Việc COVID-19 dường như “ngó lơ” trẻ em từng được xem là chút tốt lành nhỏ nhoi của đại dịch. Giới khoa học vừa có một năm để nghiên cứu vấn đề này, cho đến khi biến thể Delta xuất hiện khiến mọi chuyện phức tạp hơn, nhất là khi mùa hè sắp hết.
Theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ, chỉ trong 1 tuần từ ngày 22 đến 29-7 có gần 72.000 ca trẻ em nhiễm COVID-19 được ghi nhận, gần gấp đôi tuần trước đó. Tháng 7, 181 bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng Johns Hopkins All Children’s dương tính với virus corona, trong khi tháng 6 chỉ có 12 em.
Tình trạng này là do biến thể Delta, song theo báo The New York Times ngày 9-8, các nhà khoa vẫn cho rằng chưa có đủ bằng chứng để nói biến thể Delta có thể khiến trẻ nhiễm COVID-19 có các triệu chứng nặng hay nguy hiểm.
Vấn đề của việc nhiều trẻ em phải nhập viện vì COVID-19, theo tiến sĩ Yvonne Maldonado, chuyên gia truyền nhiễm nhi tại Trường Y Đại học Stanford, là do các em chưa đủ tuổi tiêm ngừa theo quy định (Mỹ chưa tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi). Các vaccine hiện có hiệu quả với chủng Delta, và càng có nhiều người trưởng thành được tiêm chủng thì tỉ lệ trẻ em trong số ca nhiễm mới càng tăng lên.
Theo tiến sĩ Wassam Rahman, giám đốc y khoa Trung tâm cấp cứu nhi khoa tại Bệnh viện Johns Hopkins All Children’s, hầu hết trẻ mắc COVID-19 chỉ có triệu chứng nhẹ như chảy mũi, nghẹt mũi, ho hoặc sốt. “Đa số sẽ được xuất viện và điều trị dự phòng tại nhà” – Rahman nói với The New York Times.
Trên thực tế, một số nghiên cứu đã cho thấy nguy cơ tử vong hoặc trở bệnh nặng do COVID-19 nhìn chung là rất thấp ở trẻ em, phần lớn những trẻ dương tính hầu như không có triệu chứng biểu hiện gì khác thường.
Ít nguy cơ nhưng không chủ quan
Một phân tích toàn diện về số ca nhập viện và số ca tử vong được báo cáo trên khắp nước Anh cho thấy COVID-19 ít gây nguy cơ tử vong hoặc khiến trẻ em và thanh niên cần chăm sóc đặc biệt hơn người ta từng nghĩ.
Trong loạt bản thảo nghiên cứu chưa bình duyệt trên medRxiv, một nhóm các nhà nghiên cứu đã chọn ra tất cả các trường hợp nhập viện và tử vong được báo cáo cho những người dưới 18 tuổi ở Anh. Các nghiên cứu cho thấy COVID-19 đã gây ra 25 ca tử vong ở nhóm tuổi đó trong khoảng thời gian từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021. Khoảng một nửa số ca tử vong đó là những người bị khuyết tật phức tạp, cần chăm sóc sức khỏe đặc biệt, chẳng hạn phải cho ăn qua ống hoặc hỗ trợ thở.
Bác sĩ nhi khoa Danilo Buonsenso tại Bệnh viện Đại học Gemelli ở Rome cho biết: “Tỉ lệ bệnh cấp tính nghiêm trọng thấp là một tin quan trọng, nhưng điều này không có nghĩa COVID-19 không thành vấn đề gì với đối tượng trẻ em. Xin hãy hết sức chú ý càng nhiều càng tốt về việc chủng ngừa”.
Các nhà nghiên cứu khảo sát các bài đã xuất bản về COVID-19 ở trẻ em và thanh niên trên medRxiv, dữ liệu từ 57 nghiên cứu và 19 quốc gia để chọn ra các yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng và tử vong. Họ nhận thấy một số tình trạng bệnh bao gồm béo phì, tim mạch hoặc thần kinh có thể tăng nguy cơ tử vong hoặc điều trị chăm sóc đặc biệt. Nhưng sự gia tăng nguy cơ tuyệt đối là rất nhỏ – tác giả nghiên cứu Rachel Harwood, một bác sĩ ngoại nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Alder Hey ở Liverpool, chia sẻ trong một cuộc họp báo.
Nhìn chung, nhu cầu chăm sóc đặc biệt là “cực kỳ hiếm” ở những bệnh nhi COVID-19, tác giả nghiên cứu Joseph Ward của Viện Sức khỏe trẻ em thuộc Đại học London Great Ormond Street cho biết.
Một nghiên cứu khác của bác sĩ nhi Sunil Bhopal, chủ tịch Nhóm Y tế trẻ em quốc tế, đăng trên tuần san y khoa The Lancet, cho biết tại Hoa Kỳ, Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Hàn Quốc, tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em vẫn rất hiếm cho đến tháng 2-2021, với tỉ lệ 0,17 trên 100.000 dân, chiếm 0,48% ước tính tổng số tử vong do mọi nguyên nhân trong một năm bình thường.
Tử vong do COVID-19 xảy ra tương đối nhiều hơn ở nhóm trẻ có độ tuổi lớn hơn. Nhìn chung, không có bằng chứng rõ ràng về xu hướng gia tăng tỉ lệ tử vong trong suốt thời gian xảy ra dịch đến tháng 2-2021.
Trẻ càng nhỏ, triệu chứng càng không hiện rõ
Trẻ em có thể sẽ không đổ bệnh nặng khi nhiễm virus, nhưng các em có thể là tác nhân mang mầm bệnh thầm lặng và dễ lây lan, với 40% số ca nhiễm ở trẻ từ 3 tuổi trở xuống hoàn toàn không có triệu chứng, theo các nhà nghiên cứu Hong Kong.
Dữ liệu được thu thập tại địa phương bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK) cho thấy virus corona tồn tại trong các mẫu phân trẻ em lâu nhất là 36 ngày. Các nhà nghiên cứu cũng trích dẫn một nghiên cứu riêng biệt ở Hoa Kỳ cho thấy trẻ mới biết đi có tải lượng virus cao hơn đáng kể so với người lớn cần được chăm sóc đặc biệt, khiến chúng dễ lây lan hơn.
Giáo sư Ng Siew-chien, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hệ vi sinh vật đường ruột, cho biết: “Trẻ em có nhiều khả năng trở thành nguồn lây nhiễm tiềm ẩn và có thể đóng một vai trò quan trọng trong lây nhiễm cộng đồng. Trong khi chúng ta đang tích cực để ngăn chặn những người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh, điều quan trọng là phải sớm tìm ra giải pháp để tránh những hệ quả bất lợi từ trẻ nhỏ”.
Các nhà nghiên cứu cho biết xét nghiệm mẫu phân có thể là một cách chính xác, an toàn và hiệu quả để sàng lọc COVID-19 ở trẻ em, đặc biệt là trước khi các trường học mở cửa trở lại.
CUHK đã cung cấp dịch vụ sàng lọc mẫu phân miễn phí cho trẻ em từ tháng 3 năm ngoái và tính đến tháng 3 năm nay đã thực hiện 17.500 mẫu xét nghiệm. Trong số đó, 22 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính, tỉ lệ cứ 1.000 trẻ được xét nghiệm thì có tới 2 trẻ dương tính. Nhiễm trùng không có triệu chứng chiếm 70% các trường hợp được xác nhận.
Dữ liệu cũng cho thấy Hong Kong có tỉ lệ nhiễm COVID-19 ở trẻ em cao hơn so với Trung Quốc đại lục, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Cho đến ngày 25-3-2021, trong số 11.429 trường hợp COVID-19 được xác nhận ở Hong Kong có 201 trẻ em từ 3 tuổi trở xuống, 40% trong số đó không có triệu chứng.
Giáo sư Paul Chan Kay-sheung, chủ nhiệm khoa vi sinh của CUHK, đã kêu gọi sự chú ý nhiều hơn đến các nhóm dân số trẻ vì họ có thể dễ dàng lây lan virus trong cộng đồng. Một nhà nghiên cứu khác là giáo sư Albert Martin Li nhắc nhở các bậc cha mẹ nên cho con mình tầm soát COVID-19, đặc biệt nếu chúng có các triệu chứng tương tự bệnh cúm. Những đối tượng cần được xét nghiệm khẩn cấp là những trẻ thấy không khỏe sau khi đến các khu vực có nguy cơ cao, sống trong khu vực bị bắt buộc xét nghiệm hoặc có liên quan đến những ca nhiễm tại trường học.
Những con số được phân tích trong giai đoạn này có thể phần nào làm yên lòng các bậc phụ huynh đang lo ngại con mình dễ bị các biến chứng nghiêm trọng do COVID-19 gây ra. Các chuyên gia sức khỏe nhận định thêm rằng số liệu tươi sáng trong các báo cáo có thể là do phần lớn trẻ em đã được che chắn bảo vệ khá tốt trong đợt dịch bệnh này, tuy nhiên virus luôn biến đổi và trẻ em là một bộ phận dễ chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh hơn cả. Các biện pháp phòng tránh như khẩu trang, cải thiện hệ thống thông gió, chủng ngừa cho trẻ và gia đình vẫn nên được tiếp tục duy trì nghiêm túc trong thời gian tới.
Các bác sĩ nhi khoa ở Mỹ đưa ra một số khuyến cáo dễ thực hiện để cha mẹ giúp con cái an toàn trước COVID-19, đặc biệt là khi con trẻ sắp đi học trở lại.
Tiêm vaccine
Tiêm ngừa cho chính mình và những người lớn khác trong gia đình cũng là gián tiếp bảo vệ các trẻ nhỏ. Phụ huynh cũng có quyền hỏi những người tiếp xúc với con cái mình liệu họ đã tiêm ngừa chưa, nếu chưa thì ít nhất hãy yêu cầu họ đeo khẩu trang hoặc thậm chí cân nhắc yêu cầu họ đi xét nghiệm trước khi gặp nhau.
Giữ vệ sinh tốt
“Rửa tay thật sự là một trong những cách hiệu quả nhất để giúp ngăn ngừa sự lây lan của bất kỳ loại bệnh tật nào, cho dù ở nhà hay trong cộng đồng” – bác sĩ Dane Snyder, trưởng bộ phận chăm sóc sức khỏe nhi khoa tại Bệnh viện Nhi ở Columbus (Ohio), nhấn mạnh.
Khẩu trang và khoảng cách
Các chuyên gia y tế công cộng cho biết khoảng cách 1m có thể làm giảm sự lây lan của virus. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo tất cả trẻ trên 2 tuổi đeo khẩu trang khi đến trường, bất kể đã được tiêm ngừa hay chưa. Cha mẹ có thể khiến việc đeo khẩu trang trở nên thú vị đối với con cái bằng cách so sánh chúng với những siêu anh hùng đeo mặt nạ. Bản thân các bậc phụ huynh cũng cần làm gương cho con bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài để phòng tránh nguy cơ mang mầm bệnh về nhà.
Vui chơi ngoài trời
Việc để trẻ có thời gian vận động bên ngoài ở những không gian thoáng đãng thực ra có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 so với việc chơi trong nhà, trong phòng ngủ hoặc những không gian khép kín.
Trò chuyện với trẻ
Các bác sĩ nhi khoa cho rằng việc nói cho trẻ con hiểu về dịch bệnh là cần thiết vì những kiến thức được tiếp thu từ cha mẹ và môi trường xung quanh sẽ thẩm thấu vào trẻ một cách tự nhiên, nếu càng né tránh và giấu giếm thì trẻ sẽ càng tò mò và lo lắng.