Tuy nhiên, đến nay việc vi phạm bản quyền dưới nhiều hình thức lại có chiều hướng tăng. Kết quả là sau mười năm có luật vẫn còn quá ít người viết, người dịch sống được bằng nghề, lượng sách được xuất bản tăng mạnh nhưng những tác phẩm có giá trị vượt thời gian lại không chiếm bao nhiêu. Theo nhận xét của nhiều người trong nghề thì Dự thảo Luật xuất bản sửa đổi được thông qua vào cuối năm vừa rồi sẽ chưa thể cải thiện được tình trạng trên.
Nhiều người viết bị mất quyền lợi
Không chỉ sách giả, sách lậu mới khiến tác giả bị mất nguồn thu nhập mà ngay cả đối với nhiều sách được liên kết xuất bản, người viết hoặc người dịch tác phẩm cũng bị mất quyền lợi. Các tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng và tuyển tập truyện ngắn trong nước là hai thể loại bán chạy nên thường được các công ty sách tư nhân liên kết với nhà xuất bản (NXB) để tái bản. Trong đó có nhiều trường hợp NXB tái bản sách mà không hỏi ý kiến tác giả, dịch giả. Một số NXB sợ bị kiện thì chỉ ghi thêm dòng chữ:“Do không liên hệ được với tác giả, tác giả vui lòng liên hệ với NXB” trên sách. Một trường hợp gần đây là người dịch tác phẩm Những con chim ẩn mình chờ chết khi đi dạo nhà sách mới thấy sách của mình bị nhà sách Văn Chương liên kết với NXB Hồng Đức tái bản mà không hỏi qua ý kiến của mình. Thực tế, người viết và các dịch giả khó mà biết được chuyện tác phẩm của mình được tái bản rải rác trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Thế nên, trong những trường hợp này, các công ty sách tư nhân chỉ mất tiền in và tiền quản lý trả cho các nhà xuất bản, dẫn đến giá thành sách thấp trong khi giá bán vẫn cao. Cuối cùng lợi nhuận thuộc về những kẻ sử dụng thành quả trí tuệ của người khác, còn người dịch, người viết hầu như luôn chịu thiệt. Nhiều dịch giả nhìn sách của mình bị tái bản vô tội vạ mà chẳng muốn kiện bởi hành lang pháp lý chưa tạo điều kiện để các tác giả có thể đòi quyền lợi một cách dễ dàng như ở các nước phát triển.
Độc giả khó lòng phân biệt đâu là sách thật – sách dỏm giữa ma trận tựa sách gần giống nhau
Thực trạng trên có thể xảy ra là vì nhiều nhà xuất bản đang bán giấy phép xuất bản cho công ty sách mà không cần biết xuất bản phẩm có nội dung ra sao, có bản quyền hợp pháp hay không. Thậm chí có NXB còn cho tái bản các tác phẩm dịch của NXB khác mà không biết tác phẩm đó đã đạt chuẩn hay chưa. Do yếu kém về năng lực, nhiều nhà xuất bản không tuân thủ đúng quy trình biên tập đọc và duyệt bản thảo, duyệt phát hành. Một số nhà xuất bản không đủ sức giám sát đối tác liên kết còn phó thác hoàn toàn sản phẩm cho đối tác quyết định. Vì vậy mới dẫn đến hiện tượng nhiều nhà phát hành tự tăng số lượng in, thay đổi tên và nội dung bản thảo, làm ra các ấn phẩm kém chất lượng. Do đó, vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi Luật xuất bản là tạo các cơ chế pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng đó. Thế nhưng, ông Hà Sỹ Đồng, ủy viên ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thì dự thảo Luật sửa đổi lần này không những không bổ sung các chế tài để chấn chỉnh tình trạng trên mà còn buông lỏng hơn nữa trách nhiệm quản lý của nhà xuất bản. Cụ thể là Điểm e khoản 8 Điều 23 của Luật sửa đổi lại quy định trách nhiệm “thực hiện việc sửa chữa, đình chỉ phát hành, thu hồi hoặc tiêu hủy xuất bản phẩm vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”thuộc về đối tác liên kết chứ không phải nhà xuất bản.
Nhiều thế hệ người đọc sẽ chịu thiệt thòi
Khi quyền sở hữu trí tuệ của tác giả không được bảo vệ, người viết, người dịch sẽ khó sống được bằng nghề. Do vậy, sẽ rất ít có sự đầu tư đến nơi đến chốn cho các tác phẩm. Trong các nhà sách, khu sách dịch khi mới nhìn thì tưởng như phong phú và ngày càng nhiều nhưng thật ra đa phần là các tác phẩm cũ dịch lại hoặc tái bản lại, nhất là các tiểu thuyết nổi tiếng như Tất cả các dòng sông đều chảy, Những con chim ẩn mình chờ chết, các tác phẩm của Quỳnh Dao, Hemingway… Nhà nghiên cứu Nguyễn Nhật Chiêu cho biết rằng bản dịch Nghìn lẻ một đêm mới đây chất lượng còn thua các bản dịch trước vì có rất nhiều lỗi do cẩu thả, cuốn thơ Đường mới xuất bản cũng chỉ toàn những bài mà các tác giả trước đã dịch, và cách dịch chẳng có gì mới. Còn các tuyển tập truyện ngắn thì cũng xào xáo từ một số truyện cũ của các tác giả nổi tiếng.
Tại các nước chú trọng đến việc nâng cao dân trí, chuyện xây dựng một tủ sách văn học thế giới đa dạng và phong phú luôn rất được khuyến khích. Còn tại nước ta, ngoài dòng sách phục vụ nhu cầu giải trí, những tác phẩm mang tầm vóc thời đại xuất hiện ngày càng thưa thớt. Điều này sẽ góp phần dẫn đến sự tụt hậu về tri thức, tư tưởng của nhiều thế hệ người đọc tiếp theo.
Cẩm Tú