Trèo cây và lấm lem bùn đất là những kỷ niệm thời thơ ấu mà chúng ta đều trân trọng. Nhưng chúng là những kỷ niệm mà con cái chúng ta đang bỏ lỡ.
Một lần đã lâu, khách đến nhà tặng cho đứa con trai nhỏ của tôi mấy con gà là đồ chơi thủ công, đang thấy bán ở một vỉa hè. Rất giống, vì gắn lông gà thật. Ngoài gà trống và mái, có vài gà con gắn lông vàng, là lông giả bằng sợi nhựa. Con trai lớn bảo: “Em chơi một lát là chán, lông sẽ bị xù ra dơ lắm!”. Con trai nhỏ: “Em muốn nhìn con gà!”.
Nghe con nói mà nghĩ lan man. Con gà thì con biết qua… hình ảnh cũng nhiều. Mấy cái đùi gà rán không gì lạ với nó, nhưng chưa đủ đại diện cho con gà. Nhớ hồi về quê ngoại ở Cam Ranh, nó đứng hằng giờ ngẩn ngơ nhìn mấy con bò Bô to lớn chuyên dùng để kéo xe. Nó chơi với lũ gà con, vịt con chíu chít ngoài vườn. Mấy con đó ở Sở Thú không có, nếu có cũng không sờ được, để cảm nhận được bộ lông mềm mại của chúng ra sao.
Ngồi ngắm mấy con gà giả, tôi nhớ hồi mình là con nít. Lúc đó cái xóm nhỏ ở Phú Nhuận sao nhiều gà đến vậy. Gà trống gáy te te mỗi sáng, gà con chip chip theo mẹ sục mấy khoảnh đất sát gốc cây sung đầu hẻm. Tôi nuôi con gà tre, buổi trưa ẵm ra bãi đất trống giữa hẻm gặp đám bạn cũng mang theo mỗi đứa một con gà, cho mấy con gà chơi với nhau. Gà như thú cưng của đám con nít, hiền queo, luôn có mùi cám, mùi gạo khi ôm nó vào lòng. Thả nắm gạo cho chúng ăn, sờ nắn cái bầu diều căng phồng, cái tích mềm xèo. Thương con gà trống đến độ không cho nó đá nhau, chỉ để ngắm nghía, ẵm bồng như đứa em. Chơi đến khi nó bị rù, chết, đành buồn bã đem chôn và… kiếm con khác. Nhớ thật nhiều bộ lông vàng nâu lốm đốm của nó, phối màu vừa đẹp vừa trang nhã, hoạ sĩ bắt chước còn mệt. Nhất là mấy con gà trống Tàu, to con và có bộ lông sặc sỡ.
- Xem thêm: Lưu giữ kỷ niệm
Chợt nhớ có những con côn trùng hồi nhỏ tự dưng không còn thấy nữa. Lâu lắm không thấy chuồn chuồn hay bọ ngựa bay vào nhà, xà quần trên đầu rồi mất hút như hồi xưa. Tết năm Giáp Thân 2004, một đám chuồn chuồn kim mảnh dẻ ở đâu bỗng dưng bay đến đậu đầy kín cây mai tứ quý nhà tôi. Cả xóm xúm lại xem như hiện tượng lạ. Người lớn tha hồ kể chuyện ngày xưa, ở quê… Con nít sướng hơn được chơi game, chổng khu mà ngó, thằng này đòi bắt nhưng thằng kia trừng mắt, bảo để ngắm cho đã. Lâu quá cũng không thấy lũ dế bay vào nhà, dế than dế lửa có lớp da bóng nhẩy sang trọng, dế chó quê mùa cục mịch. Dế mái vào nhà nhiều hơn, dế trống có đôi cánh “chạm khắc” tuyệt đẹp.
Thay vì dùng mắt nhìn màn hình, chúng có thể dùng tất cả các giác quan khi ở ngoài trời, để ngửi gió, sờ lá cỏ, nếm nhụy bông hoa, nhìn trời sao và nghe mưa đang tới… Chúng sẽ được kích hoạt tình yêu thiên nhiên tiềm ẩn trong lòng.
Hồi đó, dưới gốc cây mai còn có những con ốc bé xíu màu vàng nhạt, chỉ dài độ hai milimét, vỏ dài nhọn chĩa xéo lên, bò chậm rì trên mặt đất trong chậu. Có những con bọ rùa đậu đầy trên cây lá cách ở xóm trên. Lại thường nghe tiếng kêu e e đâu đó trước hàng rào, dưới mấy chậu cây, tìm mãi không ra. Má bảo, đó là tiếng con vạc sành. Đến giờ, già đầu cũng không biết con vạc sành nó ra làm sao.
Qua Nhật mấy lần, tôi thích nhìn logo của những đại công ty lớn toàn cầu. Toàn là hình những con vật ngộ nghĩnh dễ thương, là chuồn chuồn, ếch xanh, mèo con, gấu con, bọ dừa… chứ không phải là con rồng, sư tử, hổ báo. Người Nhật mang ký ức đầy rung cảm trước thiên nhiên ở tuổi thơ vào việc làm ăn kinh doanh. Có lẽ vậy, khi thành công, họ đóng góp vào việc bảo tồn thiên nhiên. Họ đầu tư vào việc tái chế, biến chai nhựa thành áo bảo hộ lao động, thành ví, túi xách, biến giấy loại thành búp bê đắt tiền… Thiên nhiên đẹp tuyệt của họ có ở bất cứ đâu, ở Nikko dưới chân núi Phú Sĩ, ở những vùng quê bình thường. Họ nâng niu cái hồ nhỏ có lũ ếch, từng cái mương trong thành phố chỉ có nước trong vắt và cá chép Koi bơi lượn, cho mèo hoang ăn hàng ngày ở công viên…
- Xem thêm: Cây chùm ruột trước sân nhà
Trèo cây và lấm lem bùn đất là những kỷ niệm thời thơ ấu mà chúng ta đều trân trọng. Nhưng chúng là những kỷ niệm mà con cái chúng ta đang bỏ lỡ. Thay vì dùng mắt nhìn màn hình, chúng có thể dùng tất cả các giác quan khi ở ngoài trời, để ngửi gió, sờ lá cỏ, nếm nhụy bông hoa, nhìn trời sao và nghe mưa đang tới. Khi bắt gặp điều gì không thể giải thích, như dáng đi kỳ cục của một con chim hay thấy cái lá có nắp đóng mở, chúng sẽ muốn tìm kiếm thông tin về nó. Khi đó, chúng lại kết nối với tự nhiên mà chúng bị ngắt khi ở trong nhà, bên máy móc. Chúng sẽ được kích hoạt tình yêu thiên nhiên tiềm ẩn trong lòng, để lớn lên sẽ biết giữ gìn thiên nhiên, quý từng cái cây, con thú hoang, bông hoa dại.
Một lần đã lâu, tôi dắt hai con trai vào công viên để tập thể dục. Ở đó, tôi bắt gặp những trái điệp già rụng đầy mặt đất, tỏa ra một thứ nhựa thơm. Tôi kể cho hai con về những ngày đi học hồi nhỏ, thường nhặt chúng về để đập ra lấy hạt xong đem rang, ăn thơm và bùi. Trước khi về nhà, hai con xin được nhặt một mớ trái điệp. Ba cha con lom khom dưới bãi cỏ, chọn những trái không quá nát để nhặt. Con trai nhỏ la lên khi thấy một con cuốn chiếu chạy sát bên bờ xi măng. Con trai lớn ngưng tay nhặt khi thấy sóc chạy tới lui trên cành, còn tôi đưa lên mũi, hít lại mùi nhựa thơm như mật mà nhớ hồi đi học quá chừng.
Về nhà, bỏ mớ hạt điệp vào chảo nóng. Hạt chín, bung vỏ và nổ lóc bóc khi văng vào mặt trong cái rổ thiếc đang đậy bên trên. Hạt nguội, nhìn các con nhai giòn tan trong miệng, tôi hỏi: “Ngon không?” Con trai lớn nói: “Không ngon lắm, nhưng rất, rất là vui!”.
- Xem thêm: Nhớ thời ăn quà vặt