Nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhờ đó hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành tựu cao, các doanh nghiệp có những bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, giải trí tới phân phối, bán buôn, bán lẻ…
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay kỹ thuật số này, nên cần áp dụng những công nghệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp, mở rộng kinh doanh, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế số hóa của đất nước. Bên lề sự kiện Diễn đàn kinh tế số Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 11-2018, chúng tôi đã có trao đổi nhanh với tiến sĩ Chawapol Jariyawiroj, Giám đốc quốc gia, Amazon Web Services Thái Lan, về những cơ hội và khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp khi ứng dụng những công nghệ số cho hoạt động kinh doanh của mình.
____
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và thách thức của thị trường Việt Nam khi chuyển đổi nền kinh tế số?
Tiềm năng của Việt Nam rất lớn với dân số hiện tại hơn 95 triệu dân, lớn hơn cả Thái Lan và là một trong những nền kinh tế có quy mô lớn nhất nhì ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt là dân số Việt Nam rất trẻ, hơn 75% dân số dưới 35 tuổi. Người Việt Nam rất năng động, có trình độ công nghệ – kỹ thuật cao. Điều này rất đặc biệt vì ngoài tiềm năng thị trường, chúng ta cần phải có năng lực con người để đáp ứng nhu cầu về công nghệ và kỹ thuật của thời đại hiện tại nhằm tận dụng tiềm năng của thị trường đó. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách ủng hộ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam với mong muốn biến Việt Nam thành trung tâm về mặt công nghệ sáng tạo trong khu vực.
____
Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang ứng dụng công nghệ như thế nào trong nền kinh tế số ngày nay?
Chúng tôi đã và đang phục vụ nhiều khách hàng doanh nghiệp ở Việt Nam, mang tới nhiều dịch vụ và công nghệ mới nhất, như trí tuệ nhân tạo (AI), hay học máy (ML) để cùng sáng tạo và phát triển. Các doanh nghiệp startup và các doanh nghiệp lớn là những đơn vị có nhu cầu sáng tạo mạnh mẽ nhất, đặc biệt là doanh nghiệp startup. Các startup có khả năng sáng tạo nhanh nhạy nhất ở Việt Nam là các startup về ứng dụng di động, công nghệ tài chính, giải trí…
Với các doanh nghiệp truyền thống, qua tiếp xúc, gặp gỡ và tìm hiểu nhu cầu, chúng tôi hiểu rằng họ đều nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ trong đổi mới hoạt động kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên thách thức là những đầu tư hiện có trong hạ tầng cũ. Có nhiều cách để họ chuyển đổi, có thể làm theo dự án nhỏ trước để thăm dò, rồi triển khai rộng sau khi đánh giá thành công. Họ cũng có thể cộng tác hoặc mua lại một phần các công ty startup đang phát triển để được hưởng lợi từ các công nghệ mà startup ứng dụng, và họ cũng có đủ thời gian để tiếp tục bám đuổi thị trường, sau đó họ đầu tư lớn vào việc sáng tạo của mình.
Là hãng hàng đầu thế giới về dịch vụ điện toán đám mây cùng rất nhiều giải pháp, công nghệ sáng tạo, AWS luôn đồng hành với những hành trình chuyển đổi như thế này để giúp họ thay đổi thế nào, cách thức họ thay đổi ra sao thông qua hỗ trợ về dịch vụ, công nghệ của chúng tôi. Có thể kể đến một vài khách hàng mà chúng tôi hợp tác thành công như Massan, FPT Software, Vietjet, Điện Quang, VPBank hay Momo.
____
Ông có thể mô tả cụ thể các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới cho hoạt động kinh doanh tốt hơn ra sao?
Các công nghệ sáng tạo này được ứng dụng thế nào cũng là bí quyết kinh doanh của các doanh nghiệp, vì thế chúng tôi cũng không được biết và cũng không can thiệp. Tôi có thể chia sẻ rằng các doanh nghiệp đó sử dụng các tính năng phân tích dữ liệu lớn của AWS để phục vụ cho việc thu thập cũng như phân tích dữ liệu, từ đó hiểu được hành vi của khách hàng và đưa ra những quyết định kịp thời, chuẩn xác.
Một ví dụ về việc ứng dụng công nghệ mới như AI hay ML, đó là Momo – một startup Việt Nam về thanh toán di động. Momo đã sử dụng các dịch vụ của AWS để tiến hành phân tích dữ liệu quy mô lớn từ nhiều nguồn khác nhau. Momo cung cấp hơn 100 dịch vụ, phục vụ khoảng 1 triệu khách hàng thường xuyên tại 4.000 điểm bán hàng. Momo đã tổng hợp dữ liệu của họ bằng cách sử dụng dịch vụ đám mây của AWS, và dùng công nghệ máy học của AWS để có phân tích nhanh gấp năm lần thông thường, nhờ đó doanh nghiệp hiểu rõ được nhu cầu khách hàng hơn và đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả hơn.
____
Khi sử dụng dịch vụ của AWS thì vấn đề an toàn dữ liệu sẽ được đảm bảo như thế nào?
An toàn, bảo mật luôn là vấn đề ưu tiên số một của tất cả mọi người. Có một sự khác biệt giữa AWS và các dịch vụ khác tương tự trên thị trường là trong thỏa thuận cung cấp dịch vụ giữa chúng tôi và khách hàng, chúng tôi ghi rõ ràng là dữ liệu thuộc sở hữu của khách hàng, AWS không sở hữu dữ liệu đó, không can thiệp vào các dữ liệu đó, chúng tôi chỉ cung cấp nền tảng để khách hàng đưa dữ liệu lên. Ngay từ khi họ chuyển vào sử dụng AWS, chúng tôi đề nghị họ bảo mật dữ liệu bằng chính công cụ, ứng dụng của họ hoặc sử dụng công cụ mã hóa chúng tôi cung cấp trên nền tảng của mình.
Về phía AWS, chúng tôi đảm bảo các vấn đề an ninh an toàn ở lớp nền tảng OS (hệ điều hành) theo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất hiện có trên thế giới. Chúng tôi có một đội ngũ chuyên gia riêng phục vụ vấn đề an ninh an toàn này và đây chính là một điểm đặc biệt để tạo ra sự khác biệt của AWS và các đơn vị khác. Chúng tôi cũng có những khách hàng lớn như các sàn giao dịch trên thế giới, hay những đơn vị luôn có yêu cầu khắt khe nhất về an ninh bảo mật như Dow Jones, Nasdas… Họ sử dụng và tin cậy các dịch vụ của chúng tôi.
- Xem thêm: Cách mạng công nghiệp 4.0 với Việt Nam
____
Việt Nam sẽ đóng vai trò như thế nào trong bức tranh tổng thể của AWS tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới?
Chúng tôi luôn coi thị trường Việt Nam là một thị trường quan trọng trong chiến lược kinh doanh của AWS. Chúng tôi nhận thấy các chỉ số phát triển kinh tế của Việt Nam rất tích cực, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các startup có khao khát sáng tạo để thúc đẩy phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. Các doanh nghiệp lớn cũng đã và đang chuyển đổi chính mình, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh để đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế.
AWS được ví như là cánh cửa giúp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam hay các doanh nghiệp trên thế giới có thể tiếp cận với nền tảng công nghệ mới nhất và tiên tiến nhất để thúc đẩy sáng tạo của họ, với chi phí thấp nhất. Các công ty hàng đầu, lớn nhất trên thế giới tiếp cận được công nghệ gì thì các công ty vừa và nhỏ hay startup ở Việt Nam cũng đều tiếp cận với các công nghệ tương tự. Tức là chúng tôi tạo ra một sân chơi hoàn toàn bình đẳng hay một thế giới hoàn toàn phẳng cho các công ty ở Việt Nam.
Chúng tôi nghĩ rằng với tiềm năng sẵn có và với các chính sách hỗ trợ của chính phủ, cùng những công nghệ, dịch vụ mà AWS hiện tại đang hỗ trợ cho Việt Nam, có lẽ đây là thời điểm rất thích hợp và phù hợp giữa cả hai bên để giúp cho nền kinh tế Việt Nam hay các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong công nghiệp 4.0 này trong vòng năm năm tới.