Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đề cập đến vấn đề du học như một xu hướng nổi trội đối với một số bộ phận sinh viên – học sinh Việt Nam có nhu cầu học tập nước ngoài.
Mặc dù có nhiều thông tin đã được cung cấp từ phía nhà trường, các công ty tư vấn, các buổi hội thảo du học, nhưng có một số sinh viên – học sinh vẫn đang hoang mang và cảm thấy khó khăn trong việc xác nhận thông tin cũng như định hướng đúng cho bản thân mình. Đặc biệt, điều các bạn lo lắng nhất chính là làm sao có thể hòa nhập và phát triển trong một môi trường mới khi sống xa gia đình, gần như không có sự giúp đỡ thường xuyên từ bạn bè, người thân.
Tự nhìn nhận rõ bản thân
Các sinh viên – học sinh đang có kế hoạch du học đều có những ước mơ thành công sau này, dù có xuất phát từ tầng lớp nào hoặc đi du học dưới hình thức nào chăng nữa. Sự thành công này được thể hiện qua con đường học tập, một nền tảng đảm bảo cho công việc và một vị trí xã hội nhất định trong tương lai gần.
Liên quan đến thông tin về du học, chúng ta có thể thấy có rất nhiều thông tin được cung cấp hiện nay như trường học uy tín, chất lượng giảng dạy, chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng bằng cấp, thủ tục hồ sơ, yêu cầu tuyển chọn đầu vào, thông tin tổng quát về môi trường sống và học tập, thông tin về học phí, sinh hoạt phí và một số thông tin khác. Tuy nhiên, có một điều ít được đề cập đến đó là sự tự nhìn nhận rõ mình trong mỗi du học sinh, đây là một yếu tố vô hình, vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng chính yếu xuyên suốt quá trình sống và học tập tại nước ngoài. Có ước mơ du học thôi là chưa đủ, các bạn cần phải dành thời gian soi rọi lại để thấy rõ về chính mình hơn, ví dụ như sức học hiện tại, khả năng chịu áp lực của việc học, vì sao có quyết định du học, bạn có thực sự thích du học hay không, học ngành nào sẽ phù hợp với mình, bạn đã hình dung được phần nào bạn sẽ làm gì trong tương lai sau khi ra trường hay chưa, bạn sẽ học tại đất nước nào, môi trường sống tại đó có phù hợp với tính cách và lối sống của bạn hay không… Dưới góc độ này, có nhiều câu hỏi được đặt ra không chỉ đối với các du học sinh tương lai mà ngay cả đối với các bậc phụ huynh.
Những yếu tố được đề cập bên trên được xem là vô cùng quan trọng, là những tiền đề mà các du học sinh cần phải đặc biệt quan tâm. Có nhiều minh chứng cụ thể cho thấy nhiều du học sinh đã mất thời gian rất lâu để hoàn thành chương trình học tại nước ngoài thay vì trong vài năm, hoặc không thể tiếp tục mà phải bỏ ngang để trở về nước. Có rất nhiều nguyên nhân xung quanh vấn đề này. Các sinh viên – học sinh cần phải biết làm cách nào để chuẩn bị cho mình hành trang tốt nhất nhằm có thể bắt đầu cuộc hành trình đầy thử thách ở một môi trường xa lạ. Như một sự chia sẻ với các du học sinh tương lai, anh Lâm Nguyên, từng tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh (Bachelor in Business Management) tại Trường Đại học Deakin của Úc, hiện là giám đốc một công ty du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, đã nói rằng: “Các bạn cần phải xác định rõ mình thích du học hay không và học ngành gì. Vì nếu bạn đã xác định đúng ngành học, chắc chắn bạn sẽ thấy luôn hứng khởi trong việc học, cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp thu kiến thức và vượt qua các kỳ thi”. Anh Nguyên giải thích: “Một khi đã xác định đúng, các bạn không phải chuyển sang ngành học khác, việc này sẽ khiến bạn mất rất nhiều thời gian vì bạn sẽ theo đuổi lại từ đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính của gia đình và tạo ra nhiều áp lực không cần thiết”.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác được đặt ra là các sinh viên – học sinh cần phải xác định được sức học và khả năng chịu áp lực của việc học tại thời điểm hiện tại. Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng ở Việt Nam có rất nhiều môn học được giảng dạy với khối lượng kiến thức nặng, trong số đó có nhiều môn không liên quan đến nhu cầu thực tiễn hoặc mong muốn của bạn, điều này vô tình tạo cho bạn rất nhiều áp lực và ảnh hưởng đến sự định hướng học tập. Bên cạnh đó, qua việc dựa vào nhiều nguồn thông tin không đầy đủ, một số lượng lớn học sinh – sinh viên thường có suy nghĩ rằng học tập ở nước ngoài mang tính thực tiễn cao và ít lý thuyết, nên có thể nhẹ nhàng và ít áp lực hơn. Điều này có thể chỉ đúng một phần. Qua một dịp trao đổi với một cựu du học sinh khác, anh Tuấn Anh, cử nhân IT (Bachelor in Information Technology) của Trường Đại học Monash nổi tiếng hàng đầu của Úc, hiện là giám đốc của một công ty phần mềm tại Hà Nội, bày tỏ rằng: “Việc học tập ở nước ngoài cũng không nhẹ nhàng vì có thể việc học đề cao tính thực tiễn, hoặc có thể bạn học ít môn hơn vì học chuyên sâu, nhưng yêu cầu đối với bài làm và kỳ thi lại rất cao, đòi hỏi một sự tổng hợp kiến thức nền vững chắc cộng với khả năng ngoại ngữ tốt, nên bạn phải dành nhiều thời gian và nỗ lực không ngừng nếu muốn đạt được kết quả tốt”.
Áp lực, cô đơn, buồn chán
Một thực trạng đã và đang xảy ra đó là nhiều du học sinh không thể tiếp tục hòa nhập vì cảm thấy quá bị áp lực từ việc học cộng với cuộc sống thường ngày buồn tẻ. Sự buồn tẻ này trên tổng thể được nhìn nhận là xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ví dụ như: sinh viên không có bạn bè chia sẻ vì không hợp tính cách, sự khác biệt về văn hóa, sự buồn chán vô tình hình thành vì hoạt động hằng ngày lặp đi lặp lại, môi trường sống quá yên tĩnh, hoặc du học sinh không có kinh nghiệm tự tạo ra những thú giải trí tiêu khiển lành mạnh, kinh tế, nhằm giải tỏa áp lực và làm cho cuộc sống luôn phong phú và tươi vui.
Các du học sinh Việt Nam tại Singapore do khoảng cách địa lý gần nên tương đối thuận lợi hơn để có thể về nước thăm gia đình, bạn bè, đồng thời cũng là tìm kiếm sự chia sẻ và nghỉ ngơi nhằm giảm áp lực từ việc học hoặc từ bối cảnh sống hằng ngày. Hơn thế nữa, Singapore là một đất nước nhỏ, rất thuận tiện cho việc đi lại nhằm hòa mình vào cuộc sống xã hội tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, đối với du học sinh tại một số nước như Mỹ, Úc, Canada, Anh, đa phần không phải ai cũng có điều kiện thuê nhà sinh sống gần trung tâm để hòa mình với cuộc sống nhộn nhịp, cũng như ít có điều kiện về thăm gia đình thường xuyên vì một số nguyên nhân như khoảng cách địa lý, lịch học, chi phí đi lại. Liên quan đến thực trạng này, anh Lâm Nguyên, người từng sống tại Singapore và Úc, khẳng định rằng: “Sự tự thân vận động không ngừng, việc quản lý quỹ thời gian, lịch trình sinh hoạt và sự trau dồi ngoại ngữ hằng ngày là những yếu tố giúp du học sinh hòa mình vào môi trường mới một cách nhanh nhất”. Nhằm giải thích rõ hơn về những yếu tố này, anh kể chuyện mình: “Nhớ lại thời gian mới đặt chân đến xứ người, có rất nhiều điều làm tôi bỡ ngỡ và cảm thấy rất lạc lõng mặc dù nắm được ít nhiều thông tin và có khả năng tiếng Anh nhất định. Việc sống và học tập tại đất nước xa lạ khác hẳn một chuyến đi du lịch, ngay cả quan hệ bạn bè, xã hội không giống như ở Việt Nam vì có sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo. Trong một khoảng thời gian, tôi đã trải qua sự cô đơn và buồn chán và điều này đã ảnh hưởng một cách tiêu cực đến việc học tập vì tôi thật sự bị phân tâm và hoang mang. Nhưng sau đó, tôi đã tịnh tâm nhìn lại chính mình và nói với chính bản thân là cần phải có sự thay đổi. Ngoài thời gian đến trường, tôi sắp xếp thời gian một cách khoa học nhằm trui rèn thêm kỹ năng tiếng Anh, tham gia các câu lạc bộ sinh viên quốc tế, tham gia các hội thảo hỗ trợ định hướng doanh nhân trẻ tuổi và đăng ký đi làm thêm tại nhà hàng. Tôi gần như không có nhiều thời gian trống để nghĩ đến sự buồn chán. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tôi cảm thấy rất vui vì đã hòa nhập với cuộc sống và kết quả học tập tốt hơn rất nhiều”. Anh nói thêm: “Các hoạt động mà tôi đã tham gia không chứa đựng mục tiêu giết thời gian, mà chính yếu là giúp tôi có thể phát triển kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng và kiến thức xã hội, ngoài ra còn cho tôi thêm niềm vui trong cuộc sống. Việc đi làm thêm giúp tôi thêm trải nghiệm và hiểu giá trị đồng tiền nhiều hơn, cũng chính là động lực giúp tôi cố gắng học tập tốt hơn”.
Có thể thấy rằng một hành trang du học không chỉ chứa đựng các yếu tố như khả năng tài chính, các thông tin hình ảnh tổng quát, hay các số liệu mang tính thống kê, mà bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác cần được đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, để có một sự chuẩn bị tốt cho việc du học nước ngoài, các học sinh – sinh viên nên dành nhiều thời gian nghiên cứu, mạnh dạn vạch rõ một kế hoạch cho riêng mình trên nền tảng tự nhìn nhận rõ về bản thân và các thông tin có được. Đương nhiên là luôn đối chiếu, thăm dò và lắng nghe ý kiến kinh nghiệm quý báu từ những người từng trải. Song song với điều này, một yếu tố nữa vô cùng quan trọng đó là sự đồng hành, sự chia sẻ và thấu hiểu đối với các du học sinh tương lai từ phía các bậc phụ huynh trong suốt quá trình chuẩn bị hành trang du học.
Nhất Minh