Hạ viện Mỹ ngày 13-6 vừa qua đã bỏ phiếu thông qua dự luật quyền đàm phán nhanh (TPA) với tỷ lệ 219 phiếu thuận trên 211 phiếu chống. Tuy nhiên, trước đó Hạ viện Mỹ cũng đã bác bỏ một dự luật quan trọng trong gói dự luật TPA là dự luật TAA (Hỗ trợ điều chỉnh thương mại) với tỷ lệ 302 phiếu chống so với 126 phiếu thuận, dù dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua từ ngày 23-5. Đây là một đòn giáng mạnh vào tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và được xem là một thất bại đối với cá nhân Tổng thống Barack Obama, bởi chính các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ cũng bỏ phiếu chống TAA với lý do TAA như dự thảo không đủ hỗ trợ người lao động Mỹ, cũng như phản đối đề xuất cắt giảm 700 triệu USD trong khoản ngân sách 2,6 tỉ USD tiền bảo hiểm y tế dành cho người cao tuổi (Medicare) để hỗ trợ cho chương trình của TAA.
Theo quy định, gói dự luật TPA chỉ có thể được đưa tổng thống ký thành luật nếu Hạ viện phê chuẩn cả dự luật TAA – dự luật nhằm hỗ trợ và đào tạo lại nhân công bị mất việc làm do ảnh hưởng của các thỏa thuận thương mại. Trong khi hầu hết nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ TPP thì phần lớn nghị sĩ Dân chủ lại phản đối hiệp định này do lo ngại Hiệp định TPP – một khu vực tự do thương mại chiếm tới 30% tổng kim ngạch thương mại và 40% sản lượng kinh tế toàn cầu – chỉ mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn Mỹ cũng lo ngại nhiều người lao động trong nước sẽ mất việc do các công ty Mỹ sẽ tìm nguồn nhân công giá rẻở nước ngoài.
Dù dự luật TAA không được thông qua nhưng gói dự luật TPA vẫn còn cơ hội khi đảng Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố sẽ tiến hành bỏ phiếu lại đối với TAA và hy vọng Tổng thống Barack Obama có thêm thời gian để thuyết phục các nghị sĩ Dân chủ. Nếu TAA được thông qua, Tổng thống Obama sẽ được trao quyền đàm phán nhanh. Nhưng nếu TAA thất bại, gói dự luật TPA sẽ được đẩy trở về Thượng viện để xem xét lại.
Được biết, TPA là công cụ cho phép Tổng thống Mỹ đệ trình lên Quốc hội nước này các thỏa thuận thương mại mà các nghị sĩ ở lưỡng viện chỉ có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ chứ hoàn toàn không có quyền sửa đổi. Dự luật này được xem là một điều kiện thiết yếu để có thể kết thúc đàm phán TPP, bởi các nước tham gia đều không muốn đưa ra những nhượng bộ đầy khó khăn để rồi sau đó lại bị Quốc hội Mỹ thay đổi.
Cùng với Mỹ, 11 nước khác tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. TPP vẫn đang đi đến những vòng đàm phán cuối cùng nhằm ký kết hiệp định.
P.V (DNSGCT)