So với thời điểm cuối năm ngoái, mặt bằng lãi suất tiền đồng vẫn tiếp tục giảm, lãi suất huy động giảm 0,5 – 1%/năm, lãi suất cho vay còn giảm nhiều hơn, 1 – 2%/năm tùy vào đối tượng. Hiện nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại kỳ hạn từ 1-6 tháng khoảng 5,5 – 5,7%/năm, 6-12 tháng là 6 – 7,5%/năm và trên 12 tháng là 7,5 – 8,3%/năm. Như vậy, thị trường tiền tệ đã hình thành đường cong lãi suất đúng như lý thuyết, đó là lãi suất tiết kiệm thấp ở các kỳ hạn ngắn và khi kỳ hạn càng dài, rủi ro càng cao thì lãi suất càng hấp dẫn. Người gửi tiền kỳ hạn dài với rủi ro cao sẽ được hưởng lãi suất cao và ngược lại. Việc thiết lập được đường cong lãi suất giúp cho các ngân hàng thương mại giảm được rủi ro thanh khoản. Cộng thêm với mặt bằng lãi suất ổn định, các ngân hàng thương mại có thể dễ dàng hơn trong việc hoạch định kinh doanh, xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của thị trường và từng đối tượng khách hàng.
Kỳ hạn và mức lãi suất huy động sẽ quyết định mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Bởi họ chỉ được sử dụng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn, trong khi nhu cầu về vốn vay dài hạn trong nền kinh tế là rất lớn. Từ nhu cầu cá nhân như mua xe hơi, mua nhà, cho đến các doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Nếu chỉ vay ngắn hạn thì doanh nghiệp không đủ thời gian để chuyển đổi sản xuất, thay đổi quy mô, thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng. Đúng ra, để phục vụ cho nhu cầu vốn dài hạn, các doanh nghiệp có thể chọn cách phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số doanh nghiệp có khả năng này không nhiều, nên chủ yếu họ vẫn tìm đến ngân hàng để vay vốn. Ngân hàng thương mại, vì vậy, phải đảm trách việc cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Tất nhiên, các ngân hàng thương mại không dám huy động với lãi suất quá cao ở kỳ hạn dài vì quá rủi ro, họ chỉ muốn lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn giảm thêm. Khi ấy, lãi suất cao của các kỳ hạn dài càng hấp dẫn người gửi tiền, khiến cho ngân hàng luôn có được nguồn vốn trung và dài hạn dồi dào, ổn định. Nhưng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ mới bước đầu ổn định như hiện nay, khả năng giảm tiếp lãi suất huy động là khó xảy ra.
Dù vậy, những gì đã diễn ra trong sáu tháng đầu năm cũng đủ để các tổ chức tín dụng kỳ vọng rằng hoạt động kinh doanh của họ sẽ có nhiều thuận lợi và đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Đấy là kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý III năm nay do Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa tiến hành, đối tượng là tất cả các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Dĩ nhiên với từng nhóm ngân hàng, mức độ lạc quan cũng khác nhau, cao nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước, tiếp đến các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, cuối cùng là các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ. Có đến 90% ngân hàng thương mại hy vọng việc huy động vốn và dư nợ tín dụng của ngân hàng mình tiếp tục tăng trưởng dương, bình quân toàn hệ thống hy vọng đạt tăng trưởng 3,4 – 3,6% trong quý III và 14,2% trong cả năm 2014, cả với chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ tín dụng. Không những thế, trong thời gian tới, các ngân hàng thương mại cho biết họ có thể huy động được nhiều hơn ở các kỳ hạn từ sáu tháng trở lên thay vì chỉ tăng ở các kỳ hạn 1-6 tháng. Nếu tình hình đúng với những gì mà các tổ chức tín dụng hy vọng, thì bức tranh tổng thể của hệ thống ngân hàng thực sự có cơ hội để khởi sắc.
Minh Hằng