“Nhà ga 3A” tên một địa điểm khép mình trong con hẻm 3A Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây là một tổ hợp không gian nghệ thuật, cà phê, giải trí, thu hút được rất nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài trong hơn hai năm qua. Nghệ thuật vẽ tranh trên tường Graffiti là nét độc đáo, ấn tượng tại nhà ga. Các bức tường ở đây phủ kín bởi những bức vẽ sống động, đầy màu sắc và được thay đổi thường xuyên đã truyền cảm hứng sáng tạo cho các bạn trẻ yêu thích môn nghệ thuật đường phố này.
Người tiên phong cho phong trào vẽ tranh trên tường tại Nhà ga 3A là nhà điêu khắc – họa sĩ Trang Suby. Anh là một nghệ sĩ đa năng chịu ảnh hưởng của trào lưu tranh nghệ thuật trừu tượng Colorfield ở New York vào cuối những năm 1940. Anh sang định cư tại Pháp từ những ngày còn nhỏ và tự học về Graffiti những năm 13, 14 tuổi. Trở về Việt Nam cách đây ba năm, anh nhận thấy các hình vẽ Graffiti của các họa sĩ vô danh đã xuất hiện phổ biến trên các mảng tường. Mỗi bức tranh vừa là linh hồn của người sáng tạo, vừa mang bức thông điệp về tâm tư, tình cảm của người vẽ. Dường như nghệ thuật đường phố đã bắt đầu được sự chấp nhận và thấu hiểu bởi người dân nhưng vẫn chưa được định hình một cách rõ ràng. Anh quyết định về Việt Nam để góp phần tạo một động lực cho sự phát triển của Graffiti.
Trang Suby cho biết: “Hội họa Graffiti ở nước ngoài rất phổ biến. Nghệ thuật đường phố đã bước chân vào các triển lãm lớn và các bảo tàng từ cách đây khá lâu. Thậm chí năm 2001, thương hiệu Louis Vuitton còn mời nghệ sĩ Stephen Sprouse đưa các sáng tác đường phố của anh lên bề mặt các sản phẩm của họ, gây chấn động giới kinh doanh và mỹ thuật. Đến nay, khắp nơi trên thế giới ở đâu có cuộc sống đô thị là nơi đó có Graffiti. Một số khu ở Paris có hội họa trên tường đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng”.
Trong khi đó, Graffiti mới chỉ du nhập vào Việt Nam khoảng mười năm nay cùng với cơn lốc rap, hip-hop và break dance. Đối với người yêu Graffiti thì đây chính là nghệ thuật thể hiện cái “tôi” và hầu như không bị bó buộc bởi một nguyên tắc, luật lệ nào. Các bức tranh Graffiti có thể được vẽ tùy vào tâm trạng và ngẫu hứng của tác giả. Bằng những bình sơn phun và trí tưởng tượng phong phú, người chơi Graffiti sẽ vẽ trên các bức tường những họa tiết đa dạng từ đơn giản đến phức tạp, có màu sắc vui nhộn, hình thù độc đáo hoặc kỳ lạ… Do sân chơi để các họa sĩ trẻ được tự do sáng tác nghệ thuật này tại Việt Nam khá hạn chế nên đối với những người thích phong cách hội họa vừa nói, tìm được một bức tường để vẽ không dễ dàng chút nào.
Hiện nay, “giá vẽ” Graffiti phổ biến là bức tường ở chung cư cũ, các công trình bỏ hoang, tường bao công cộng, phổ biến hơn là tại các tấm tôn quanh khu vực công trường và đôi khi là cả cửa tôn kéo của các cửa hàng. Nhưng những địa điểm như thế không phải lúc nào cũng có để đáp ứng nhu cầu sáng tác của đông đảo các bạn trẻ yêu thích Graffiti. Sự xuất hiện của một khu vực yên tĩnh với các vách tường rộng, được sửa sang chỉn chu như Nhà ga 3A đúng là một không gian lý tưởng cho Graffiti. Chính vì vậy, nơi “đất lành chim đậu” này đã thu hút hàng trăm họa sĩ trẻ trong và ngoài nước đến tham gia sáng tác.
Bà Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ hệ thống Mai’s gallery, cũng là một trong các chủ đầu tư Nhà ga 3A cho biết: “Nhiều năm qua, nhóm nhà đầu tư chúng tôi đã có nhiều dự án hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ sáng tạo trong nghệ thuật như tổ chức hội thảo, trưng bày… Chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện cho người trẻ hấp thu cái mới và trải nghiệm bản thân, cũng là góp phần phát triển nền nghệ thuật chung. Nhà ga 3A cũng không nằm ngoài mục đích này, ngoài các hoạt động kinh doanh, giải trí bù đắp chi phí thì hầu hết các hoạt động tại “Nhà ga 3A” đều là những sáng tạo mới trong lĩnh vực nghệ thuật, hội họa. Tôi nghĩ chúng ta cần ủng hộ nhiều hơn cho Graffiti vì sự đa dạng, đổi mới trong hội họa sẽ mang lại những cái mới, cái đẹp cho xã hội chúng ta”.
Trước đây, nhiều người phương Tây từng rất giận dữ khi cho rằng những thông điệp Graffiti chỉ khiến bức tường ố bẩn. Nhưng sau đó, sự xuất hiện của nghệ nhân Robert Banks với các tác phẩm đỉnh cao đã khiến người ta thay đổi thái độ. Thậm chí các tác phẩm phun sơn của Banks đã trở nên quá nổi tiếng đến mức người ta sẵn sàng gỡ phần bức tường mà ông vẽ ra, rồi bán tác phẩm với giá đắt đỏ. Sự thành công của ông trở thành cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ đường phố khác và cả những người sưu tầm tác phẩm nghệ thuật. Người ta nhận ra rằng các bức tường, gầm cầu cũ kỹ cũng có thể trở thành phần nền để các nghệ sĩ sáng tạo. Sau một vài tuần lễ những bức tranh có thể xóa đi để nhường chỗ cho một họa sĩ khác. Anh Trang Suby tin rằng tương lai của Graffiti tại Việt Nam cũng sẽ phát triển tốt đẹp như vậy nếu chúng ta tạo điều kiện cho các họa sĩ trẻ thể hiện tài năng. “Tôi nhận thấy các họa sĩ trẻ Việt Nam rất có tài năng và giàu đam mê. Họ vẽ rất đẹp và sức sáng tạo không ngừng. Nếu được đầu tư và tạo điều kiện thì chỉ trong vòng năm năm tới, nghệ thuật đường phố Việt Nam cũng sẽ phát triển giống như Pháp hiện nay”, họa sĩ Trang Suby nói.
- Tường Lam