Đêm 14-2, sinh nhật lần thứ 7 của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, khán phòng hơn 400 ghế kín người. Khán giả của Hoàng Thái Thanh thật lạ! Bình thường, họ có thể bận việc này việc kia nhưng vào dịp sinh nhật sân khấu thì dành thời gian để đến với không gian thưởng thức nghệ thuật của mình, như một nơi thân thuộc để quay về trong những ngày đặc biệt. Đêm ấy, khán giả và nghệ sĩ trao đổi, thể hiện tình cảm với nhau thật chân tình. Trong hành trình đầy khó nhọc của mình, không thiếu những lúc các thuyền trưởng chạnh lòng khi lèo lái con thuyền nghệ thuật vì có suất diễn chưa tới 100 ghế nhưng những đêm như đêm sinh nhật làm cho các nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc và như được tiếp thêm năng lượng. Còn về phần khán giả, nếu ai đã chán những bữa tiệc thảm đỏ rình rang, chán những nơi làm nghệ thuật ồn ào thì sẽ tìm thấy sự đầm ấm, nhẹ nhàng ở sân khấu này, cả ở người làm và người thưởng thức nghệ thuật. Xong phần lễ là phần trình diễn vở kịch Mơ trăng bóng nước – vở mới nhất của Hoàng Thái Thanh.
Kịch bản Mơ trăng bóng nước được tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc và Hoàng Thái Thanh cảm tác từ truyện ngắn Tình lơ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Thêm một câu chuyện tình của những con người dân quê miền Tây Nam bộ được Hoàng Thái Thanh đem lên sân khấu. Mơ trăng bóng nước kể về chuyện anh chàng Lược (Quý Bình) thương nhớ một cô gái tình cờ gặp trong lúc xem phim nên nhờ bà Đơn mai mối. Lược mừng vì tưởng cưới được người thương, ai dè hỏi cưới nhầm người. Ai mà ngờ cô gái tóc dài mà anh tả cho bà mai là cô em, còn “cô gái tóc dài” anh muốn cưới vì mê Việt Trinh đã “kịp thời” cắt tóc ngắn. Lược sống với cô em tên Gương (Lê Thúy) nhưng chẳng thỏa “lòng gương ý lược”, cho đến ngày vợ giận bỏ về nhà mình thì anh mới vỡ lẽ. Lược nghĩ tình yêu mình dành cho Sáu Giá là vĩnh viễn nhưng hóa ra hình ảnh cô gái ấy như ánh trăng in bóng xuống nước, chỉ cần một cơn gió mạnh là đã tan biến. Chỉ tiếc là tình tiết của cảnh đầu được dựng khá nhanh khiến khán giả thấy khó tin được chuyện tương tư của Lược. Bên cạnh mạch chuyện của vợ chồng dì Bảy Gương, thì các cặp nhân vật bà Đơn (Ái Như) và ông Hai Nhiễu (Thành Hội), Sáu Giá (Tuyết Mai) và Ngọ (Huy Tưởng), Dương (Thế Hải) và Lành (Hoàng Kim) đều kể câu chuyện tình dễ thương của mình, vừa vui nhộn vừa cảm động. Nhưng đâu chỉ có tình yêu mà còn là sự rộng lượng và cảm thông. Bà Đơn và ông Hai Nhiễu tình ý đã rõ ràng nhưng vì tình yêu của hai đứa con mà… nhường đường cho chúng. Anh Ngọ chồng Sáu Giá tưởng chừng khờ khạo nhưng hóa ra rất hiểu tình cảm và tâm trạng của cậu em cột chèo mà thông cảm ý tứ, không một chút ghen tuông.
Trong Tình lơ, qua lời kể của đứa con gái thì chỉ xuất hiện các nhân vật hai chị em sinh đôi và người đàn ông si tình, còn trong Mơ trăng bóng nước, các tác giả đã thêm nhiều nhân vật cùng với các tình huống khác để câu chuyện diễn ra trong ba tiếng đồng hồ được đầy đặn. Cô Gương trong kịch và dì Bảy trong truyện là hai hình ảnh vừa giống lại vừa khác, một khắc khoải chờ chồng xoay chuyển tình cảm – một tự “vùng lên” để thay đổi hoàn cảnh của mình, nhân vật nào cũng hay. Không làm cho người xem day dứt như truyện, Mơ trăng bóng nước kết thúc có hậu với các tình tiết nhẹ nhàng, dễ giải quyết vì các nhân vật đều mở lòng mình trong mọi sự việc. Đạo diễn Thành Hội đã rất khéo léo xử lý cân đối đan xen giữa các mảng miếng gây cười và những tình huống căng thẳng khiến cho khán giả vừa lặng xuống chưa bao lâu lại ồ lên cười. Các miếng hài trong vở kịch được “quăng” ra hết sức có duyên, như đoạn bà mẹ Lược – một người lúc nào cũng nói về vai vế – bắt bà Đơn kể chuyện bí mật thì bà Đơn kể chuyện một bà già té sông nhưng không ai cứu mặc dù trên bờ có rất nhiều người vì lý do là không có ai xứng vai vế với bà để nhảy xuống cứu hoặc mỗi lần Quý Bình buông câu thoại: “Trên đời này tui ghét nhứt hai người, một là con mẹ Việt Trinh, hai là bà Đơn” là khán giả không nhịn được cười. Cảnh trí trong vở kịch giản dị, không nhiều ước lệ. Lời thoại của các nhân vật rất đời. Nghệ sĩ Ái Như quá duyên trong vai bà Đơn. Chị không cần lên gân, cứ thả những miếng hài nhẹ như không mà khán giả phì cười hết cỡ. So với nghệ sĩ Thành Hội thì vai ông Hai Nhiễu không có gì đáng nói vì nó phù hợp và chẳng có gì khó so với anh. Quý Bình có sở trường trong việc thể hiện tình cảm lãng mạn, dù Lược chưa yêu Gương nhưng khán giả vẫn không thấy quá cộc cằn mà thay vào đó là những khoảnh khắc ánh mắt anh nhìn Gương ánh lên tình cảm nên khán giả thấy thuyết phục với tình tiết khi vợ bỏ đi anh hoảng hồn nhận ra mình yêu cô tự lúc nào. Lê Thúy lần đầu tiên diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng đã phối hợp tốt với bạn diễn.
- Lâm Hạnh, Ảnh HTT