Có một thứ mà hầu như tất cả các nền văn hóa lâu đời ở châu Á đều chia sẻ: đó chính là cơm, thức ăn căn bản của nhiều người dân từ Ấn Độ tới Nhật Bản, từ Việt Nam đến Thái Lan… Từ hạt gạo tẻ (đôi khi là gạo nếp), người châu Á nấu thành cơm trắng, rồi cơm trắng lại được chế biến thành nhiều loại cơm khác nhau, trong số đó có những món cơm đã có “thương hiệu” vì sự đặc sắc của hương và vị, của sự phối hợp tinh tế với các nguyên liệu khác cũng như vẻ đẹp của chúng khi được dọn lên bàn ăn.
Dưới đây là những món cơm truyền thống đã đi vào thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn sang trọng, nổi tiếng cũng như ở hầu khắp các quán ăn bình thường tại nơi khai sinh ra chúng.
Cơm Nhật yaki onigiri
Từ thế kỷ XVI, cơm yaki onigiri đã là thực phẩm chính của các võ sĩ samurai để họ có được sức khỏe trong chiến đấu.Ngày nay, món cơm này có một vị trí trọng yếu trong bữa ăn hằng ngày của người Nhật bên cạnh món sushi vốn cũng được làm chủ yếu bằng cơm. Cách chế biến yaki onigiri cũng đơn giản: dùng tay nắm cơm đã nấu vừa chín tới thành viên hình tam giác, sao cho không quá chặt cũng không quá lỏng. Nướng viên cơm ấy với nhiệt độ vừa phải cho tới khi chúng có màu nâu vàng, cơm giòn bên ngoài nhưng bên trong hạt cơm vẫn mềm. Có thể ăn kèm yaki onigiri với chút thức ăn tùy ý thích, nhưng thường thì người ta ăn với mè rang nguyên hạt, rong biển và quả mận ngâm umeboshi.
Cơm yaki onigiri của Nhà hàng Ritz-Carlton (Tokyo)
Ở Nhà hàng Ritz-Carlton (Tokyo), bếp trưởng Tatsuaki Kasamoto đã nâng món cơm truyền thống này thành một tác phẩm nghệ thuật. Cơm được nấu với loại gạo ngon Koshihikari ở vùng Niigata, mận umeboshi được trồng ở trang trại quận Wakayama thuộc tỉnh Kansai trên đảo Honshu có vị thơm ngon đặc biệt. Một phần ăn yaki onigiri ở nhà hàng này có giá 13 USD.
Cơm nasi goreng ở Bali
Món cơm truyền thống của người Indonesia này được bán ở khắp các hàng quán cơm đường phố cũng như tại khu chợ ẩm thực đêm ở thủ đô Jakarta.Dù là món ăn hết sức phổ thông nhưng cơm nasi goring cũng có trong thực đơn các nhà hàng của khách sạn hay khu resort lớn ở Bali. Nó được chế biến với gạo thơm hạt dài trồng trên đảo Java. Người ta chiên tôm, mực trong chảo đã phi tỏi cho thơm, thêm tương ớt sambal rồi cho cơm đã nấu chín tới vào đảo tiếp thật đều. Cơm thường được dọn với trứng gà chiên.
Cơm nasi goring của Nhà hàng Uma by Como trên đảo Bali
Riêng đầu bếp Heidi Flanagan của Nhà hàng Uma by Como trên đảo du lịch Bali lại nấu món cơm này với gạo được ướp lạnh, bởi theo ông: “Khi hạt gạo được làm lạnh và cứng lại, nấu thành cơm sẽ không dính, từng hạt cơm rời nhau, khi ăn phải nhai từng hạt sẽ ngon hơn”. Một phần cơm nasi goring tại Nhà hàng Uma by Como có giá 11 USD.
Cơm gà ở Singapore
Dù được du nhập vào Singapore từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhưng món ăn này nay gần như thành quốc hồn quốc túy ở đảo quốc Sư tử.Bí quyết để có món cơm gà ngon là ở cách luộc gà. Người ta phải luộc cả con với ít gừng và cà rốt trong nồi, khi sôi nhúng gà xuống nước luộc vài giây và làm ba lần như thế cho lớp da co lại. Vớt gà ra, để ráo và lại nhúng vào chậu nước đá lạnh rồi gói nguyên con trong khăn ướt, khi gà đã nguội hẳn mới thái miếng mỏng, cả da.
Cơm gà Singapore
Cơm nấu với nước luộc gà và mỡ gà đã đảo qua với tỏi và hẹ tây cho thơm.Thêm ít gừng và lá sả khi cơm sắp chín.Khi múc cơm ra đĩa, bỏ tất cả những thứ tạo mùi hương đi.Ăn kèm với thịt gà, cải bó xôi, củ cải ngâm chua xắt mỏng và vài lát chanh tươi.Có thể dùng thêm nước chấm cho thịt gà, hoặc là với tương ớt, hắc xì dầu, gừng và cọng hành tươi. Ở Nhà hàng Clifford, Khách sạn Fullerton Bay, món cơm gà của bếp trưởng Andrea Sacchi rất nổi tiếng nhưng giá khá cao: 23 USD cho một phần ăn.
Cơm chiên Dương Châu (Trung Quốc)
Món cơm chiên Dương Châu đã phổ biến hầu như khắp thế giới và được coi là một trong vài loại thức ăn tiêu biểu của châu Á. Từ các bếp gia đình, cơm chiên đi ra hàng quán với vô số biến thể và nguyên liệu có thể thêm vào chảo cơm chiên, từ thịt tới hải sản và rau củ. Bếp trưởng Eric Wong của Nhà hàng Huang Ting, Khách sạn The Peninsula ở Bắc Kinh cho biết: “Nên ăn cơm chiên vào những ngày trời lạnh. Khi chiên cơm xong, tắt lửa rồi bật lửa lần nữa cho chảo cơm thật nóng trong vài giây, có như vậy thì các thành phần nguyên liệu trong món cơm chiên mới dậy mùi”.
Cơm chiên Dương Châu Nhà hàng Huang Ting (Bắc Kinh)
Cơm Dương Châu thường ăn với cải, hành lá sau khi được chiên với tôm, sò điệp, trứng, nêm bằng nước tương. Một đĩa cơm chiên ở Nhà hàng Huang Ting có giá 16 USD.
Cơm nếp xoài Thái Lan
Ở Thái Lan, món xôi xoài có tên là khao niew ma nuang được dùng tráng miệng thay vì là món ăn chính, tuy nhiên mức độ nổi tiếng của nó thì đã vượt khỏi biên giới của quốc gia Đông Nam Á này. Người ta ngâm gạo nếp trắng và nếp lức qua đêm rồi cho vào xửng hấp chín từng loại. Trộn hai thứ với nhau, thêm vào hỗn hợp xôi này nước cốt dừa đã nấu chín với chút đường và muối. Ăn kèm với xoài xắt lát.
Khao niew ma nuang của Thái Lan
Người Việt đi du lịch Thái Lan hầu như ai cũng từng nếm món xôi xoài, và ở nhiều nhà hàng Thái tại Việt Nam cũng có trong thực đơn món tráng miệng này. Nhưng xôi xoài của Nhà hàng Le Grand Lanna, Khách sạn Mandarin Oriental Dhara Dhevi ở Chiang Mai có khác: xôi được nấu với nếp trồng hữu cơ, còn xoài giống Nam Dok Mai đặc biệt ngọt và tươi. Một phần xôi xoài của Le Grand Lanna có giá 7 USD.
Các loại cơm của Việt Nam như cơm lam của người thiểu số vùng cao phía Bắc, cơm lá sen Huế, cơm dừa nạo Bến Tre… dù khá đặc biệt nhưng vẫn chưa thành “thương hiệu” như phở, bánh mì thịt, chả giò…, các món ăn mà hầu như du khách nước ngoài ai cũng từng trải nghiệm.
Lưu Hương