Có lẽ lần đầu tiên một nghịch lý được đặt ra, đó là trong khi các doanh nghiệp trong nước hoạt động ở lĩnh vực công nghệ thông tin phải tuân thủ các quy định khắt khe của Chính phủ thì doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới chiếm 70% doanh thu quảng cáo trong không gian số (Google, Facebook…) lại không nộp thuế, không tuân thủ luật pháp Việt Nam.
Tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 9-5, trong rất nhiều tham luận các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ đã bày tỏ sự bất mãn về tình trạng này – được gọi là “bảo hộ ngược” – qua đó Nhà nước đã không tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, trên thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay đang có sự góp mặt của các công ty bên ngoài lãnh thổ, các công ty công nghệ xuyên biên giới và doanh nghiệp công nghệ trong nước, nhưng các chính sách dành cho công ty sáng tạo công nghệ Việt Nam lại đang ở mức kém nhất.
Theo ông, ở Trung Quốc, doanh nghiệp sáng tạo công nghệ đang được hưởng mức bảo hộ ưu đãi thuế, ở Mỹ Amazon lợi nhuận hàng tỉ USD, đóng thuế 0 đồng. Trong khi đó ở Việt Nam, mức thuế mà những doanh nghiệp công nghệ phải đóng dao động từ 15 – 20% doanh thu, chứ không phải là 15 – 20% tính trên lợi nhuận như các nước. Bởi vì thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp đang áp dụng rất cao.
Chính sách của Việt Nam là các mạng xã hội trong nước nếu thuê một người sản xuất video để đăng tải lên thì sẽ vi phạm quy định làm báo tư nhân, trong khi YouTube thuê hẳn một công ty sản xuất video nội dung hay Facebook đăng video clip thoải mái. Cho nên rất nhiều công ty Việt muốn làm mà không dám làm, dù có đủ năng lực về mặt công nghệ.
Đến từ Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ông Nguyễn Xuân Thành, kể một thực trạng khi ông trao đổi với nhiều doanh nghiệp công nghệ trong nước, đó là chính sách ưu đãi thuế có thể đã ban hành, nhưng riêng việc họ đi xin cho đủ giấy tờ chứng minh mình thuộc diện được hưởng ưu đãi cũng rất mệt mỏi, tốn kém. Ngược lại, các chính sách ưu đãi thuế mà chúng ta đang dành cho doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI lại đang làm rất tốt, rất nhanh.
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast, kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, các chính sách ưu tiên về thuế, thủ tục hành chính… cho công nghệ rất cởi mở bởi họ xác định đây là nền tảng phát triển kinh tế. Trong khi chúng ta vẫn thiếu chính sách nhằm thúc đẩy mạnh các công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, như sản xuất ôtô, xe máy điện hay các công nghệ có thể ứng dụng với mục đích nhân đạo.
Để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao cần có chi phí đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận thấp, nếu không có sự vào cuộc của Nhà nước sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. Chính phủ có thể chủ trì tổ chức mạnh hơn nữa các mạng lưới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo công nghệ, chú trọng đầu tư hơn nữa cho việc đào tạo các loại hình công nghệ mới trong các trường đại học, đầu tư vào nghiên cứu một số công nghệ lõi để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong phát biểu kết luận diễn đàn này, cho biết không thể kéo dài tình trạng “bảo hộ ngược” này nữa, bất cứ doanh nghiệp nào đến đây làm ăn cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Từ nay, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) nếu có vấn đề với luật pháp, có thể lấy bộ chủ quản làm đầu mối, hoặc giả sử ngay cả khi việc này liên quan đến các bộ ngành khác, thì bộ này sẽ chịu trách nhiệm đi nói chuyện với họ. Ông nói: “Chúng ta sẽ bảo trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bởi đó là thành phần chính trong cuộc cách mạng số và cách mạng công nghiệp 4.0”.
Một trong những vấn đề quan trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là phát triển những mô hình, sản phẩm công nghệ. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng, Việt Nam sẽ tiến cùng thời đại. Nhận thức này cần được biến thành hành động, tháo gỡ rào cản cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển.
Theo ông, từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã liên tục động viên doanh nghiệp và ông tin rằng Việt Nam sẽ phát triển nếu có những doanh nghiệp toàn cầu, biết đổi mới sáng tạo và có tinh thần tự tôn dân tộc. Việc phát triển công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam vươn ra thế giới: Công nghệ là nhân tố chính đưa Việt Nam thành nước phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình. Muốn tăng thu nhập trung bình phải phát triển công nghệ để đến 2045, nước ta phải trở thành nước công nghiệp thịnh vượng. “Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình cần làm chủ công nghệ, hoàn thiện quản lý”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp công nghệ là hạt nhân để thực hiện khát vọng một dân tộc “hóa rồng”. Với xu thế sôi động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, các doanh nghiệp công nghệ có vai trò bản lề trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế nhiều tài nguyên không còn vị thế, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là một trong những động lực mới để phát triển nền kinh tế Việt Nam. Tiềm năng phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là rất lớn – đó là con người thông minh, sáng tạo, cần cù, thị trường gần 100 triệu dân, công nghệ đi vào mọi ngõ ngách, tạo ra một quốc gia thông minh.
Thủ tướng cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ lần 4 là cơ hội cho những ý tưởng, sáng tạo mới. Việt Nam cần nhận thức điều đó để đối mặt. Cơ hội đến từ chính sự nỗ lực trong thách thức đó, phát huy lợi thế trong thời đại số. Cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, chủ yếu dựa vào nhân lực công nghệ chất lượng cao. Vì thế, theo ông, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu nắm được cơ hội, hành động cụ thể, kịp thời, hành động đồng bộ để chuyển đổi nền kinh tế.
Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, doanh nghiệp công nghệ có nhiệm vụ nâng cao chất, tăng trưởng, đưa nền kinh tế lên tầm cao hơn, doanh nghiệp gắn trọng trách dẫn dắt việc chuyển đổi số quốc gia song song với tiến trình làm chủ. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thực hành khẩu hiệu “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”.
Thủ tướng cũng cho rằng, Việt Nam cần hành động nhanh hơn trong thời đại kỹ thuật số. Những phương thức kinh doanh cũ kỹ cần nhường cho những giải pháp đổi mới sáng tạo và công nghệ. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, Việt Nam cần hành động ngay. Lượng người sử dụng internet cao, đã xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều doanh nghiệp phát triển công nghệ thông tin… Sau 30 năm lắp ráp, Việt Nam có đủ điều kiện để sáng tạo công nghệ, cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để trở thành doanh nghiệp công nghệ.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ cùng các bộ liên quan sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ. Muốn có doanh nghiệp công nghệ cần tạo ra thị trường. Đầu tiên và then chốt nhất là hoàn thiện nền kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo. Sau đó là hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Ông đồng ý với chủ trương thí điểm xây dựng khu công nghiệp, công nghệ sáng tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, cần đổi mới giáo dục để nâng cao năng lực tiếp cận. Chính phủ sẽ đưa các vấn đề cụ thể như liên kết, kêu gọi các doanh nghiệp hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm…
Cần nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút nhân lực nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số… Đáng chú ý, Thủ tướng cũng giao cho Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông vạch ra chiến lược về phát triển doanh nghiệp công nghệ để trình Chính phủ trong tháng 6-2019 để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai phát triển công nghệ.