Ông N.Đ.N. (sinh năm 1955, ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM) đã phải nhập viện nhiều lần vì suy thận cấp. Đã vậy, ông còn mắc tiền căn đái tháo đường, huyết áp cao, suy tuyến thượng thận mạn và bệnh mạch vành. Với nhiều căn bệnh như vậy, bênh nhân đã được xếp vào cơ địa suy giảm miễn dịch, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nặng.
Ngày 25-6, bệnh nhân đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn trong tình trạng buồn nôn, đau bụng và ăn kém bất thường. Đánh giá có dấu hiệu nhiễm trùng nhưng bác sĩ không tìm thấy ổ trùng ở những nơi thường thấy. Trước tình trạng cơ địa suy giảm miễn dịch và dấu hiệu lặp lại của các triệu chứng, BS. Nguyễn Ngọc Huy – Trưởng khoa Hồi sức của bệnh viện đã phân tích và cho rằng có thể do một bệnh lý khác gây ra.
Qua địa dư, tần suất tái phát nhiễm trùng, tình trạng ổ nhiễm trùng lúc thấy lúc không, tiền căn mắc nhiều bệnh phối hợp và bệnh nhân thường xuyên sử dụng corticoid để điều trị suy tuyến thượng thận mạn, bác sĩ nhận định đây là một ca đặc biệt thuộc vào một nhóm bệnh hồi sức ít phổ biến và cần phải loại trừ bệnh nhiễm giun lươn, nếu có. Các bước xét nghiệm được tiến hành, kết quả cho thấy đúng là bệnh nhân đã nhiễm giun lươn. Sau năm ngày được sử dụng thuốc đặc trị, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng. Cụ thể là ăn ngon hơn, triệu chứng nguy kịch giảm nhanh. Bệnh nhân được đề xuất điều trị thêm bốn tuần để loại bỏ hoàn toàn giun lươn khỏi cơ thể và giúp tránh nguy cơ tái nhiễm.
Giun lươn là loại bệnh truyền nhiễm qua đường da, phát triển mạnh trong môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy để phòng bệnh, chúng ta cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, vệ sinh cơ thể thường xuyên và ăn các loại thực phẩm dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.