Trong số báo trước, DNSGCT đã đề cập việc có nên chọn trường đại học dựa vào danh tiếng xếp hạng hay không. Kỳ này, xin được cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích để các bậc phụ huynh cũng như các bạn học sinh tránh sai lầm trong quá trình chọn trường.
“Khoanh vùng” chọn trường, ngành học
Ngành học cần được xác định từ khi làm hồ sơ xin học (dù sau này, sinh viên có thể đổi ngành học tùy theo sở thích của mình). Khi đã “khoanh vùng” ngành học, bước kế tiếp là chọn quốc gia có ngành học mình mong muốn đăng ký vào. Ở bước xác định này, chúng ta cần hiểu rõ vị trí địa lý, khí hậu, đặc điểm dân cư… Chẳng hạn, ở một đất nước rộng lớn như Hoa Kỳ, giữa hai miền Đông – Tây thời tiết khác nhau nhiều. Miền Tây gồm các bang như California, Oregon, Washington có khí hậu quanh năm mát. Miền Ðông Bắc bao gồm các bang như Massachusetts, Connecticut, New York… có bốn mùa, khí hậu mùa đông khắc nghiệt, trời rất lạnh, tuyết đổ dày. Miền Trung Tây gồm các bang như Illinois, Michigan, Missouri… có khí hậu hơi giống miền Ðông Bắc. Miền Nam gồm các bang như Texas, Georgia, Florida… có khí hậu nóng.
Đối với nước Úc, khoảng một phần ba quốc gia này thuộc khí hậu nhiệt đới (miền Bắc), hai phần ba còn lại có khí hậu ôn đới (miềnNam). Khu vực có khí hậu lạnh nhất nằm ở góc đông nam vùng đất liền vàTasmania.
Một vấn đề nữa khiến nhiều phụ huynh học sinh “đau đầu” là làm sao biết được trường đại học nào phù hợp với con em mình, đặc biệt đối với những quốc gia có hàng trăm, hàng ngàn trường đại học, cao đẳng. Anh Hùng Sơn, Q. Bình Thạnh chia sẻ kinh nghiệm của hai cha con anh trong việc tìm một trường đại học ưng ý: “Trước tiên, bạn cần lên một danh sách có từ 10 đến 15 trường đại học thích hợp để gởi đơn nhập học. Tôi chọn năm trường ở những bang có tiếng như California, Washington, Florida… Phần lớn trường còn lại nằm ở những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh để tăng khả năng nhận học bổng, vì con mình không phải dạng xuất sắc. Trong đó, 1/4 là trường công với học phí thấp, 2/4 là trường tư “vừa phải với túi tiền”, 1/4 trường tư học phí thấp”. Còn đối với Đặng Trọng Trình, cựu du học sinh Pháp, anh quyết tâm ngay từ đầu chỉ chọn trường công lập, vì trường công lập được sự hỗ trợ của chính phủ nên sinh viên chỉ đóng 180 euro/năm. Trong khi đó, học phí các trường tư có mức giá khác nhau, từ 2.000-3.000 euro/năm.
Tùy theo vị trí địa lý (đô thị, nông thôn), số lượng sinh viên có thể dao động rất lớn, từ vài trăm lên đến hàng chục ngàn. Nếu sinh viên thích sự náo nhiệt, hối hả, nên chọn khu vực trường trung tâm có mức học phí tương đối cao; ngược lại, nếu phù hợp với môi trường yên bình, có đồi núi, đồng ruộng, nông trại gần trường, bạn có thể chọn trường ở vùng sâu, vùng xa.
“Bến đục” hay “bến trong”?
Hoa Kỳ có hơn 4.000 trường đại học, cao đẳng, trong đó có một số trường hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận, nên ngay chính Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ cũng khuyên rằng trước khi quyết định chọn một trường đại học nào, phụ huynh, học sinh nên tìm hiểu kỹ việc cấp phép và công nhận các bằng cấp của các trường. “Việc cấp phép giúp bảo đảm rằng một trường học có chất lượng cao và bạn sẽ nhận được các chương trình và dịch vụ theo như những gì trường đó mô tả trong các tài liệu quảng cáo. Việc biết được trường mà bạn muốn đăng ký có được cấp phép hay không là điều quan trọng, các trung tâm tư vấn giáo dục Mỹ có thể tư vấn cho bạn bằng cấp của một trường, một học viện nào đó của Mỹ có được công nhận hợp lệ hay không.
Kế tiếp, hãy nhìn xa trông rộng về một chuyên ngành ở lĩnh vực nghiên cứu mà bạn có kế hoạch muốn học chuyên sâu. Điều này cũng giúp bạn xác định được mục tiêu về bằng cấp, nên bạn cần phải xác định xem các trường đại học nào có giảng dạy lĩnh vực đó. Hầu hết các sách hướng dẫn của các trường đại học đều liệt kê tên các trường dựa theo những chuyên ngành thông dụng nhất được theo học.
Song song đó, bạn cần xác định trọng tâm học tập, kiểm tra xem trường đại học mình chọn có trọng tâm là tập trung nghiên cứu, giáo dục chuyên nghiệp hay các môn nghệ thuật tự do. Các sinh viên đại học hay sinh viên sau đại học chiếm đa số trong trường? Theo Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ, các trường nghệ thuật tự do nhấn mạnh việc giảng dạy và tương tác giữa giảng viên – sinh viên hơn là nghiên cứu, vì thế tỷ lệ giảng viên – sinh viên khá thấp. Một vài trường chú trọng vào việc nghiên cứu thì các sinh viên sau đại học chiếm số đông, nhưng cơ sở vật chất ở những trường này thường có kỹ thuật hiện đại và các giáo sư nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, ở một số trường này, các lớp năm nhất và năm hai có thể được các trợ giảng (chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp) giảng dạy thay vì các giáo sư.
Nếu học sinh quốc tế đã học trung học ở Mỹ, có thể hỏi tín chỉ nào ở bậc trung học có liên thông ở bậc đại học. Nếu được chấp nhận một số tín chỉ, các em không phải đăng ký học toàn bộ bốn năm, việc học tại Mỹ có thể được rút ngắn lại.
Ngoài ra, các bạn cần phải tìm hiểu xem tỷ lệ giữa sinh viên và giáo viên như thế nào. Nếu như ở các trường đại học lớn, sinh viên năm nhất và năm hai thường được các sinh viên đã tốt nghiệp giảng dạy hơn là các giáo sư, thì tại trường cao đẳng, đại học có quy mô nhỏ, sinh viên sẽ được giáo sư đứng lớp nhiều hơn.
Cân nhắc tài chính cho việc học rất quan trọng, bao gồm học phí và sinh hoạt phí trong toàn bộ bốn năm học cũng như khả năng tăng học phí hằng năm, thời gian đóng học phí…
Cuối cùng là chỗ ở (ký túc xá hay căn hộ ngoài trường) và dịch vụ cho sinh viên có tốt hay không. Một số trường bắt buộc sinh viên năm nhất, năm hai sống ở ký túc xá trường, giúp các bạn hòa nhập vào cuộc sống đại học ở Mỹ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Những trường đại học sẽ có thêm “điểm cộng” trong mắt phụ huynh, học sinh, nếu trường cung cấp cho sinh viên nhiều dịch vụ như tư vấn cho sinh viên quốc tế, chương trình hướng dẫn khi mới vào trường, dịch vụ tư vấn, dịch vụ hỗ trợ pháp luật, văn phòng nhà ở, phòng thực tập viết, tư vấn hướng nghiệp…
Các điều kiện nhập học của các trường cũng rất khác nhau. Các trường đại học tư thục có sự chọn lọc cao trong khi những trường cao đẳng cộng đồng có thể nhận hết các ứng viên đáp ứng được tiêu chuẩn nhập học. Phụ huynh, học sinh có thể xem phần thống kê số lượng người nộp đơn và số lượng sinh viên được nhận vào của năm trước, cùng với điểm thi đánh giá khả năng học tập (Scholastic Assessment Test SAT), điểm thi trắc nghiệm vào đại học Mỹ (American College Testing ACT) và điểm trung bình của tất cả các môn (Grade Point Average GPA) của các sinh viên được chấp nhận ở năm học trước tại website của trường hay sách hướng dẫn nhập học. Ban tuyển sinh thường xét tuyển sinh viên dựa vào nhiều khía cạnh: các bài luận, giải thưởng, sự tham gia cộng đồng và kinh nghiệm làm việc, sở thích và tài năng đặc biệt…
Có nhiều du học sinh ví von, chọn được trường đại học phù hợp khó như tìm bạn… trăm năm, bởi ngành học sẽ gắn bó với công việc, thu nhập, tương lai, hạnh phúc sau này của mỗi người. Nếu không tỉnh táo, tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, bị lòe mắt bởi quảng cáo tuyển sinh sẽ khiến người học rơi vào “bến đục”. Vì vậy, việc chọn trường tuy khó mà lại dễ. Dễ đối với những trường hợp bỏ ra ít nhất một năm để tìm hiểu về “người bạn” mình muốn kết giao, có kế hoạch, chiến lược “chinh phục” bạn mình, tìm được trung tâm tư vấn uy tín, chịu khó lục lọi trên internet…
Chương Vũ
• Các bước nộp đơn trực tiếp trên mạng: College -> Admission -> Undergraduate -> Apply -> Online Application.
• Thời hạn nộp đơn nhập học cho sinh viên quốc tế của các trường là tháng 12 – tháng 3 cho mùa thu và tháng 9 cho mùa xuân. Tùy theo trường sẽ có lịch nộp đơn khác nhau.
• Khi làm đơn, đánh dấu trong phần Financial Aid & Scholarship để xin học bổng nếu có.
• Phần lớn các trường tại Mỹ học theo học kỳ; học kỳ mùa thu bắt đầu vào đầu tháng 9 và học kỳ mùa xuân bắt đầu vào cuối tháng 1; mỗi học kỳ kéo dài bốn tháng. Sinh viên đăng ký trên 12 tín chỉ (credit) thì gọi là học toàn phần; dưới 12 tín chỉ là học bán phần.
(Nguồn: Trung tâm Giáo dục Hoa Kỳ