Đó là một người biết dùng đôi mắt để quan sát và nhìn thế giới ở tầm rộng, dùng tâm trí để học hỏi những điều chưa biết và biết dang rộng vòng tay để kết nối thực sự với bè bạn trên khắp toàn cầu.
Độc giả có thể biết mình đang là công dân toàn cầu 1.0 hay 5.0 theo một bảng phân loại thú vị của Mark Gerzon. Việc này không phải để đánh giá, mà để người đọc biết mình đã chuẩn bị tới đâu nếu muốn thành công, cho dù họ là chính khách hay một doanh nhân. Bởi trong một thị trường đầy cạnh tranh, người giành được khách hàng phải là người có nhiều kết nối và sáng tạo. Điều này có thể chứng minh bằng câu chuyện của Sudansu Palsule, chuyên gia người Ấn Độ phụ trách huấn luyện cho khách hàng từ Mumbai đến Atlanta. Đúc kết thành công của ông xuất phát từ một thứ “kiến thức thật sự, loại kiến thức của vũ trụ, được tạo ra ở các biên giới, chúng nổi lên ở nơi mà các nền văn hóa va chạm với nhau. Chúng ta hãy gặp nhau ở đó, ngay biên giới”.
Một điều quan trọng của công dân toàn cầu là không gắn chặt mình vào điều đã biết, vì thế sách chỉ ra cách suy nghĩ vượt lên trên giới hạn của sự “đã biết”. Cụ thể hơn, để trở thành công dân toàn cầu, người ta cần suy nghĩ như người thiểu số. Chỉ khi tư duy vượt khỏi khuôn khổ cá nhân, nhóm phái, quốc gia, dựa trên nền tảng đa văn hóa và thế giới quan toàn trái đất, một doanh nghiệp, một đất nước mới có nhiều cơ hội phát triển.
Sách của NXB Trẻ, sách dày 314 trang, giá 75 ngàn đồng.
C.T