Có một không gian phòng khách mang tên Điểm một thời, nơi bày sẵn những món ăn tinh thần có giá trị văn hóa đặc sắc, đó là lịch sử đất nước được tái hiện qua hình ảnh tà áo dài và những phiên chợ quê, là bức tranh đa sắc về 54 dân tộc được vẽ bằng các loại nhạc cụ truyền thống như: đàn đá, trống hội, tiếng mõ, đàn tranh, đàn bầu… Gian phòng ấm cúng này được NTK Lê Sĩ Hoàng cùng các cộng sự tổ chức tại Bảo tàng Áo dài, tầng 2 số 75 Nguyễn Huệ, Q.1, TP. Hồ Chí Minh. Nơi đây chào đón tất cả những người yêu văn hóa dân tộc Việt Nam, từ những khán giả nhỏ tuổi đến các vị cao niên, từ những vị khách trong nước đến các du khách nước ngoài.
Điểm một thời từng là sân khấu sáng đèn hằng đêm trong một không gian văn hóa thuần Việt từ năm 2002 đến 2007. Mười năm qua, chương trình tạm ngưng hoạt động để tập trung đầu tư cho Bảo tàng Áo dài và nhiều người yêu văn hóa dân tộc vẫn mong đợi chương trình trở lại. “Chúng tôi nhận thấy rằng nhiệm vụ của bảo tàng văn hóa không thể thụ động như trước mà phải mang lại điều gì đó sống động đến với mọi người. Càng nhiều người quan tâm thì văn hóa mới càng được giữ gìn và phát huy tốt hơn”, NTK Sĩ Hoàng cho biết. Chính vì vậy, Điểm một thời 2017 trở lại với sắc diện mới công phu hơn so với phiên bản cũ, theo đó văn hóa bản địa được trưng bày trong một triển lãm âm nhạc và hoạt cảnh sinh động hơn.
Quả thật, khó mà có thể diễn tả được hết sức sáng tạo của người đạo diễn, kỹ xảo ánh sáng sân khấu, cũng như diễn xuất linh hoạt của diễn viên trong chương trình. Dường như cả âm thanh, bố cục và nét giản dị của người nghệ sĩ đã tạo nên một bức tranh sân khấu hoàn hảo cho những tình yêu mới chớm của đôi trai gái người dân tộc, những phiên chợ vùng cao, những thúng mẹt quà quê và cả những tiếng rao “chỉ có thể là Việt Nam”, như lời thì thầm của hai khán giả trung niên. Trong không gian đó, không thể thiếu những lời tỏ tình, nhớ nhung, lời tâm sự, giãi bày trong những buổi sáng róc rách tiếng suối chảy, những ban trưa xao xác tiếng gà hay những đêm tối ngân nga tiếng hát côn trùng. Thật bất ngờ là tất cả những thanh âm của cuộc sống đều được tái hiện đầy đủ qua các nhạc cụ dân tộc tại Điểm một thời.
Những câu chuyện được kể bởi NTK Sĩ Hoàng trong chương trình đôi khi gây khó khăn cho các vị khách nước ngoài nhưng khi tiếng đàn, tiếng trống vang lên thì họ bỗng nhịp chân theo từng điệu nhạc một cách vô thức. Chính âm nhạc đã vẽ nên những câu chuyện văn hóa, đời sống một cách chân thực và sống động. Chẳng hạn như câu chuyện về lãnh thổ văn minh Việt Nam được kể lại hùng hồn qua tiếng đàn đá, hay câu chuyện tỏ tình đáng yêu của chàng trai Tây Nguyên được thể hiện qua tiếng đàn K’Ní ngọt ngào.
Tuy không hiểu được những câu hát xẩm rất vần điệu và tình tứ như: “Anh đây mục hạ vô nhân/ Nghe em nhan sắc lòng xuân anh mấy dạt dào/ Dù em mặt phấn má đào/ Dửng dừng anh chẳng có thèm trông làm gì…/ Vén tay sờ chốn em ngồi/ Em thời chẳng thấy, anh thời thở than/ Bâng khuâng như mất lạng vàng…” (Trích Mục hạ vô nhân) nhưng tiếng đàn nhị của người nghệ sĩ mù vẫn làm nao lòng những vị khách không nói tiếng Việt. Và cũng như người nghệ sĩ mù luôn giữ cho mình một hình ảnh giai nhân lãng mạn trong tâm trí thì người xem cũng muốn đóng mắt lại để cảm nhận hết sự khắc khoải, da diết của tiếng đàn nhẹ như tơ…
Hầu như chưa có một chương trình tôn vinh áo dài nào lại được trình diễn bởi những người mẫu “bình dân” như Điểm một thời. Đa số người mẫu trong chương trình đều là những học sinh, sinh viên chưa hề có trải nghiệm sân khấu. Thật lạ là tất cả đều trở nên hoàn hảo trong tà áo dài, dù đó là áo dài kiểu thôn quê từ những thế kỷ XVII, XVIII, hay những tà áo dài hiện đại. Đúng như NTK Sĩ Hoàng nhận xét, trong tà áo dài, dường như mọi cá tính đều nhường chỗ cho nét dịu dàng, kín đáo bên ngoài đến sự ý nhị, đoan trang bên trong, từ cô nữ sinh áo dài trắng đến “quý cô tân thời” trong chiếc áo dài của họa sĩ Cát Tường, từ mẫu áo dài cách tân Trần Lệ Xuân đến chiếc áo dài hoàng gia bằng gấm quý. Chỉ trong dăm phút mà chương trình dẫn người xem đi qua từng thời kỳ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tà áo dài Việt Nam và hiểu những đổi thay của áo dài qua từng giai đoạn lịch sử.
Điểm đặc biệt là “phòng khách” Điểm một thời được NTK Sĩ Hoàng và nhóm họa sĩ Băng Sơn tái hiện tác phẩm tranh tường dài hơn 60m được thực hiện từ hơn 4.000 bức vẽ trong tác phẩm Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger – một công trình nghiên cứu văn minh vật chất người Việt đầu thế kỷ XX. Một nét thú vị của chương trình nữa là sự tương tác giữa khán giả với chương trình. Theo đó, khán giả có thể chạm tay đến các nhạc cụ trên sân khấu để có thể cảm nhận hết nét đặc sắc của cây đàn đá cùng các nhạc cụ dân tộc khác. Ngoài ra, du khách còn được các diễn viên, nghệ sĩ mời ăn những món quê như chè bà ba, sắn luộc, khoai lang, bánh mì hay dùng trà… để lưu lại hồi ức về tuổi thơ hay cuộc sống dân dã thường nhật đã qua…
Điểm một thời kỳ vọng sẽ mở cửa hằng đêm như một điểm hẹn văn hóa cho khách trong và ngoài nước. Chương trình dự kiến sẽ có thêm nhiều kịch bản theo các chủ đề như văn nghệ Nam bộ, đêm tân nhạc Sài Gòn cũng như văn hóa các vùng miền Việt Nam. “Điểm một thời luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón các trường đưa học sinh đến trải nghiệm văn hóa dân tộc như một chương trình ngoại khóa để các em hiểu hơn vẻ đẹp của văn hóa Việt, để một mai dù có sống và làm việc ở một đất nước nào, các em vẫn có những ký ức, cội rễ về văn hóa dân tộc để hòa nhập nhưng không hòa tan”, NTK Sĩ Hoàng cho biết.