Trong số báo trước, DNSGCT đã giới thiệu các hình thức học bổng, hỗ trợ tài chính khác nhau mà sinh viên có thể nhận được ở Mỹ, cũng như những điểm khác nhau cơ bản giữa học bổng và hỗ trợ tài chính. Trong số này, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các vấn đề liên quan đến quy trình chuẩn bị mà các bạn cần phải thực hiện để nộp đơn xin hỗ trợ tài chính.
Hỗ trợ tài chính – tính như thế nào?
Học bổng dựa vào thành tích và năng lực tại các trường đại học Mỹ thường có giá trị không lớn và không đủ để trang trải chi phí học tập. Những phần học bổng có giá trị lớn thì lại khá hiếm và có tính cạnh tranh rất cao. Đa phần học bổng dành cho sinh viên của các trường đại học là những giải thưởng, quỹ tài trợ của mạnh thường quân về một ngành học hay dành cho một số đối tượng sinh viên đặc biệt. Chính vì vậy, để trang trải phần lớn chi phí học tập của mình, các bạn không nên quá trông đợi vào các học bổng và giải thưởng.
Nếu như với học bổng, các bạn sẽ biết rõ số tiền được tài trợ nếu mình đạt được thì với các gói hỗ trợ tài chính, bài toán lại phức tạp hơn nhiều. Vì các gói hỗ trợ tài chính được quyết định dựa trên rất nhiều yếu tố: học lực, điều kiện kinh tế gia đình, số tiền hỗ trợ yêu cầu trong mối tương quan với chi tiêu ngân sách của nhà trường. Đa phần các trường hợp, nhà trường sẽ tìm cách giúp bạn có đủ nguồn kinh phí để theo học nếu bạn là một ứng viên sáng giá. Nhưng điều này không có nghĩa là nhà trường sẽ tài trợ 100% số tiền bạn cần, mà chỉ hỗ trợ để bạn có thể xoay xở đủ chi phí cho việc học của mình.
Ngoài phần chi phí được tài trợ từ nhà trường, bạn có thể được xem xét cho vay (loan) và làm việc được trả lương ở trường (work study). Khoản cho vay sẽ phải hoàn trả sau khi sinh viên tốt nghiệp. Vì là khoản cho vay dành cho sinh viên nên lãi suất đương nhiên sẽ thấp hơn so với các khoản vay thông thường. Các sinh viên quốc tế trong đó có Việt Nam cũng được hưởng chính sách cho vay tại Mỹ, nhưng phải được một công dân Mỹ đứng ra bảo lãnh. Tùy thuộc vào hồ sơ tài chính của người bảo lãnh mà bạn sẽ phải trả lãi suất ít hơn bao nhiêu so với mức bình thường. Trong khi đó, work study lại là một hình thức giúp bạn có việc làm để có thể trang trải phần nào chi phí học tập của mình. Ở Mỹ, sinh viên chỉ được phép làm thêm trong khuôn viên nhà trường, thời gian làm việc cũng không được phép vượt quá 20 tiếng/tuần. Tuy là một phần của gói hỗ trợ tài chính nhưng nhà trường cũng không bắt buộc học sinh phải làm việc, cũng như không tìm sẵn việc cho các bạn. Nhưng nếu không làm việc, bạn sẽ không nhận được khoản thu nhập và sẽ phải tự tìm một khoản khác để trang trải.
Nhà trường sẽ dựa vào tất cả các yếu tố trong hồ sơ để quyết định khoản hỗ trợ tài chính dành cho bạn. Mỗi trường sẽ có quyết định khác nhau, vì vậy bạn nên nộp đơn cho nhiều trường để có nhiều sự chọn lựa và cân nhắc về các gói hỗ trợ tài chính được nhận. Trong hồ sơ xin hỗ trợ tài chính, bạn sẽ phải ghi rõ mình có thể đóng góp được bao nhiêu trong tổng số chi phí học đại học. Con số này cũng là một trong những yếu tố được dùng để cân nhắc trong quá trình tuyển sinh. Nhà trường sẽ căn cứ vào con số đó cùng với chất lượng của bộ hồ sơ để quyết định số tiền bạn sẽ được hỗ trợ. Có ba dạng hỗ trợ chính: hỗ trợ hoàn toàn học phí, hỗ trợ tất cả các chi phí mà bạn yêu cầu và hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập.
Quy trình chuẩn bị hồ sơ học bổng và hỗ trợ tài chính
Đối với các chương trình học bổng, hồ sơ của bạn có thể được tự động xem xét để cấp học bổng theo quy chế của trường, hoặc bạn phải làm những bộ hồ sơ riêng lẻ cho các giải thưởng, chương trình học bổng nhất định của trường, của khoa hay của các nhà tài trợ bên ngoài dành cho sinh viên. Tùy mỗi học bổng mà hồ sơ sẽ có các yêu cầu khác nhau. Đa phần các đơn xin học bổng sẽ được nộp và xử lý sau khi bạn đã được trường chấp thuận.
Trong khi đó, hồ sơ dành cho các gói hỗ trợ tài chính thì phải được nộp cùng thời điểm với đơn xin học. Ở Mỹ, khả năng về tài chính cũng như yêu cầu về hỗ trợ tài chính là một phần của bộ hồ sơ xin học. Nhà trường muốn chắc chắn lựa chọn được những sinh viên sẽ theo học đến cùng khi được tuyển chọn mà không “đứt gánh giữa đường” chỉ vì yếu tố học phí.
Có ba loại đơn thông dụng mà học viên phải điền và gửi kèm với bộ hồ sơ xin học:
International Student Financial Aid Application (ISFAA): Đây là hồ sơ kê khai về tình hình tài chính của sinh viên như thu nhập của gia đình, các tài sản cố định, số tiền mà gia đình có thể hỗ trợ cho sinh viên trong vòng một năm.
Certificate of Finance (COF): Đây là đơn yêu cầu kê khai về số khoản đóng góp của gia đình cho nhà trường trong một năm nếu như sinh viên nhập học tại nhà trường.
CSS Profile: Tương tự hai loại đơn ở trên, CSS Profile yêu cầu các thông tin về tình hình tài chính của gia đình cũng như các khoản hỗ trợ mà gia đình có thể dành cho học viên. Đơn CSS Profile sẽ được điền trực tuyến qua hệ thống của College Board và có thể được dùng để nộp cho tất cả các trường.
Tại Mỹ, đa phần các trường đều xem tài chính là một yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển sinh. Sinh viên không chỉ giỏi mà còn cần phải đáp ứng được các yêu cầu tài chính để có thể hoàn tất việc học của mình. Ở Mỹ, hiện nay chỉ có một số trường không quan tâm đến yếu tố tài chính của sinh viên quốc tế khi tuyển sinh, chỉ cần sinh viên đủ giỏi để được nhận học, nhà trường sẽ tìm mọi cách giúp sinh viên có đủ khả năng trang trải việc học. Đây cũng đồng thời là những trường đại học nổi tiếng và có yêu cầu tuyển sinh khắt khe nhất như: MIT, Harvard University, Princeton University, Yale University, Dartmouth College, Amherst College. Tất cả những trường còn lại đều cần phải cân nhắc yếu tố tài chính khi xem xét hồ sơ của bạn. Nhà trường có một ngân sách nhất định cho các gói hỗ trợ tài chính. Có thể bạn giỏi hơn nhiều sinh viên khác có khả năng đóng góp cao hơn, nhưng bạn lại vẫn chưa giỏi bằng những sinh viên có khả năng đóng góp như bạn trong cùng năm tuyển sinh, bạn sẽ phải “ngậm ngùi” chấp nhận một kết quả không như ý.
Top 10 trường đại học Mỹ cấp nhiều học bổng và hỗ trợ tài chính nhất cho sinh viên quốc tế |
Yale University |
Skidmore College |
Harvard University |
Amherst College |
Trinity College |
Williams College |
Dartmouth College |
University of Chicago |
Bates College |
Duke University |
Nhật Hà (DNSGCT)