Bỏ qua yếu tố mùa vụ, mức tăng trưởng “có mà như không” ấy cho thấy các ngân hàng thương mại đang khá bế tắc trong việc giải ngân nguồn vốn. Đã giảm lãi suất huy động dưới cả mức trần (6%/năm) rồi mà dòng tiền tiết kiệm vẫn đổ vào, nên các ngân hàng cũng không cần đến nguồn vốn rẻ mà Ngân hàng Nhà nước tung ra qua kênh thị trường mở. Đã ba tuần liên tục, các ngân hàng thương mại không tham gia đấu thầu trên thị trường mở dù mức lãi suất chào thầu chỉ 5%/năm. Ở chiều ngược lại, do thanh khoản dồi dào nên các ngân hàng rất tích cực mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước. “Mặt hàng” này thời gian qua đã trở thành một kênh đầu tư ngắn hạn hấp dẫn của các ngân hàng. Mỗi tuần, Ngân hàng Nhà nước phải hút ròng từ các ngân hàng thương mại hàng chục ngàn tỉ đồng, khiến cho khối lượng tín phiếu phát hành trong quý I đã lên đến 244.804 tỉ đồng, khối lượng tín phiếu đang lưu thông là 173.804 tỉ đồng. Với khối lượng dư nợ tín phiếu ở mức cao nhất trong lịch sử cộng với kỳ hạn phát hành trong quý I đều là những kỳ hạn ngắn (28 và 91 ngày), trong quý II này toàn bộ dư nợ tín phiếu sẽ đáo hạn, chắc chắn ảnh hưởng lớn lên việc điều tiết lượng cung tiền lưu thông trên thị trường của Ngân hàng Nhà nước. Chưa kể việc phải trả lãi cho lượng tín phiếu này, lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi tháng… Chỉ khi hoạt động cung cấp tín dụng của các ngân hàng hồi phục, dòng vốn được khơi thông, dự báo là vào giữa quý II, thì kênh tín phiếu mới bớt hấp dẫn, áp lực điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước mới giảm bớt.
Tăng trưởng tín dụng không cao có nguyên nhân chính là sức cầu yếu của nền kinh tế. Cả hai khu vực đầu tư công và tư nhân đều có những khó khăn trong việc thúc đẩy lực cầu, dù nguyên nhân có khác nhau. Khu vực công, cụ thể là các dự án đầu tư công với nguồn tiền phát hành trái phiếu chính phủ dồi dào đang gặp khó vì tốc độ giải ngân quá chậm. Còn khu vực tư, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng động và dễ dàng hấp thụ đồng vốn, thì gặp phải khó khăn trong việc vay vốn. Tất nhiên, rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ không có nhu cầu vay vốn do chưa tìm thấy cơ hội kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ đang khát vốn, đặc biệt là dòng vốn trung và dài hạn. Những doanh nghiệp này chưa thể phát hành trái phiếu cũng như cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhưng vẫn có nhu cầu vốn dài hạn để đầu tư vào máy móc, thiết bị, nhà xưởng cho hoạt động sản xuất, gia công… Bởi thế, họ phải tìm đến ngân hàng trong khi biết rằng mình không phải là đối tượng được các ngân hàng ưu ái. Thứ nhất, là vì nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi nhu cầu vay của doanh nghiệp chủ yếu là dài hạn. Dù thời gian qua nhiều người gửi tiền chuyển từ kỳ hạn ngắn sang kỳ dài hạn để hưởng lãi suất cao, nhưng đa số vẫn dưới 12 tháng, trong khi các ngân hàng được quy định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn chỉ là 30% mà thôi. Thứ hai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn, bao gồm tài sản thế chấp và phương án kinh doanh, trả lãi và gốc… Giải quyết được những rào cản này, nguồn vốn của các ngân hàng mới tìm đến đúng nơi cần, là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ khi cả hai khu vực công và tư đều có những chuyển biến tích cực, thì cầu về sản xuất, tiêu dùng lẫn tín dụng mới thực sự khởi sắc.
Minh Hằng