Xã hội nào cũng có những câu ca dao, tục ngữ đề cao tính nhân ái, đùm bọc của cộng đồng. Tuy nhiên, muốn thật sự hiểu xã hội đó, ta phải đối chiếu những giá trị được công bố và hành động cụ thể của xã hội.
Xã hội Việt Nam chúng ta luôn sẵn sàng làm việc từ thiện, giúp đỡ người nghèo khó. Nhưng trong lịch sử không phải lá rách nào lá lành cũng chịu đùm bọc.
Chỉ gần đây thôi, người ta mới đổ xô nhau bảo trợ cho người khuyết tật. Trước kia không lâu, không ít bậc cha mẹ đã bỏ rơi những đứa con khuyết tật do mình sinh ra, nhất là những trẻ mù. Chỉ mới đây thôi, người ta mới hô hào sự hòa nhập giáo dục cho trẻ nhưng lại có những bậc cha mẹ phản đối khi trong lớp học của con mình có những trẻ khuyết tật. Thành kiến trong lao động nặng nề hơn nhiều. Một người có khuyết tật, nhưng không khó khăn trong đi lại, có thể tự phục vụ hoàn toàn, có bằng cấp đúng với ngành mình xin việc, năng lực được kiểm tra là tốt vẫn có thể bị từ chối vì “lý do sức khỏe”. Ở nhiều nước khác trên thế giới, một sự từ chối như vậy sẽ bị pháp luật phạt nặng.
- Xem thêm: Ở một ngôi trường đặc biệt
Tuy nhiên ở các nước tiên tiến này, người ta cũng trải qua một lịch sử kỳ thị và định kiến lâu dài với người khuyết tật. Nếu không bị bỏ bê, người khuyết tật cũng được chăm sóc riêng để cô lập họ với xã hội bình thường. Lý do có thể là mê tín dị đoan, xem người có tật như là dấu hiệu của quỷ ếm hay trời phạt. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, tâm lý chung là không muốn thấy cái xấu, cái không lành lặn hay gợi lên sự đau khổ. Những cố gắng nuôi dưỡng tập trung ban đầu thật ra chỉ là cô lập họ cho khuất mắt. Dĩ nhiên, đây là một phản ứng hoàn toàn không ý thức. Định kiến là một ý kiến có sẵn mà không dựa trên cơ sở thực tiễn hay không có những lý do khoa học chính đáng. Định kiến có thể tiêu cực hay tích cực. Dĩ nhiên, trường hợp đối với người khuyết tật là tiêu cực. Nhưng lần lần con người tiến bộ hơn, hiểu đúng ý nghĩa của hai chữ nhân đạo hơn. Họ không còn làm từ thiện theo kiểu thương hại, ban phát như kẻ đứng trên mà trả lại nhân phẩm cho các đối tượng khó khăn bằng cách tạo điều kiện cho họ tự lực, tự giúp đỡ mình và nhất là một vị trí bình đẳng và xứng đáng trong xã hội. Khẩu hiệu toàn cầu ngày nay là chống sự loại trừ (exclusion) và cổ vũ sự hội nhập hay hòa nhập (inclusion). Giúp người khó khăn không phải là ban phát theo kiểu thương hại (đúng là thương mà hại!) mà tạo điều kiện cho họ sống hòa nhập với xã hội.
Tôi mượn chuyện của người khuyết tật để nói về một vấn đề nóng bỏng hiện nay. Đó là những anh, chị, em, con cháu chúng ta đang sống với HIV/AIDS. Tôi còn nhớ như in lời nói của một bác sĩ của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM), khi ông khẩn cấp từ Bangkok bay qua TP.HCM để căn dặn những tổ chức và cá nhân có trách nhiệm nhân vụ phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên. Ông nói: “Nếu quý vị dùng những biện pháp trấn áp (repressive measures), HIV sẽ lan rộng mạnh mẽ”. Ông giải thích thêm: “Biện pháp trấn áp không phải là bắt bớ, tù đày, mà là kỳ thị, phân biệt đối xử, cô lập… vì trong trường hợp này người nhiễm sẽ trốn chui trốn nhủi, tránh né và giấu bệnh. Nếu nghi ngờ, họ sẽ không đi xét nghiệm và nếu biết mình có bệnh, họ sẽ không gặp bác sĩ, nhà tư vấn để được hướng dẫn cách phòng chống lây lan cho người khác, nhất là người thân”.
Đại dịch đang ở trên đà bùng phát mạnh ở nước ta và một trong các nguyên nhân gây nhiều khó khăn cho phòng chống HIV chính là định kiến xã hội. Ai trong chúng ta cũng biết rõ ba đường lây (đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con) nhưng thường người ta đối xử với người nhiễm như người bị bệnh phong hay bệnh lao: không đứng gần, không ăn chung, không cho ở trong nhà, không cho vuốt ve con cái… Thành kiến xuất phát từ lịch sử của dịch bệnh (vì những bệnh nhân đầu tiên là những người đồng tính luyến ái), và từ nguồn gốc lây lan như quan hệ tình dục, tiêm chích ma túy… Trong tuyên truyền, người ta hay ghép chung người nhiễm với ma túy, mại dâm. Và cho đến nay, đa số người nhiễm thuộc thành phần này. Nhưng từ từ, số người không thuộc thành phần này đang và sẽ tăng như các thanh niên đăng ký nghĩa vụ quân sự, sinh viên, công nhân, vợ (lây từ chồng) và trẻ em sinh ra từ người mẹ nhiễm bệnh. Người nhiễm có thể sống lâu với thuốc men, dinh dưỡng, tập luyện và họ có thể sống có ích, đặc biệt trong công tác phòng chống và chăm sóc người nhiễm HIV. Không ai hiểu người nhiễm bằng chính bản thân họ. Không ai thuyết phục người khác tốt hơn là chính họ. Ở các nước, nhiều nhà hoạt động xã hội, nhiều nghệ sĩ bị nhiễm đứng đầu các tổ chức gây quỹ, những tổ chức truyền thông phục vụ cho người nhiễm… Không ít người nhiễm đã ăn năn hối hận và đến giai đoạn cuối của cuộc đời họ cần đến sự ấm áp của tình người để ra đi thanh thản.
- Xem thêm: Sức khỏe tâm thần của bạn trẻ, SOS!
Nếu thật sự là lá lành đùm lá rách, xã hội phải tạo điều kiện cho người nhiễm sống có ích, trước tiên là bằng lao động chân chính và sống hạnh phúc trong sự gần gũi với thân nhân, bạn bè. Đặc biệt là trẻ em cần được sống với người thân. Việc chăm sóc tập trung chỉ dành cho trẻ hoàn toàn mồ côi. Kế đó là họ được sống bình thường, hòa đồng trong cộng đồng như mọi người mà không bị lên án, dán nhãn. Không nên xem họ là “tệ nạn xã hội” vì trong số họ ngày càng có nhiều nạn nhân và nếu muốn ăn năn hối cải để vươn lên thì người ta cần sự tôn trọng, cổ vũ, khuyến khích. Không ai tự vươn lên nổi khi bị xã hội dán cho cái nhãn “tệ”. Trong khi đó, có những trường hợp “tệ” hơn khi ai đó làm mất của dân hàng trăm tỉ, xài bằng cấp giả, kiến thức giả để điều hành xã hội… thì chẳng hề bị kỳ thị.
Kỳ thị là một hành vi xuất phát từ sự vô ý thức, từ những “niềm tin” sai lệch về đường lây lan, hay từ việc bị “lây” từ xu thế chung của xã hội. Khắc phục thành kiến đòi hỏi sự ý thức về bản thân cao và sự can đảm đi ngược với trào lưu chung. Nhưng nó rất cần thiết nếu ta muốn tự hào về truyền thống “lá lành đùm lá rách” và tham gia ngăn chặn sự phát triển của đại dịch này.