Một nửa thời gian của quý IV đã trôi qua, dù chưa có những số liệu thống kê về doanh thu bán hàng mới của các doanh nghiệp, nhưng qua những gì đang diễn ra trên thị trường, có thể thấy rằng rất khó để có một sự gia tăng đột biến về doanh thu cho các doanh nghiệp dù đang là mùa mua sắm nói chung chứ không chỉ là dịp mua nhà bán đất. Nhưng ít ra, sự nhộn nhịp “tung hàng” của các doanh nghiệp địa ốc mùa cuối năm cũng đem lại cảm giác hy vọng, thay vì sự uể oải của thị trường vài ba năm qua…
Chưa hẳn đã thoát đáy
Trong chín tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản đã tăng 2,93% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu nhờ vào việc lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, các chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản đã và đang phát huy tác dụng, cùng với việc nới lỏng cho vay mua nhà của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, dù cho doanh số bán hàng trong quý cuối năm của các đơn vị kinh doanh bất động sản có tăng tốc vượt bậc thì tốc độ tăng trưởng của ngành kinh doanh này trong năm 2014 cũng khó bắt kịp mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Và nếu xem năm 2013 là “vùng đáy” khi giá cả sản phẩm địa ốc và hoạt động giao dịch đều ở mức thấp nhất, thị trường gần như đóng băng, thì có thể thấy khó khăn đang còn đeo bám các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Vậy nên, dù có lạc quan đi chăng nữa thì vẫn chưa nên khẳng định thị trường đã thoát đáy và đang tăng trưởng, mà chỉ nhìn nhận rằng thị trường còn loanh quanh ở vùng đáy và đang nỗ lực đi lên.
Trên thực tế, trong mấy tháng vừa qua, ở cả hai miền Nam – Bắc, khá nhiều dự án bất động sản đã được mở bán và sự sôi động này còn kéo dài đến cuối năm. Sẽ có thêm hàng chục ngàn căn hộ được chào bán, ở cả ba phân khúc cao cấp, trung bình và giá rẻ. Tuy nhiên, dù hoạt động bán hàng được quảng bá rầm rộ, tin nhắn bán nhà bán đất vẫn tiếp tục “khủng bố” các chủ thuê bao điện thoại, các hình thức khuyến mãi được các chủ đầu tư áp dụng đa dạng và linh hoạt, thì quyền chủ động vẫn đang thuộc về người mua. “Đi đâu mà vội mà vàng”, khi tín hiệu từ thị trường cho thấy chưa thể có một sự gia tăng giá cả do hàng hóa (sản phẩm căn hộ) khan hiếm, thì người mua vẫn có nhiều thời gian để tìm cho mình một sản phẩm ưng ý nhất, từ địa điểm, diện tích, giá cả cho đến phương thức thanh toán. Ở Hà Nội, thời gian qua đã xuất hiện những “chiêu” bán hàng của chủ đầu tư nhằm kích thích người mua phải nhanh chóng vào cuộc, chẳng hạn chỉ tung ít hàng để người muốn mua căn hộ phải bốc thăm quyền mua, tạo ra cảm giác khan hiếm nguồn cung. Tuy nhiên, trong thời đại dễ dàng kiểm chứng thông tin như hiện nay, những hình thức như vậy khó có thể tạo sóng lâu dài. Các doanh nghiệp bất động sản có lẽ vẫn phải bình tĩnh chờ cơ hội chín muồi, khi kinh tế tăng trưởng mạnh, thu nhập người dân cải thiện khiến cầu mua căn hộ tăng cao, giúp cung – cầu cân bằng hơn chứ không quá chênh lệch (cung nhiều hơn cầu) như hiện nay, thì mới có thể hy vọng vào sự đột phá.
Những dự cảm tốt đẹp
Có một thực tế là mặc dù sản phẩm địa ốc thực sự (căn hộ thương mại, đất nền, biệt thự…) của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa tạo ra cơn sốt mua bán mà chỉ mới có dấu hiệu khởi sắc, thì những dự cảm tốt đẹp về thị trường địa ốc lại hiển hiện. Trên thị trường chứng khoán, thời gian qua dòng tiền vẫn tìm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, không chỉ nhiều hơn bình thường mà còn trở thành dòng chủ lưu, thanh khoản vượt trội so với mã cổ phiếu của các ngành khác. Như trong tuần đầu tháng 11, những mã đứng đầu về thanh khoản hầu hết thuộc về dòng bất động sản, có thể kể: FLC, KBC, SCR, HAG, HAR, HQC, ITA… Không chỉ nhiều nhà đầu tư trong nước, cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng chọn cổ phiếu bất động sản để mua vào. Hẳn là phải có dự cảm về một tương lai tốt đẹp phía trước, người ta mới hào hứng như vậy.
Thêm một cơ sở nữa để dự báo về sự thoát đáy của thị trường bất động sản là sự tăng trưởng của ngành kinh doanh vật liệu xây dựng. Những năm trước, bất động sản đóng băng, ngành này cũng lao đao. Năm nay, tình hình đã có dấu hiệu chuyển biến. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng đã có mức tăng tiêu thụ khá tốt, đặc biệt là xi măng. Đây thực sự là một tín hiệu tích cực, sau ba năm liên tiếp xi măng tiêu thụ giảm cả về giá lẫn khối lượng. Do nhu cầu xây dựng tăng so với trước, những loại vật liệu xây dựng khác như sơn, tôn, đá, cát, kính xây dựng… cũng được tiêu thụ nhiều hơn. Nhờ sự gia tăng đáng kể của những dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án căn hộ thương mại, khu dân cư… của các doanh nghiệp bất động sản trên cả nước thời gian qua, ngành vật liệu xây dựng đã hưởng lợi. Có một thực tế là những năm trước đây, thời thị trường bùng nổ các dự án căn hộ, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước không được hưởng lợi nhiều bởi chủ các dự án căn hộ cao cấp chuộng sử dụng vật liệu cao cấp (đặc biệt là đồ nội thất) nhập từ nước ngoài. Còn hiện nay, đa số các dự án căn hộ đều sử dụng nguồn vật liệu xây dựng trong nước. Một mặt, do phân khúc căn hộ trung bình và giá rẻ thắng thế, các chủ dự án không cần phải dùng hàng cao cấp để giảm giá thành. Mặt khác, ngày càng có nhiều loại sản phẩm vật liệu xây dựng do doanh nghiệp trong nước sản xuất có chất lượng tốt, giá thành rẻ. Việc lựa chọn sử dụng những sản phẩm này giúp các doanh nghiệp bất động sản giảm được giá thành xây dựng, từ đó giảm giá bán, góp phần khuyến khích người mua trở lại, thanh khoản tăng lên trong thời gian qua. Rồi sự phục hồi của thị trường địa ốc lại tác động tích cực đến ngành sản xuất vật liệu xây dựng trong nước. Đó là chưa kể nhu cầu xây dựng nhà cửa trong khu vực dân cư cũng tăng lên, đặc biệt là trong những tháng cuối năm để chuẩn bị đón năm mới.
Một chuyên gia nước ngoài lĩnh vực này, ông Peter Ryder, Tổng giám đốc của Indochina Capital, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, cho rằng nếu xét về giá cả thì bất động sản của nước ta vẫn đang rất hấp dẫn. Chẳng hạn, một căn hộ tại Hà Nội có giá bán chưa bằng một phần mười một căn hộ tương đương tại Venice (Ý) hay Hongkong. Hay giá một căn biệt thự tại một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Việt Nam chỉ chưa bằng một phần năm giá bất động sản tương đương tại Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia). Phải chăng chính những dự cảm tốt này khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào sự tăng trưởng của thị trường bất động sản nước ta?
Dù mới chỉ là dự cảm hay đã xảy ra trên thực tế, cơ hội để cho thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh trở lại là có, vấn đề chỉ là “khi nào” mà thôi.
Phi Yến