Hội thảo khoa học “Mô hình thực hành dược lâm sàng cho các bệnh viện tại TP.HCM” diễn ra sáng 12-8 mở ra nhiều cơ hội phát triển cho dược lâm sàng tại Việt Nam.
Chương trình do Hội Dược học TP.HCM kết hợp với văn phòng đại diện Merck Việt Nam tổ chức. Hội thảo có sự hiện diện và chỉ đạo của đại diện Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM nhằm đẩy mạnh phong trào phát triển dược lâm sàng cho các bệnh viện tại thành phố.
Theo thống kê tại Mỹ, trung bình mỗi năm có hơn 100.000 ca tử vong do các phản ứng có hại của thuốc. Những sai sót trong việc sử dụng thuốc khiến thuốc không phát huy được hiệu quả tối đa, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong, làm gia tăng chi phí y tế. Trên thế giới, dược lâm sàng đã được áp dụng và phát triển tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện. Việc ứng dụng dược lâm sàng của nước ta vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả tối đa. Theo thống kê, các báo cáo phản ứng có hại của thuốc (ADR) tăng mạnh kể từ năm 2003 lên đến 9.266 trường hợp vào năm 2015. Để cải thiện tình trạng này, Hội Dược học TP.HCM kết hợp cùng một trong những chuyên gia đầu ngành quốc tế là GS-TS-DS Hiếu Trần – Viện trưởng Đại học Dược – Đại học California Northstate Hoa Kỳ để dẫn dắt trực tiếp chương trình này.
Hội thảo đã ra mắt Cẩm nang hướng dẫn thực hành dược lâm sàng. Đây được xem là tài liệu tham khảo mô hình hoạt động thực hành dược lâm sàng thực tế cho các bệnh viện. Theo đó, trong vòng ba năm tới, các bệnh viện tiêu biểu tại TP.HCM gồm: Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115 đã và đang thí điểm triển khai mô hình thực hành dược lâm sàng, giúp hệ thống hóa và đồng nhất hóa công tác dược lâm sàng.
Hội thảo còn chia sẻ định hướng phát triển về mô hình dược lâm sàng cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây là một phân ngành dược rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân thông qua việc tối ưu hóa sử dụng thuốc cho người bệnh.