“Sáng nào trước mặt tôi cũng có hàng chục tờ báo và công việc đầu tiên của tôi là xem lướt qua coi hôm nay ngành y tế của mình bị “xỉ vả” kiểu nào, vụ việc gì…”. Đó là lời tâm sự của một thầy thuốc, bạn tôi.
Anh nói không hiểu vì sao bỗng dưng mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân vốn là một mối quan hệ tốt đẹp, từ thời Hippocrate, Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh và xa hơn nữa là Hoàng Đế, Thần Nông… thế mà bỗng dưng “cơm không lành, canh không ngọt”. Anh nói, trước kia đi đâu, biết mình là bác sĩ, mọi người nhìn với con mắt quý mến, thì nay hình như họ nhìn mình bằng con mắt… cảnh giác!
Anh bạn có phần quá đáng, thế nhưng cũng phải công nhận là gần đây, mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân có vẻ không ổn. Chuyện giá thuốc trên trời chưa dứt thì chuyện tăng viện phí dưới đất, rồi bảo hiểm đụng trần, rồi phân biệt đối xử, rồi thuốc giả thuốc dỏm tràn lan.
Nước trái cây mà cũng chữa được bá bệnh, kể cả bệnh nan y, được quảng cáo ngon lành như thuốc, bán cả chục triệu đồng một lọ! Mọi người tưởng thuốc, bị gạt, kêu ca ngành y tế. Ngành y tế la oái oái vì không phải thuốc, chuyện bán buôn là của ngành thương mại. Ngành thương mại la oái oái vì chuyện xuất nhập thuốc không phải là chuyện của mình… Thế là loạn xị cả lên.
Không ai có lỗi cả. Mọi người đổ lỗi cho nhau thật là vui vẻ. Chỉ có câu tục ngữ xưa là có vẻ có lý: “Người khôn ăn bòn kẻ dại”. Ai cũng khôn cả thì còn “làm ăn” gì nữa! Thử dòm qua các nước, người ta còn dám… ăn cắp cả cơ quan nội tạng của bệnh nhân đem bán, người ta còn bán cả đất trên Mặt trăng và sao Hỏa!
- Xem thêm: Lời nói của thầy thuốc
Nói về những sai sót của… thầy thuốc trong lúc hành nghề có lẽ không bao giờ dứt. Có những sai sót thật đáng tiếc và người thầy thuốc lúc nào cũng phải rút những bài học kinh nghiệm. Dĩ nhiên, đó là những sai sót ngoài ý muốn. Thầy thuốc nào cũng có vẻ như già trước tuổi, khô khan, lạnh lùng, căng thẳng, nặng trách nhiệm. Họ luôn được tiếp cận với những cảm xúc “âm” của con người, những nỗi khổ đau, lo lắng, phiền muộn, sợ hãi…
Để cải thiện mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân, trong một lớp tập huấn cho các thầy thuốc ở cơ sở – ở một quận vùng ven – chúng tôi có dịp tìm hiểu xem người thầy thuốc thường gặp những “khó chịu” gì khi tiếp xúc với bệnh nhân – bên cạnh “nỗi khổ” của bệnh nhân mà ai cũng biết – để từ đó có những buổi “sắm vai”, giải quyết tình huống.
Các thầy thuốc – từ bác sĩ đến nữ hộ sinh, kỹ thuật viên trung cấp… – đều ngần ngại, không ai muốn kể những nỗi khổ, những nỗi “khó chịu” của mình. Lâu nay họ nghĩ chỉ có người bệnh mới có quyền khó chịu! Có lẽ chưa bao giờ người ta thử tìm hiểu những nỗi đau “không lời” của thầy thuốc để thông cảm và thấu cảm với họ. Thế nhưng qua cách hỏi bằng phiếu, giấu tên, và sau đó là những gợi ý, thảo luận, trao đổi thẳng thắn chân thành với nhau, họ mới bắt đầu chịu bộc lộ.
Khó chịu nhất là bệnh nhân say xỉn, quậy phá. Phải năn nỉ. Càng năn nỉ, càng quậy. Bệnh nhân ra “chỉ định” cho thầy thuốc, buộc phải cho thuốc này thuốc nọ, xét nghiệm này xét nghiệm khác. Nhiều bệnh nhân tự định bệnh cho mình. Họ có sẵn chẩn đoán mà nếu thầy thuốc nói khác đi thì không hài lòng, nói gì cũng không nghe. Có người khi được hỏi địa chỉ để xác định vùng dịch tễ đã phản ứng mạnh vì ngờ bác sĩ muốn… theo dõi mình!
Nhiều người tỏ ra “biết quá nhiều” qua những thông tin trên báo đài, đến là để “khảo sát” trình độ bác sĩ, tỏ ra không tin tưởng. Nhiều bệnh nhân đòi ưu tiên, cho rằng mình bệnh nặng hơn người kia. Có người làm dữ, hăm dọa, đòi “chơi xã hội đen” hoặc nặng lời, xúc phạm… Có người tự xưng có con cháu làm quan chức này nọ ở địa phương.
- Xem thêm: Những người biết quá nhiều…
Một nữ bác sĩ kể đêm trực gặp một người vào cấp cứu vì đánh lộn có nhiều thương tích, trong lúc mọi người đang lo khâu vá, băng bó, anh rút hai con dao ở lưng ra đặt lên bàn cái cộp. Mọi người xanh mặt. Khi mọi việc xong xuôi, bệnh nhân mới cho biết là nằm bị cấn lưng. Một phen hú vía!
Có bệnh nhân khám để lấy thuốc bán mua rượu. Có trường hợp khám để lấy ngày nghỉ. Lạ nhất là chuyện nhân viên y tế bị… quấy rối tình dục! Có bệnh nhân sờ mó, nắm tay nắm chân. Có người tỏ tình thẳng thừng. Có người có thái độ cợt nhả, thiếu nghiêm túc…
Thì ra không chỉ có người bệnh “khổ” mà người thầy thuốc cũng “khổ”? Làm sao để bớt khổ đây, hỡi chư vị “Bồ tát”?
Hẹn thư sau. Thân mến.