Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường muốn nhân viên của mình lúc nào cũng vui vẻ và có động cơ làm việc cao. Thế nhưng mục tiêu này khó có thể đạt được, vì nhân viên thường không muốn chia sẻ với sếp về những điều khiến họ cảm thấy vui vẻ. Thay vào đó, nhân viên thường chỉ nói với sếp những gì mà họ nghĩ rằng sếp muốn nghe và thích nghe.
Vì vậy, nếu thật sự muốn nhân viên của mình vui vẻ, các sếp phải là người chủ động chuyển cuộc đối thoại giữa hai bên sang hướng giúp nhân viên thổ lộ với sếp nhiều hơn về những điều mà họ quan tâm. Theo Ben Casnocha và Chris Yeh, đồng tác giả của cuốn The Alliance: Managing Talent in the Networked Age (tạm dịch: Quản lý nhân tài trong thời đại kết nối quan hệ), các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo ra sự cân bằng trong quan hệ và các cuộc đối thoại với nhân viên để làm cho họ thật sự vui vẻ bằng những cách sau đây.
Đừng kỳ vọng được nhân viên tin tưởng sếp quá nhanh
“Sự thật là sếp khó có thể lấy được niềm tin của nhân viên trong một sớm một chiều nếu sếp không xây dựng được một mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên. Thông thường, nhân viên có khuynh hướng tạo cho mình một “vỏ bọc” đề phòng trước sếp nói riêng và trước công ty nói chung”, Yeh chia sẻ. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì? Yeh khuyên các nhà quản lý hãy từ từ kéo nhân viên ra khỏi lớp “vỏ bọc” của mình.
Cần phải chia sẻ với nhân viên những giá trị, nguyện vọng, hoài bão của mình, có thể bắt đầu từ những vấn đề rất cá nhân như nhãn hiệu mà mình yêu thích. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng rằng sau khi sếp nói chuyện chân thành với nhân viên và chia sẻ những câu chuyện cá nhân của mình với họ thì họ sẽ làm ngay điều tương tự đối với mình. Lý do là đa số nhân viên đều sợ bị… sa thải mỗi khi sếp muốn nói chuyện riêng với họ. Do đó, cách xây dựng niềm tin theo kiểu trò chuyện gần gũi với nhân viên cần phải có thời gian.
Không nên quan niệm rằng sếp và nhân viên lúc nào cũng phải song hành cùng nhau
Thay vào đó, nên nghĩ rằng ngoài việc tạo điều kiện để nhân viên làm tốt công việc hiện tại của họ, nhiệm vụ lớn hơn của sếp còn là giúp nhân viên hoàn thành một sứ mệnh cụ thể nào đó, chẳng hạn như phát triển một số kỹ năng hay quan hệ để họ có thể chuyển đổi sang một ngành khác hay công việc khác khi không còn làm việc với công ty hiện tại.
Nhân viên sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, cởi mở hơn và làm việc tích cực hơn nếu biết được sếp thật sự muốn giúp họ có được một tương lai tốt hơn mà không đỏi hỏi họ phải nhất thiết gắn bó suốt đời với công ty hiện tại.
Giao tiếp bên ngoài văn phòng
Nhân viên sẽ khó thoát ra khỏi lớp vỏ tự bảo vệ của họ nếu sếp mời họ vào phòng làm việc của mình rồi đóng kín cửa trước khi nói chuyện với họ. Hãy thay đổi hoàn cảnh giao tiếp với nhân viên và xóa tan bầu không khí căng thẳng, nghiêm trọng khi nói chuyện với họ. Có thể bắt đầu bằng cách mời nhân viên cùng đi ăn trưa. Khi thích hợp, có thể mời họ về nhà của mình để dự những buổi tiệc hay các hoạt động giải trí nhỏ.
Tránh những câu hỏi quá cá nhân
Yeh khuyên các nhà quản lý có thể tiếp cận với nhân viên bằng những câu nói như sau: “Nhiệm vụ của tôi là giúp anh/chị vượt qua những trở ngại và khó khăn trong con đường phát triển nghề nghiệp của mình. Anh/chị có đang gặp những rào cản nào trong việc thực hiện sứ mệnh của mình hay không? Tôi có thể làm gì để giải quyết những rào cản ấy cho anh/chị?”.
Cách nói này sẽ giúp sếp nhấn mạnh vào “sứ mệnh” chứ không phải bản thân nhân viên. Còn nhân viên thì lại có thể nói ra những khó khăn trong công việc mà không cảm thấy như đang bị sếp chỉ trích hiệu quả làm việc hay khả năng thích nghi với những tình huống đang thay đổi của họ.
- Xem thêm: Để nhân viên thoát khỏi “vùng bình yên”
Còn Casnocha khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên học một kỹ thuật giao tiếp với nhân viên từ Tyler Cowen, một giáo sư kinh tế học của Đại học George Mason. Đó là một hình thức tránh những câu hỏi mang tính cá nhân với nhân viên bằng cách hãy hỏi họ rằng “đa số mọi người” nghĩ gì về một tình huống nào đó.
Thường thì nhân viên ấy sẽ nói với sếp về những suy nghĩ của người khác, nhưng khi làm như vậy, anh ta cũng có thể “lồng” vào câu trả lời những suy nghĩ hay cảm xúc của cá nhân mình. Cụ thể hơn, Casnocha khuyên nhà quản lý nên hỏi nhân viên theo hai cách sau: “Mọi người cảm thấy thế nào về công việc ở văn phòng này?” hoặc “Anh/chị nghĩ rằng mọi người đang lo lắng điều gì về công việc ở đây?”.