Nhìn chung, qu trong chữ Quốc ngữ được dùng để ghi tổ hợp [âm đầu /k/ + âm đệm /w/]. Điều này là dễ hiểu: Trong chữ La tinh, âm /kw/ bao giờ cũng được thể hiện là qu (cf. qui /kwi/ vs. cui /ku.i/ “cái nào”); cách phát âm cổ này của tiếng Latin được lưu giữ trong tiếng Ý, và “chính từ tiếng Ý, cách đọc này được vay mượn để dùng ghi chữ Việt” (Haudricourt 1949).
Tuy nhiên, trường hợp chữ quốc (gia) trở thành vấn đề. Trên thực tế, quốc có 3 cách phát âm: (1) /ku#k5/ (phát âm như cuốc), ở các địa phương từ Nghệ An trở ra; (2) /kw#k5/ (phát âm như quức) từ Quảng Bình trở vào; và (3) /kw##k5/, (phát âm như quấc) ở Nam Bộ.
Như thế, trong ba cách phát âm chữ quốc, các cách đọc (2) và (3) có âm đệm /-w-/, nhưng âm chính (/#, ##/) không tròn môi; còn ở cách đọc (1) thì tuy âm chính (/u#/) có yếu tố đầu là tròn môi nhưng lại vắng mặt âm đệm. Nói cách khác, quốc là một trường hợp viết sai quy tắc chính tả hiện hành, đúng như M.B. Emeneau (1951: 30) đã chỉ ra cách đây gần 70 năm.
Nếu cho chữ Quốc ngữ bao giờ cũng dùng qu để biểu thị /kw/, thì âm trị của chữ quốc sẽ là /kwok5/ – tuy nhiên, cách phát âm này không hề tồn tại trong thực tế. Vả chăng, từ lâu giới Việt ngữ học đã biết một quy tắc kết âm học (phonotactics) của tiếng Việt là các âm môi không kết hợp được với nhau, do đó yếu tố thứ hai trong nguyên âm đôi được biểu thị bằng chữ Quốc ngữ uô (như trong cuốc) phải được giải thuyết như một yếu tố hàng giữa và không tròn môi [#] (xem Hoàng Dũng 2006-2007); quy tắc này còn có hiệu lực ở chỗ âm đệm /w/ vốn tròn môi, không thể phân bố trước các nguyên âm tròn môi (/u, o, # và u#/). Cho nên không thể có sự kết hợp /wo/ và trên thực tế, người Việt bình thường dù cố gắng cũng không đánh vần được âm tiết /kwok5/.
Để giải quyết vấn để phát âm chữ quốc mà vẫn thừa nhận trong trường hợp này âm trị của qu chính là /kw/, có tác giả (Lê Hữu Tỉnh & Trần Mạnh Hưởng 1999: 9-10) cho rằng: Lẽ ra quốc phải viết qu+uốc, nghĩa là âm đệm kết hợp với nguyên âm đôi dòng sau ([kwu#k5]), nhưng người ta lược bớt đi một kí tự u, do ở đây có hai kí tự u liền kề, y như trường hợp lược bớt một i trong giết, giễu, giếng (gi+iết, gi+iễu, gi+iếng). Đây là một kiến giải sai lầm, bất chấp thực tế phát âm và quy tắc kết âm học đã đề cập ở trên.
Thực ra, cách viết quốc có một lịch sử khá phức tạp. Ngay từ giữa thế kỷ XVII, trong Dictionarivm Annnamiticvm Lusitanvm, et Latinvm của Alexandre de Rhodes đã có thể bắt gặp quốc trong quốc công được ghi với 3 hình thức: co#ấc hay coấc hoặc cuốc (cột 135, 142) nhưng lại không có quốc, tuy quyển (sách) còn được ghi cuiển lẫn quiển (cột 141, 628); quyền: cuiền/quiền, 141; cuội: cuội/quội, 142…).
Trong các từ điển xưa, hình thức quốc xuất hiện đầu tiên là ở Dictionarium Anamitico–Latinum 1772, của Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine; và từ điển của Béhaine chỉ ghi nhận duy nhất hình thức này.
Cuốn Dictionarium Anamitico–Latinum, 1838, của J. L. Taberd, rồi Dictionnaire élémentaire annamite–fran#ais 1868 của Legrand de la Liraÿe lặp lại cách xử lý của Béhaine. Đến bản Dictionarium Anamitico–Latinum do J. S. Theurel hiệu đính 1877, quốc được ghi là cuốc và cả quốc, nhưng ở hình thức sau lại chú: “V. cuốc” (xem cuốc), tức là cho cuốc mới là cách viết chuẩn mực, nghĩa là trở lại thời kỳ A. de Rhodes. Đáng chú ý là trong Dictionnaire annamite–fran#ais (Tự vị An Nam–Pha Lang Sa) của J. M. J. xuất bản cùng năm với từ điển Theurel, tác giả vẫn giữ cách xử lý như của Béhaine và Taberd.
Đến năm 1895, 1896, từ điển của Huình Tịnh Paulus Của không ghi nhận cuốc, nhưng bên cạnh quốc, lần đầu tiên có quấc và ở hình thức sau ông ghi “Coi chữ quốc”. Tuy thế hình thức quấc lại xuất hiện ngay trong tên cuốn từ điển: Đại Nam quấc âm tự vị.
2 năm sau, Dictionnaire annamite-fran#ais 1898 của M. Génibrel ghi cả 3 hình thức: quấc, quốc và cuốc; hình thức cuối được chú là “V. quốc” (xem cuốc). Sau đó một năm, ở Từ điển Việt Pháp (Dictionnaire annamite–fran#ais) 1899 của J. Bonet, dạng cuốc đã biến mất, chỉ còn quốc và quấc, nhưng ở quấc, tác giả cũng ghi “voir quốc” (xem quốc).
Ngược lại, ở Petit dictionnaire fran#ais–annamite của P.-G. Vallot 1901, chỉ có cuốc, chứ không có bất cứ hình thức nào khác. Tuy thế, năm 1908, trong Petit lexique annamite–fran#ais, Al. Pilon không dành cho quốc một mục riêng nhưng lại ghi nhận “cuốc (quốc)”.
Kể từ Dictionnaire annamite–latin (1928) của A. C., quốc nghiễm nhiên được các từ điển cho là chuẩn mực; các hình thức khác không còn được ghi nhận nữa trong bất kỳ cuốn từ điển nào.
Như vậy, chữ Quốc ngữ phải mất đến gần 400 năm mới đi đến chấp nhận quốc như một dạng chuẩn mực sau khi đã trải qua một quá trình phân vân giữa ba dạng quốc, cuốc và quấc, trong đó chỉ có hai dạng sau mới phản ánh cách phát âm trên thực tế.
Tại sao quốc là một cách viết sai chính tả mà lại được sử dụng như một cách viết đúng chính tả?
Thứ nhất, quốc ghi là cuốc thì đồng tự (homograph) với (cái) cuốc hay (chim) cuốc; ghi là quấc thì đồng tự với (chim) quấc (= cuốc), theo cách viết của miền Nam (xem Việt–Nam tự–điển của Lê Văn Đức, 1970). Đối với người Việt, quốc “nước” là thiêng liêng, khó lòng chấp nhận một sự đồng tự như thế.
Thứ hai, nếu theo đúng nguyên tắc chữ viết phải phản ánh chính xác ngữ âm, thì phải chấp nhận cả hai cách viết cuốc và quấc (kể cả quức). Và khi đã chọn cuốc, thì người miền Trung và miền Nam buộc phải từ bỏ cách đọc /kw##k5/ hay /kw#k5/; chọn quấc, thì ngược lại, buộc người miền Bắc không được phát âm là /ku#k5/ nữa – cưỡng bách từ bỏ một cách phát âm cố hữu là việc không thể thực hiện được. Trong trường hợp này, quốc là sự lựa chọn tối ưu: thống nhất trên cách viết và tùy chọn về cách đọc.
***
Như thế, quốc là một biệt lệ, vượt ra khỏi khuôn khổ của phương pháp đọc âm (phonics method) – đánh vần dựa vào ngữ âm học – khởi đầu từ Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới của Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Hy Trác trong Hội Truyền bá Quốc ngữ vào cuối những năm 30 của thế kỷ trước. Như trên đã chứng minh, không thể dựa vào quy tắc ngữ âm để đánh vần đúng chữ quốc được. Ở đây, cách tốt nhất là không đánh vần, nhìn vào và đọc ngay (“Look-Say” method), hay nói cách khác là đọc trơn (whole-word reading method) – ba chỉ là “ba”, chứ không phải là “bờ a ba”.
Trường hợp quốc gợi cho ta một vấn đề lớn: dạy đọc tiếng Việt nói chung thì nên theo cách đọc âm hay đọc trơn?
Đọc trơn hay đọc âm là chuyện tranh cãi dữ dội ở phương Tây, thậm chí được gọi là “cuộc chiến tranh về cách đọc” (“reading wars”, xem Goodman 2005). Ở châu Âu trong ít nhất 3.000 năm người ta dạy đánh vần bằng cách gọi tên con chữ (alphabetic method) – phương pháp đọc chữ – kiểu ba là “bê a ba”. Năm 1527 nhà ngôn ngữ học người Đức Valentin Ickelsamer trong công trình Die rechte weis aufs kuerzist lesen zu lernen (“Cách đúng đắn để học đọc nhanh nhất”) làm một cuộc cách mạng: dạy đọc bằng phương pháp đọc âm, kiểu ba là “bờ a ba” (xem Coulmas & Ehlich 1983: 212-213). Non một thế kỷ sau, năm 1614 xuất hiện phương pháp đọc trơn của Eilhard Lubinus, cũng người Đức, trình bày trong lời tựa bản in Tân Ước (xem Davis 1974 và Mitford 1966). Năm 1885, trong công trình Manual of School Method, T. C. Farnie cho rằng cần kết hợp cả 3: đọc chữ, đọc âm lẫn đọc trơn (xem Thompson, 1997). Tuy thế, phương pháp đọc chữ vẫn thống trị cho đến nửa sau của thế kỷ 19, rồi mới nhường chỗ cho phương pháp đọc âm. Sau bài báo “Reading: A Psycholinguistic Guessing Game” (1967) của Goodman, phương pháp đọc trơn dần dần trở lại và từ cuối những năm 1980 đến những năm 1990, chiếm vai trò chủ đạo ở Mỹ và nhiều quốc gia khác. Nhưng trận chiến giữa phương pháp đọc trơn và phương pháp đọc âm không những không kết thúc mà còn diễn ra gay gắt hơn, để ra đời phương pháp học cân bằng (balanced literacy), kết hợp cả đọc âm và đọc trơn, ngày càng được nhiều người tán đồng.
Ở Việt Nam chưa hề có công trình nào nghiên cứu so sánh phương pháp đọc âm và đọc trơn cả. Giới hạn của đọc trơn cũng như đọc âm trong tiếng Việt là đến đâu? Trong trường hợp nào thì cần kết hợp cả hai phương pháp? Một chuyện kéo dài mấy thế kỷ, tác động đến hàng triệu con em của chúng ta, thì không lý do gì mà giới nghiên cứu giáo dục không ai để tâm cả.
Vấn đề thì có, mà nghiên cứu thì không. Trước nay, chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành rất chặt chẽ, đã bắt đánh vần thì giáo viên nào cũng phải tuân theo. Nhưng trong chương trình mới sắp được áp dụng, người ta đặt ra mục tiêu về năng lực, chứ không bó buộc về phương pháp. Khi đó, thầy cô giáo, nhà soạn sách giáo khoa muốn đánh vần theo cách nào hay không đánh vần đều được phép, miễn là đạt yêu cầu mà chương trình đề ra. Và những ai xem đây là một đề tài tử tế để nghiên cứu, đối chiếu, đưa ra kết luận, sẽ có điều kiện để thực hiện.