Giằng co chính là xu hướng chủ đạo trên hai sàn giao dịch từ hơn nửa tháng nay, vì thế các chỉ số chính đang dao động trong biên độ khá hẹp, dù vẫn có những nhóm cổ phiếu được bán – mua khá sôi động. Diễn biến lình xình đi ngang ấy cho thấy đã có một sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu và nỗ lực tăng điểm của nhóm này vấp phải sự trì kéo của nhóm kia, đặc biệt là áp lực giảm giá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn ảnh hưởng mạnh đến VN-Index. Nếu so với quãng thời gian đi lên nhanh chóng của chỉ số trước đó, thị trường đã chùng xuống thấy rõ, với lực cầu (mua vào) giá cao khá yếu ớt. Những cổ phiếu đã “chạy” tốt thời gian qua gặp phải áp lực chốt lời sẽ phải đi xuống trong giai đoạn này. Dòng tiền yếu cũng khiến cho cổ phiếu tốt sụt giảm mạnh trong nhiều ngày và có thể là cơ hội cho những ai còn dồi dào tiền trong tài khoản. Cơ hội vẫn còn cho những nhà đầu tư đã bỏ qua “cơ hội vàng” (trong khoảng thời gian VN-Index tiến lên theo đường thẳng từ 22-8 đến 14-9), tuy nhiên họ sẽ phải chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn trước. Với sự phân hóa cổ phiếu như hiện nay, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thua lỗ dù VN-Index tiếp tục thăng hoa.
Những ngày này, không có nhiều mã chứng khoán có được thông tin hỗ trợ, do kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết mới chỉ dừng ở mức “dự báo”. Tất nhiên, trên thực tế, những nhóm ngành hoặc cổ phiếu riêng biệt được kỳ vọng tăng trưởng tốt vào quý III đã có nhịp tăng tương đối, ví dụ như các doanh nghiệp sản xuất thép, kinh doanh bất động sản, ngân hàng… VN-Index, vì thế, vẫn quanh quẩn ở vùng điểm trên 800 chứ không rơi vào giai đoạn điều chỉnh như nhiều người lo ngại. Một phần, do những thông tin kinh tế vĩ mô, cả từ ngoài nước lẫn bên trong đều đang tốt. Kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn dự báo, tình hình địa – chính trị bớt đi sự căng thẳng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chưa tăng lãi suất cơ bản USD trong tháng 9, dầu thô vừa có một quý tăng giá,… Trong nước, nền kinh tế vẫn đang vận hành khá trôi chảy, GDP quý III tăng kỷ lục (7,46%), các doanh nghiệp đang nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh từ nay đến cuối năm… Tất cả sẽ là tiền đề cho nhận định rằng thị trường chứng khoán nước ta vẫn còn dư địa để tiếp tục chinh phục các mốc điểm mới.
Lý giải cho việc dòng tiền đột nhiên suy giảm, nhiều chuyên gia cho rằng đó là do dư nợ margin trên toàn thị trường hiện ở mức cao, một số công ty chứng khoán đã gần hết hạn mức khung margin. Tuy nhiên, nếu so sánh với những lần margin cao trước đây, thị trường thường điều chỉnh mạnh, thì lần này tuy thanh khoản sụt giảm nhưng thị trường lại không điều chỉnh. Vậy nên, chỉ có thể nói rằng cả bên mua lẫn bên bán đều đang không hài lòng, người mua không muốn mua cổ phiếu với giá cao, còn người bán tỏ ra không vội vàng gì “thoát hàng”. Có lẽ, thị trường cần một đợt điều chỉnh để tạo động lực cho người mua, nếu không, giai đoạn tích lũy sẽ còn kéo dài. Một điểm không nên bỏ qua, đó là xu thế của khối ngoại. Dù nhiều người cho rằng mức độ ảnh hưởng của khối ngoại lên chỉ số không còn lớn, do họ chỉ chiếm 10% thanh khoản trên thị trường và nhà đầu tư nội đã hoàn toàn chủ động trong việc đầu tư của mình, thì vẫn không thể bỏ qua mối liên hệ giữa thanh khoản của thị trường với xu hướng giao dịch của khối ngoại. Thanh khoản suy giảm trong giai đoạn khối ngoại bán ròng, còn khi khối ngoại mua ròng mạnh, thanh khoản thường ở mức cao. Vậy nên, đây sẽ là nhân tố có tác động đáng kể đến xu thế của thị trường trong tháng 10 này.
- Ngọc Khang