Công ty Tư vấn Chiến lược Roland Berger và Tập đoàn DKSH vừa công bố bản báo cáo thứ tư về Dịch vụ Phát triển Thị trường bao gồm các thông tin có giá trị về các nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng của họ, giúp cho các nhà lãnh đạo nhận biết tốt hơn về những cơ hội và thách thức trong việc phát triển thị trường kỹ thuật số.
Nhân dịp bản báo cáo được công bố, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Leonard Tan, Tổng giám đốc Công ty DKSH Việt Nam về những vấn đề liên quan đến bản báo cáo này.
Ông có nhận định gì về ngành công nghiệp Dịch vụ Phát triển Thị trường (DVPTTT) toàn cầu trong năm vừa qua?
Theo nghiên cứu độc lập của Roland Berger, thị trường DVPTTT toàn cầu đã đạt mức 2,7 nghìn tỉ USD trong năm 2013. Với sự phát triển mạnh mẽ này, đến năm 2018 dự đoán sẽ đạt mức 3,8 nghìn tỉ USD, với mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 7,4%. Điều đó có nghĩa thị trường DVPTTT một lần nữa sẽ đạt mức 1% thị trường tiêu thụ toàn cầu hằng năm.
Theo dự đoán của các viện nghiên cứu thị trường hàng đầu, vào năm 2018 châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực có các hoạt động thương mại điện tử và giao dịch nhộn nhịp nhất trên thế giới.
Cuộc cách mạng số hóa ngành công nghiệp DVPTTT sẽ đóng vai trò như thế nào vào sự phát triển của doanh nghiệp?
Số hóa là một xu thế kinh doanh đang được ưa chuộng của thế kỷ XXI mặc dù thương mại điện tử toàn cầu chỉ đóng góp chưa đến 5% vào tổng doanh thu bán hàng. Tuy các kênh bán hàng truyền thống vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ lực, các công ty đã bắt đầu nhận ra sự cần thiết phải điều chỉnh chiến lược của họ để tận dụng những thách thức và cơ hội khi thời đại của số hóa đang đến gần.
Ba xu hướng số hóa – bao gồm thương mại di động, trí tuệ doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng thông minh – dự đoán sẽ có nhiều tác động mạnh mẽ vào các công ty trong vòng năm năm tới. Mặc dù số hóa chỉ đang bắt đầu thay đổi nền tảng hoạt động kinh doanh, nó cũng đã tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và mở ra khả năng cho sự tăng trưởng và hiệu quả. Những xu hướng này sẽ tạo ảnh hưởng lên cách thức giao dịch kinh doanh và cách mà các công ty tương tác với các nhà cung cấp, khách hàng và các bên hữu quan khác.
Ba xu hướng này đã và đang không chỉ thay đổi cách người tiêu dùng mua hàng, mà còn là cách các công ty tiếp cận đến khách hàng và tạo ảnh hưởng lên quyết định mua hàng của họ.
Trong khi số hóa đang trở thành yếu tố thay đổi ngành công nghiệp DVPTTT, thì mạng truyền thông xã hội, tiếp thị kỹ thuật số và các chiến lược phân tích dữ liệu đang định hình lại mối quan hệ khách hàng – nhà sản xuất và phát huy trải nghiệm của khách hàng thông qua các kênh bán hàng hiện hữu và mới nổi.
Do các công ty thường thiếu nguồn lực và khả năng để tự thực hiện một chiến lược phát triển theo hướng kỹ thuật số, họ thường tìm đến các đối tác có thể cung cấp kiến thức chuyên môn tích hợp được với DVPTTT truyền thống. Xu hướng số hóa nhờ đó nhanh chóng nổi lên trở thành một nhân tố quan trọng. Các nhà cung cấp DVPTTT được trang bị đầy đủ kinh nghiệm trong việc hỗ trợ các công ty tiếp cận thị trường để phát triển cả hai DVPTTT truyền thống và kỹ thuật số.
Tác động của số hóa ngành DVPTTT toàn cầu có ảnh hưởng đến ngành DVPTTT Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung?
Không còn bị xem là “sân sau của các nước phương Tây”, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đạt quy mô thị trường là 691 tỉ USD vào năm 2013 và vượt qua châu Âu để trở thành thị trường lớn nhất của DVPTTT. Châu Âu và Bắc Mỹ tiếp theo sau đó với giá trị thị trường lần lượt là 649 tỉ USD và 529 tỉ USD.
Như đã nhấn mạnh trong bản báo cáo, xu hướng số hóa được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi và đặc biệt là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các viện nghiên cứu thị trường hàng đầu dự đoán rằng, vào năm 2018, châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực có các hoạt động thương mại điện tử và giao dịch nhộn nhịp nhất trên thế giới.
Quỹ đạo này được kỳ vọng sẽ tiếp tục.Những dự báo cho thấy tỷ lệ tăng trưởng của DVPTTT trong vòng năm năm tới sẽ tạo ra khoảng cách xa hơn giữa châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ. Những kết quả ấn tượng này phản ánh sự phát triển mạnh mẽ trong thương mại nội châu Á và sự phát triển của tầng lớp trung lưu.
Với doanh thu ngành dịch vụ lên tới hàng ngàn tỉ USD, ông vui lòng nêu rõ những đặc tính nổi trội của DVPTTT là gì?
DVPTTT giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển kinh doanh tại các thị trường hiện hữu và mới nổi. Với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sâu sắc về thị trường địa phương, DKSH có khả năng triển khai toàn bộ chuỗi cung ứng từ nghiên cứu thị trường, tiếp thị, bán hàng, phân phối, kho bãi, vận chuyển cho đến dịch vụ hậu mãi. Các đối tác có thể tập trung năng lực và nguồn lực của họ vào hoạt động chuyên môn của mình khi DKSH đã giúp họ thực hiện các hoạt động kinh doanh kể trên.
DVPTTT của DKSH tại Việt Nam có gì khác biệt nhằm đón đầu tiềm năng lớn của ngành này trong thời gian tới?
Tôi tin rằng Tập đoàn DKSH, với hiểu biết sâu sắc về địa phương, dịch vụ chuyên nghiệp, chuyên môn cũng như mạng lưới phân phối rộng khắp có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho các DVPTTT kỹ thuật số.
Công ty DKSH được định vị không chỉ để tăng trưởng trên cơ sở vận dụng những xu hướng đó một cách tối ưu nhất, mà còn giúp cho các đối tác và khách hàng thực hiện cách tiếp cận thị trường số hóa và truyền thống một cách thành công.
Tại Việt Nam, DKSH có khoảng 3.200 nhân viên ở hơn 20 địa điểm kinh doanh, trong đó bao gồm các trung tâm kho vận với quy mô và cơ sở hạ tầng hiện đại ở các thành phố lớn bảo đảm việc cung cấp các DVPTTT bao phủ tất cả các tỉnh thành trên cả nước.
Hoạt động kinh doanh của DKSH được cấu trúc thành bốn ngành gắn liền với những lĩnh vực chuyên môn của DKSH, bao gồm: Hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, hóa chất và kỹ thuật công nghệ. Trên nền tảng đó, Công ty DKSH Việt Nam chính là đối tác quan trọng và uy tín mà các công ty mới nổi đang tìm kiếm để mở rộng đến các thị trường mới và thị trường hiện hữu.