Vẫn là những mẩu chuyện rất nhỏ hằng ngày. Khi gặp một người thành đạt trong công việc ở một lĩnh vực nào đó, nhiều người muốn rời bỏ môi trường làm việc hiện tại để chuyển sang lĩnh vực ấy, với mong muốn có được sự thành công tương tự. Ai cũng thấy ở ngọn đồi bên kia, cỏ luôn xanh hơn.
Có một câu chuyện cũng xoay quanh điều này, nhưng ở một góc độ khác, như sau:
Ở châu Phi, có một chủ trang trại hạnh phúc và hài lòng. Anh ta hạnh phúc vì anh ta hài lòng. Và anh ta hài lòng vì anh ta hạnh phúc. Một ngày nọ có một thức giả gặp và nói với anh ta về những viên kim cương: “Nếu bạn có viên kim cương cỡ ngón tay cái, bạn sẽ có thể sở hữu một thành phố cho mình. Nếu bạn có viên kim cương cỡ nắm tay, bạn có thể sở hữu một đất nước riêng cho mình”.
- Xem thêm: “Ai lấy kho pho mát của tôi?”
Đêm đó, người chủ trang trại mất ngủ. Anh ta không còn hạnh phúc vì không còn hài lòng. Và anh ta không còn hài lòng vì không còn hạnh phúc. Ngày hôm sau, anh ta tìm cách bán nông trại của mình và lên đường đi kiếm những viên kim cương. Anh đi tìm khắp châu Phi. Cuối cùng anh ta thất vọng và gieo mình xuống một dòng sông.
Trong khi ấy, tại trang trại mà anh ta từng làm chủ, người chủ mới trong lúc dẫn gia súc ra dòng suối để cho chúng uống nước thì thấy có mấy viên đá lạ, lóng lánh tuyệt đẹp. Ông này đem về và đặt chúng trong phòng khách. Tình cờ vị thức giả ngày trước ghé thăm trang trại và nhìn thấy mấy viên đá, liền cho biết mấy viên đá này chính là kim cương mà ông từng nói với người chủ cũ. Khi hai người ra bờ suối, hóa ra ở đó còn có rất nhiều viên kim cương như vậy nữa…
Quay lại môi trường doanh nghiệp. Có thể xem những đóng góp tạo ra phần giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, từ việc làm của mọi thành viên trong tổ chức cũng như giá trị những viên kim cương mang lại. Sự hứa hẹn sở hữu được những viên kim cương sẽ mang lại sự thịnh vượng, cũng giống như sự hứa hẹn có được ngày càng nhiều những giá trị đóng góp sẽ mang lại sự phát triển cho doanh nghiệp vậy. Vấn đề là tìm chúng ở đâu?
Cũng sẽ có người rời bỏ môi trường hiện tại, cỏ ở đó có vẻ ít xanh, để đi đến những ngọn đồi bên cạnh nơi có nhiều cỏ xanh hơn. Đó là một xu hướng thường tình. Và cũng có xu hướng là tiếp tục với môi trường làm việc hiện tại, nỗ lực tạo ra giá trị ngày một nhiều, giống như việc tìm thấy những viên kim cương bên bờ suối gần trang trại vậy.
- Xem thêm: Nhảy việc à? Chuyện thường thôi!
Cả hai xu hướng đều có thể gặp trong đời thường, nhưng về góc độ doanh nghiệp thì xu hướng sau có vẻ thực tế hơn. Nhưng dù sao thì cỏ ở ngọn đồi bên cạnh cũng xanh hơn trong mắt người đứng từ đồi bên này nhìn sang.
Trong câu chuyện trên, có vẻ như người kể chuyện thiên về việc khuyến khích sự ở lại và miệt mài làm việc, để đến một ngày sẽ tìm thấy các giá trị to lớn mà không phải mất thì giờ, lao tâm khổ tứ đi tìm điều ấy ở nơi nào xa xăm khác.
Người quản lý có một nhãn quan có thể nhìn thấy những “viên kim cương” quanh mình đang đóng góp những giá trị đáng kể cho doanh nghiệp, hay không có được nhãn quan đó, phụ thuộc vào góc nhìn về con người và giá trị vốn con người trong doanh nghiệp.
Việc phát hiện, tạo điều kiện, nuôi dưỡng và phát triển năng lực nhân viên để đến một lúc nhân viên của mình hóa thân thành kim cương, là cái tài thực sự của nhà quản lý. Sử dụng vốn nhân lực như vậy mới đúng là một vốn… bốn lời.