua hàng. Chỉ trong ba giờ đồng hồ, từ 8g đến 11 giờ, cửa hàng đã bán hết quần áo, đồ chơi, đồ dùng gia đình, sách báo, tạp chí tiếng Việt, Anh, Pháp… Đã quen với việc cửa hàng không phục vụ túi nylon để bảo vệ môi trường nên khi đi mua hàng, khách đều chủ động mang túi đựng.
Một việc nhỏ nhưng cũng rất ý nghĩa mà LIN đã xây dựng thành thói quen. Đa số khách là những người thân quen của cửa hàng, cũng có người mới biết và đến lần đầu, ai cũng đều chọn được cho mình vài món ưng ý.