Đất nước và con người Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ, từ các bài văn, bài thơ ca ngợi quê hương đất nước đến những bức tranh tuyệt sắc về thiên nhiên, con người… Trong muôn vàn các tác phẩm nghệ thuật ấy, không thể không nhắc đến sự ra đời của những giai điệu âm nhạc dân tộc lãng mạn, trữ tình đã đi vào cuộc sống và gắn liền với nếp sinh hoạt, lao động của người dân qua bao thế hệ. Theo thời gian, kho tàng ấy đã được chắt lọc, giữ gìn mang lại giá trị sâu sắc thể hiện tâm hồn con người Việt Nam.
Ý thức được các giá trị văn hóa nói chung và âm nhạc dân tộc Việt Nam nói riêng, dự án OSSSO FUSION Musical Experience (OSSSO FUSION) đã ra đời. Đây là một dự án âm nhạc được xây dựng công phu, chưa từng có tiền lệ, kết hợp tinh tế giữa các dòng nhạc dân tộc, nhạc nhẹ và nhạc giao hưởng với mong muốn mang đến khán giả những trải nghiệm văn hóa đặc sắc thông qua âm nhạc. Nhóm thực hiện dự án gồm các nhạc sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng thuộc nhiều thể loại âm nhạc của Việt Nam như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Kim Quang, NSƯT Trần Vương Thạch, đạo diễn Tất My Loan, chuyên gia âm thanh Nhất Lý, nghệ sĩ Cao Hồ Nga với ban nhạc Mặt Trời Đỏ. Đặc biệt, có cả sự tham gia của nhạc trưởng nổi tiếng thế giới Marius Stravinsky.
Không gian hiện đại cho âm nhạc dân tộc
Âm nhạc dân tộc Việt Nam với nhiều loại hình đặc sắc như tuồng, chèo, hát chầu văn, cải lương… là di sản quan trọng của nền âm nhạc khu vực cũng như quốc tế. Các loại hình này đã và đang được các chuyên gia khắp thế giới và UNESCO lấy làm chất liệu nghiên cứu cũng như đánh giá cao về tính nhân văn, thẩm mỹ. Thế nhưng, loại hình này dường như chưa có được đời sống và sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị tinh túy của âm nhạc dân tộc, đang bị lấn át bởi các hoạt động giải trí không những trên thực tế mà còn được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, đòi hỏi hơn bao giờ hết tính sáng tạo, cách tiếp cận linh hoạt và sự hiện diện của một sức sống mới với nội dung hấp dẫn cuốn hút.
Đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng cũng là những gì mà nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, nhạc sĩ gạo cội của nền nhạc khí Việt Nam theo đuổi từ nhiều năm nay. Tâm huyết với dòng nhạc cổ điển, anh từng sáng tác nhiều tác phẩm giao hưởng, ca khúc thính phòng nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được người yêu nhạc quốc tế yêu thích. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng còn được biết đến là cố vấn của nhiều chương trình âm nhạc như Luala Concert, Điều còn mãi… góp phần tôn vinh dòng nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc.
Với quan điểm nghệ thuật phải thuộc về đám đông, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã tâm huyết đồng hành cùng OSSSO FUSION và các đồng sự của mình để xây dựng một chương trình âm nhạc độc đáo để mang lại những rung động mới lạ, khơi gợi niềm tự hào về âm nhạc dân tộc trong mỗi tâm hồn Việt. Chương trình đầu tiên diễn ra vào ngày 29-1 tại Nhà hát Lớn TP. Hồ Chí Minh, được kỳ vọng sẽ trở thành một hoạt động được khán thính giả yêu mến, hâm mộ và hơn nữa có thể được trình diễn thường kỳ để khán thính giả Việt cũng như bạn bè quốc tế cùng thưởng thức. Dự kiến sau khi hoàn thiện, chương trình sẽ được tổ chức công diễn ở nước ngoài để giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới.
Theo nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, OSSSO FUSION mang đến trải nghiệm âm nhạc có khả năng lay động lòng người khi những giai điệu tinh tế được chắt lọc từ âm nhạc các dân tộc Việt Nam, như những màu sắc độc đáo, rực rỡ, sẽ là điểm nhấn đầy ấn tượng và cuốn hút trên nền của bức tranh bề thế của nhạc giao hưởng phối hợp với hơi thở đương đại của nhạc nhẹ. Để tô đậm và khắc sâu ấn tượng với khán thính giả, bên cạnh việc sử dụng những nhạc cụ, làn điệu và âm hưởng của nhạc dân tộc Việt Nam trong sự kết hợp khéo léo với âm nhạc cổ điển, nhạc nhẹ hiện đại, còn có sự phối hợp của những hình thức nghệ thuật khác như hội họa, ca và múa… và hiệu ứng hình ảnh, âm thanh và ánh sáng hiện đại. Ví như đây sẽ là một chuyến du ngoạn sâu lắng và bay bổng bằng âm nhạc để người ta đến với đất nước và con người Việt Nam trên khắp các vùng miền đất nước.
Khám phá đất nước con người Việt Nam qua âm nhạc
Thực tế đã chứng minh, những chương trình âm nhạc dân tộc có sự đầu tư công phu và kết hợp hơi thở đương đại luôn thu hút sự quan tâm của công chúng. Còn nhớ, Lễ hội âm nhạc FUSION diễn ra tháng 12-2015 trong khuôn khổ Ngày Hữu nghị Quốc tế (IFD) 2015, một chương trình hiếm hoi có sự kết hợp của nhạc giao hưởng, các nhạc cụ truyền thống và giai điệu của âm nhạc hiện đại cùng những tác phẩm ballet kinh điển… đã thu hút hàng ngàn người tham dự và cổ vũ nhiệt thành tại Hồ Bán Nguyệt, Phú Mỹ Hưng, TP.HCM. Âm nhạc dân tộc, khi đứng cạnh các loại hình âm nhạc hiện đại và kinh điển, không những không hề thua kém mà mang đến vẻ đẹp rực rỡ, lung linh và lay động lòng người.
Âm nhạc dân tộc cũng chính là phương thức giúp mang văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, cũng là cách tiếp cận để khán giả xích lại gần nhau hơn, hiểu thêm về những nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Thế nhưng, những dịp hiếm hoi như thế (chỉ tổ chức hằng năm) dường như chưa đủ để tạo sức lan tỏa. Đó cũng là lý do OSSSO FUSION, chương trình dự kiến được tổ chức thường xuyên, được kỳ vọng sẽ thành một điểm hẹn âm nhạc để không chỉ khán giả Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam. Để làm được điều này, ban tổ chức cho biết, chương trình sẽ được dàn dựng công phu từ ý tưởng, câu chuyện âm nhạc, hòa âm phối khí đến các hiệu ứng sân khấu và thiết kế tổng thể. Trong đó, sự kết hợp các yếu tố đặc trưng của văn hóa Việt Nam xuyên suốt chương trình sẽ là một điểm nhấn để bên cạnh việc thưởng thức âm nhạc, khán giả được tìm hiểu những nét đẹp của văn hóa Việt.
Theo ban tổ chức, vé mời được thiết kế rất sáng tạo, được làm từ các vật liệu thô sơ, mộc mạc mang đến cảm giác thân thiện nhưng sang trọng và bên cạnh đó sẽ để lại cho khán thính giả những trải nghiệm khó phai. Sảnh chờ bên ngoài cũng sẽ tạo sự thú vị cho khán giả từ việc giới thiệu các nhạc cụ dân tộc, các hàng nước, hàng quà dân dã… Nơi đây, khán giả có thể chụp ảnh với các nghệ sĩ bên nhạc cụ dân tộc hoặc thưởng thức ly nước lá, thảo mộc với các món ăn vặt vừa quen vừa lạ… Trong khi đó, sân khấu cũng là một phần để tạo sự hài hòa khi kết hợp yếu tố văn hóa vào một chương trình âm nhạc. Hiệu ứng sân khấu sẽ được Tổng đạo diễn Tất My Loan cùng các đồng sự dày công chuẩn bị hướng tới việc mang đến trải nghiệm đầy ấn tượng và cuốn hút khán thính giả vào một hành trình văn hóa trải dài trên khắp đất nước Việt Nam.
Về âm thanh, các hiệu ứng sẽ được sử dụng để giúp khán giả tập trung lên sân khấu, vừa tạo ra những cung bậc cảm xúc lúc khoan, lúc nhặt, lúc trầm lắng, lúc dâng trào, bay bổng… tạo được sự hưng phấn tột đỉnh và cảm xúc vỡ òa. Kịch bản hình ảnh sẽ góp phần để âm nhạc thăng hoa. Ngoài những hình ảnh phù hợp với từng bài nhạc, ban tổ chức mang đến sự đa dạng từ các hình ảnh ở Việt Nam, nước ngoài, hoặc có thể minh họa bằng nghệ thuật hội họa hay vũ điệu… như một sự giao thoa Á – Âu và mang đến hiệu ứng cao nhất hỗ trợ cho âm nhạc.
Nói về ý nghĩa đặc biệt của chương trình, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Đây sẽ là một chuyến du ngoạn để khán giả được sống trong âm nhạc dân tộc và hiểu thêm về văn hóa Việt. Thực tế rất ít người biết rằng, nhạc dân tộc Việt Nam khi kết hợp với các thể loại âm nhạc khác vẫn không mất đi âm điệu riêng mà có sức cuốn hút và vẻ đẹp lung linh. Tôi hy vọng qua chương trình, khán giả sẽ thêm yêu và thêm tự hào về nền âm nhạc dân tộc cũng như bản sắc văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó chương trình cũng sẽ góp phần xóa bỏ hình ảnh một Việt Nam gắn liền với chiến tranh trong mắt bạn bè quốc tế để tạo nên một ấn tượng mới về một Việt Nam duyên dáng, tràn đầy sức sống và có đời sống văn hóa, nghệ thuật tinh tế”.
Mộc Lan (DNSGCT)