Thị trường chứng khoán vốn chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các thông tin về kinh tế vĩ mô. Thời gian gần đây, những thông tin liên quan đến kinh tế đa phần khá tích cực. Lãi suất giảm, lạm phát không cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của HSNC tăng lên 52,5 điểm trong tháng 5 và đã chín tháng liên tiếp duy trì trên mức 50 điểm. Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục khả quan, các doanh nghiệp sản xuất có thêm nhiều đơn đặt hàng mới. Trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nước ta vẫn là một điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư ngoại. Vốn FDI cam kết vào Việt Nam luôn thuộc hàng cao nhất trong khu vực. Công ty Samsung cho biết sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài điện thoại di động và thiết bị điện tử tại Việt Nam, như xây dựng nhà máy nhiệt điện, nhà máy đóng tàu, sân bay và nhà máy hóa dầu. Riêng trong lĩnh vực điện thoại di động, Samsung cam kết đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của hãng tại châu Á. Những thông tin tích cực như vậy dĩ nhiên là điểm tựa quan trọng cho các nhà đầu tư tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng.
Bản thân thị trường chứng khoán nước ta cũng hấp dẫn nhà đầu tư, khi giá cổ phiếu được đánh giá là vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường mới nổi khác trong khu vực. Thực tế là từ cuối năm 2012, thị trường đã bắt đầu tăng điểm, năm 2013 mức tăng trưởng của VN-Index là 22% và tiếp tục tăng khoảng 12% kể từ đầu năm đến nay. Nghĩa là trong trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội để tăng trưởng. Còn trong ngắn hạn, vẫn sẽ có những phiên điều chỉnh giảm, đặc biệt khi thị trường phải đón nhận những thông tin tiêu cực. Chẳng hạn, cả năm phiên giao dịch của tuần qua đều điều chỉnh giảm, khiến VN-Index mất đi 13,7 điểm, chỉ còn 560,78 điểm sau phiên cuối tuần. Thông tin Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, giảm giá trị đồng Việt Nam 1% so với USD và diễn biến mới khi Trung Quốc dự định kéo tiếp giàn khoan thứ hai vào Biển Đông (phiên giao dịch 19-6) đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ, cụ thể là có hiện tượng bán tháo xảy ra ở một bộ phận nhà đầu tư. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với thời điểm giữa tháng 5 là đa số nhà đầu tư bắt đầu quen dần với những thông tin như vậy và không phản ứng một cách thái quá. Người bán cứ bán, lực cầu bắt đáy thì vẫn duy trì, đặc biệt là từ các nhà đầu tư tổ chức, khiến thị trường không giảm sâu. Dĩ nhiên nhà đầu tư nước ngoài đã không bỏ qua cơ hội này để mua ròng, với giá trị cao nhất kể từ đầu tháng 6. Dù thế, những thông tin tiêu cực vẫn là rào cản tâm lý khá lớn đối với các nhà đầu tư trong ngắn hạn, dòng tiền duy trì ở mức trung bình, thậm chí giảm xuống ở một số phiên chính là phản ánh sự thận trọng này.
Ngoài ra, những phiên giao dịch tuần qua còn chịu tác động từ các phiên chốt điều chỉnh danh mục của các quỹ ETF. Những cổ phiếu được các quỹ ETF gia tăng tỷ trọng đã tăng giá trong khi nhóm cổ phiếu bị các ETF bán ra nhiều đã giảm giá. Sau lần đảo danh mục này, diễn biến của thị trường sẽ chịu chi phối chính bởi yếu tố triển vọng kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tác động từ những thông tin này không mang tính đột biến đến xu hướng chung, bởi chúng đã được phản ánh dần vào giá cổ phiếu trước đó. World Cup đang vào cao điểm cũng làm giảm bớt sức hút của thị trường chứng khoán.
Trên phương diện kỹ thuật, sau một nhịp tăng điểm kéo dài nhiều tuần, VN-Index đã tiếp cận vùng kháng cự mạnh 575-580 điểm, nên cần phải có thời gian để vượt qua. Tuần cuối tháng 6 là thời điểm có thông tin về dự báo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết và thường những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan sẽ công bố kết quả kinh doanh dự kiến trước tiên và dĩ nhiên cổ phiếu của những doanh nghiệp đó sẽ được chú ý và là tâm điểm thu hút dòng tiền. Nếu tình hình Biển Đông không diễn biến xấu hơn, thị trường sẽ không phản ứng quá tiêu cực mà tiếp tục tích lũy trong biên độ hẹp để rồi dần dần đi lên. Nhìn chung, thị trường có thể xoay quanh mức giá hiện nay một thời gian trước khi bật tăng trong thời gian tới, có thể vào khoảng giữa quý III-2014.
Phiên giao dịch đầu tuần (23-6), nhờ nỗ lực đẩy giá từ các cổ phiếu blue-chip, VN-Index đã có phiên điều chỉnh tăng, lên 565,92 điểm (0,92%). Điểm số thì khởi sắc nhưng diễn biến giao dịch thì khá trầm lắng, thanh khoản sụt giảm. Có lẽ do ai cũng nhận định đây là vùng giá hấp dẫn để mua, nên người bán chỉ tung cổ phiếu ra khá nhỏ giọt. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE chỉ là 62.543.580 đơn vị, tương đương giá trị giao dịch 1.065,94 tỉ đồng.
Thành Huân