Sau sáu tháng đầu năm 2014, những số liệu thống kê cho thấy thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi tốt, với mức tăng khoảng 28%/năm, trong khi tỷ suất sinh lợi từ các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, đầu tư vàng hay mua trái phiếu chính phủ đều có xu hướng sụt giảm, chỉ dưới 6%/năm. So với thời điểm cuối năm 2013, cung tiền tính đến hết tháng 6-2014 tăng 7,29% trong khi tín dụng chỉ tăng 3,52%, điều này cho thấy dòng tiền không chảy hết vào kênh sản xuất kinh doanh. Lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ ngày càng giảm (đã về mức thấp kỷ lục là 5,37%/năm), cán cân thương mại hàng hóa sáu tháng đầu năm đạt mức thặng dư gần 1,51 tỉ USD, giúp cung ngoại tệ tăng và tỷ giá vẫn được duy trì dù Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 1% giá trị đồng Việt Nam vào ngày 19-6. Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng khoảng 6.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán. Tất cả cho thấy chứng khoán vẫn đang là một điểm đến ưa thích của dòng tiền, không chỉ từ trong nước mà cả nước ngoài, điều đó giúp thị trường tiếp tục thể hiện xu hướng đi lên trong dài hạn.
Việc hàng loạt các cổ phiếu mới lên sàn (như SKG của Công ty cổ phần tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang, và MWG của Công ty cổ phần Thế Giới Di Động) lập tức có những phiên tăng điểm mạnh mẽ cũng là một trong những thông tin được chú ý tuần qua. Tuy nhiên, do lượng cổ phiếu giao dịch của những mã này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành, nên cần thêm thời gian để nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác. Chỉ khi các cổ phiếu này được giao dịch với một khối lượng ổn định thì các chỉ số liên quan mới trở nên rõ ràng. Nhà đầu tư hiện tại vẫn tập trung vào các mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý II tương đối khả quan thuộc các ngành như cao su chế biến (CSM, SRC…), bất động sản tầm trung (FLC, HQC…) hay dầu khí (PVX, PVS, PVC…), khiến các mã cổ phiếu thuộc những nhóm ngành này có khối lượng giao dịch gia tăng mạnh. Ngoài ra, thông tin về việc Trung Quốc tiến hành rút giàn khoan cũng là một yếu tố hỗ trợ mạnh tuần qua. Cả năm phiên trong tuần, HoSE đều tăng điểm, trong đó có phiên tăng điểm bứt phá vào cuối tuần (VN-Index, HNX-Index và VN30 đều tăng điểm, lần lượt là 5,89 điểm, 0,3 điểm và 9,22 điểm). Dòng tiền vẫn đổ mạnh vào các cổ phiếu dẫn dắt thị trường như VNM, FPT, PVD, tuy nhiên các cổ phiếu đầu cơ cũng tăng giá theo với khối lượng giao dịch lớn, giúp thanh khoản của thị trường duy trì ở mức cao.
Như đã phân tích, cho dù thông tin về Biển Đông trước đó đã trở nên quen thuộc với thị trường sau giai đoạn hoảng loạn đầu tháng 5, việc Trung Quốc rút giàn khoan vẫn có tính hỗ trợ cho thị trường khá lớn. Ngoài ra, dù vấn đề nới room bắt đầu bị trì hoãn và việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra khá chậm, các khoản lợi nhuận kinh doanh quý II của các doanh nghiệp đã phản ánh hết vào mặt bằng giá… thì sự chuyển dịch dòng tiền vẫn đang giúp thị trường chứng khoán ổn định đà tăng trưởng. Dĩ nhiên, đi kèm theo đó có thể có những phiên điều chỉnh nhưng khó có khả năng thị trường trồi sụt mạnh như hai tháng vừa qua. Chính vì vậy đây là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn chọn những cổ phiếu ưng ý vào danh mục đầu tư. Không những vậy, các nhà đầu tư lướt sóng cũng có thể tìm kiếm những cơ hội mua – bán phù hợp với chiến lược của mình.
Điểm khiến cho nhiều người không tin vào một sự đột biến của dòng tiền trong thời gian tới đến từ diễn biến giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài. Trên HoSE tuần qua tiếp tục là những phiên mua – bán thận trọng và không có đột biến của nhóm này, với hai phiên mua ròng và ba phiên bán ròng. Nhóm cổ phiếu được khối ngoại giao dịch mạnh nhất vẫn là các cổ phiếu blue-chip, nhưng không tập trung vào một mã nào mà khá dàn trải. Chính vì vậy, không loại trừ khả năng thị trường sẽ chịu áp lực bán mạnh trong vài phiên tới. Những xung lực tăng điểm trong ngắn hạn có dấu hiệu suy yếu khiến cho mức độ rủi ro bắt đầu gia tăng.
Phiên giao dịch đầu tuần (21-7) thể hiện rõ nhận định này. Việc VN-Index tăng 4,78 điểm (lên 601,04 điểm) không làm người ta quên đi thực tế là đã có hiện tượng chốt lời, bán ra trên diện rộng. Điều này khiến cho thanh khoản của thị trường không cao, với 111,55 triệu đơn vị được giao dịch, trị giá 1.988,61 tỉ đồng. Chỉ có 79 cổ phiếu tăng giá trong khi có đến 155 cổ phiếu giảm giá, còn 70 cổ phiếu đứng giá. Chính vì sự “xanh vỏ đỏ lòng” này mà dù VN-Index đã vượt ngưỡng 600 điểm thành công, nhiều người vẫn tin rằng thị trường sẽ vào vùng điều chỉnh, dù có thể không mạnh.
Thành Huân