Trong thực tế, đôi khi chỉ dùng lý lẽ thì không giải quyết được vấn đề và trong doanh nghiệp cũng vậy, nhà quản lý khó đạt được thành công nếu chỉ viện đến lý luận và quy tắc. Đôi khi cụm từ “chúng ta là bạn mà” lại có sức thuyết phục hơn cụm từ “tôi đúng, anh sai”.
Nhiều người tròn mắt ngạc nhiên khi nghe cô nhân viên mới kể về chỗ làm cũ của mình: “Ở công ty ấy, lính tráng không được cười giỡn lớn tiếng, cứ phải cắm cúi làm việc chăm chỉ đủ 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày”.
Đây là một câu chuyện có thật tại một doanh nghiệp khá mạnh về lĩnh vực sáng tạo nhưng lại không chuyên nghiệp về tác phong nhân sự.
Nếu chỉ so sánh dựa trên thời gian làm việc, người ta có thể dễ dàng cho rằng doanh nghiệp có nhân viên làm việc chăm chỉ đúng 8 giờ mỗi ngày sẽ tạo được nhiều thành quả lao động hơn so với doanh nghiệp mà nhân viên cứ mải giải trí hoặc làm việc riêng trong giờ làm việc.
Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra ngược lại: nơi nào khiến nhân viên hài lòng hơn thì nơi đó sẽ có hiệu quả công việc cao hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực sáng tạo, thiết kế.
Quy tắc 80/20 cho thấy rằng, người ta có thể dùng 20% thời gian để gặt hái được 80% hiệu quả nếu có điều kiện phù hợp.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp khiến nhân viên cảm thấy không hài lòng thì ở đó ắt có tỷ lệ người bỏ việc cao.
Không ít người lao động đổi môi trường làm việc vì họ không muốn đến công ty chỉ để chăm chú làm việc mà không có được bất kỳ một gắn kết nào.
Đã có trường hợp doanh nghiệp được xem là sở hữu một đội ngũ nhân sự chỉ toàn là “người mới” cho dù phần đông đã làm việc tại đó nhiều năm chỉ vì mọi người ít có tình cảm gắn bó với nhau và rất ít người thông thạo với tính chất đặc thù của doanh nghiệp ấy.
Khi một đội ngũ ít có thay đổi về nhân sự, các thành viên lại có nhiều thời gian giao lưu với nhau thì đội ngũ ấy sẽ phối hợp với nhau ăn ý hơn, thông cảm nhau hơn và dễ dàng giảm được các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình làm việc. Đôi khi cụm từ “chúng ta là bạn mà” lại có sức thuyết phục hơn cụm từ “tôi đúng, anh sai”.
Chúng ta có thể học hỏi được những trải nghiệm này nếu có dịp đến với những vùng quê ở mọi miền, nơi con người đối xử với nhau dựa trên tình cảm nhiều hơn là lý lẽ, quy tắc.
Chẳng hạn, nếu đã ở trên một chuyến xe chợ thì việc lý sự khi có xung đột với người đồng hành thuộc giới bình dân sẽ làm tình hình thêm căng thẳng, đặc biệt là khi chúng ta là người xứ khác.
Mọi việc có thể được giải quyết một cách êm thắm nếu có thêm một chữ “tình”, chẳng hạn qua chuyện trò hai bên tìm ra được những yếu tố tương quan thuộc quan hệ cá nhân (biết hoặc từng đến thăm quê quán của nhau, cùng quen một người bạn…).
Tương tự, nếu chỉ nhất mực với những chuẩn mực và quy tắc, điều nhà quản lý đạt được có thể chỉ là một đội ngũ như khoai tây đựng trong bao tải – một tập hợp ban đầu nhìn vào tưởng là quy củ, chặt chẽ, nhưng khi mở bao ra thì mỗi củ khoai lăn về một nơi khác nhau một cách vô trật tự.
- Xem thêm: Để nhân viên thật sự vui vẻ
Bài toán đặt ra là làm sao có thể “dung tình” mà vẫn đảm bảo được nhà quản lý không bị… “xỏ mũi”?
Thiết nghĩ, câu hỏi cần được quan tâm hơn là nhà quản trị am hiểu được bao nhiêu trong lĩnh vực này và tin tưởng đội ngũ nhân viên của mình đến đâu.
Quan điểm của người xưa vẫn còn nhiều giá trị: đã dùng người thì phải tin người, đã không tin người thì đừng dùng người.
Trải rộng ra, chúng ta còn thấy ở đó có cả vấn đề về cư xử, văn hóa doanh nghiệp. Làm sao cho mọi người đều cảm thấy mình làm việc vì bản thân mình, chứ không phải vì trả nợ hay giám sát nghiêm ngặt. Điều đó cũng là một bí quyết của nhà quản lý thành công: dùng chiến hữu chứ không dùng người làm thuê.