Doanh nghiệp thì không đáp ứng được điều kiện vay vốn từ ngân hàng hoặc không dám vay vì cơ hội kinh doanh chưa sáng sủa, ngân hàng thì siết chặt điều kiện cho vay để ngăn ngừa rủi ro.
Nhu cầu vốn vay có lẽ chỉ tăng khi nền kinh tế khởi sắc. Việc một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật… hồi phục tạo điều kiện khu vực xuất khẩu của nước ta tăng tốc. Quý I, chúng ta xuất siêu 482 triệu USD, nhiều đơn vị đã có đơn hàng làm trong cả năm. Tuy nhiên, nếu xét chung cả nền kinh tế thì tình hình chưa được tích cực như vậy, đa số các doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Vấn đề của nền kinh tế hiện không còn là lãi suất cao và doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn như trước. Lãi suất thấp mà tiền vẫn ứ đọng trong hệ thống ngân hàng, do nguyên nhân nợ xấu và hàng tồn kho. Làm sao để kích cầu tiêu dùng, từ đó giúp đẩy mạnh nhu cầu vay vốn cho sản xuất, kinh doanh mới giúp “khơi thông” được nguồn vốn. Khó khăn trong việc tìm đầu ra cho dòng tiền, nhiều ngân hàng thương mại dùng tiền huy động được để mua trái phiếu Chính phủ với khối lượng lớn, dù mức chênh lệch so với lãi suất huy động là rất nhỏ.
Nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất cho vay đã giảm từ 15%/năm cách nay vài tháng xuống còn 11 – 12%/năm, có những khoản vay chỉ 8 – 9%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay dưới 10%/năm chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp đang hoạt động tốt, có tiềm lực tài chính và đạt mức tín nhiệm cao đối với ngân hàng. Còn các khoản vay cũ của doanh nghiệp vẫn đang chịu mức lãi suất 15 – 16%/năm. Nghĩa là đang có một sự chênh lệch khá lớn về lãi suất cho vay giữa các doanh nghiệp. Cũng phải đề cập đến giá vốn đầu vào của các ngân hàng, khi không phải nguồn vốn huy động nào của ngân hàng cũng là 7,5%/năm như hiện nay, mà trải đều từ 8 – 14%/năm, trong đó các khoản tiền gửi cuối cùng có lãi suất 14%/năm đến tháng 4 này mới tất toán. Đó là chưa kể các ngân hàng phải cộng thêm khoảng 1 – 2%/năm vào lãi suất phải trả cho khách hàng lớn và các khoản chi phí “thưởng”, khuyến mãi dành cho khách hàng gửi tiền. Chính vì vậy, ngân hàng cũng phải cân đối để giảm lãi suất cho vay một cách từ từ, chứ không thể cùng lúc đưa về mức 10%/năm được.
Trong lúc các ngân hàng thương mại vẫn loay hoay với việc tìm nguồn cho vay, thì Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 cho các ngân hàng thương mại. Có lẽ vì thế mà chỉ tiêu ấy không tác động nhiều đến hoạt động của các ngân hàng. Ngoài ra, việc tất cả các ngân hàng được “ấn” định mức 12% trở xuống được đánh giá là khá “lạc điệu” so với tình hình. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc giao chỉ tiêu là cần thiết, để các ngân hàng thương mại biết rằng việc tăng trưởng tín dụng phải song hành với giữ an toàn cho toàn hệ thống. Tuy nhiên, cách giao chỉ tiêu một cách “cào bằng” như thế sẽ không có nhiều tác dụng. Sẽ tốt hơn nếu mỗi ngân hàng do biết năng lực của mình nên tự đề ra được mức tăng trưởng tín dụng phù hợp và được Ngân hàng Nhà nước duyệt nếu thấy hợp lý và không quá lố so với mức định hướng chung của toàn hệ thống (12% trong năm nay). Việc cào bằng chỉ tiêu sẽ dẫn tới tình trạng “kẻ thừa người thiếu”, đa số ngân hàng sẽ không thể đạt được mức 12% trong khi một số ngân hàng có khả năng lại bị con số này khống chế, sẽ phải “xin” Ngân hàng Nhà nước được “vượt trần” vào cuối năm, điều từng xảy ra vào năm ngoái. Và như vậy, mức trần chỉ tiêu tăng trưởng sẽ mất đi ý nghĩa.
Minh Hằng