Ngày nay, “siêu anh hùng” đã trở thành một thể loại phim điện ảnh, cho ra đời biết bao kỷ lục về doanh thu. Đối với khán giả bình thường, khi phải đối diện những chàng trai cơ bắp sáu múi lồng lộn khoác lên mình những bộ phục trang bắt mắt bó sát thì cũng khó lòng kiềm chế được. Những hình ảnh ấy, khán giả có thể bắt gặp hằng ngày trong cuộc sống của mình như banner quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên tivi, quảng cáo ở rạp chiếu phim, thậm chí trong những thứ bạn mua hằng ngày cũng sẽ bắt gặp hình ảnh những siêu anh hùng được dán trên bao bì. Với sự “tấn công” dồn dập như thế thì các hãng phim đã thành công “tẩy não” của bạn, và bạn sẽ nhanh chóng bị “sập bẫy” trở thành một người đam mê cuồng nhiệt những bộ phim về các siêu anh hùng. Để làm tăng thêm mức độ cuồng nhiệt của người hâm mộ, các hãng phim cũng tung ra không ít chiến lược marketing vô cùng thú vị và độc đáo.
Tiết lộ thông tin? Muốn hay không muốn?
Trong thế giới người hâm mộ dòng phim siêu anh hùng thì có hai căn bệnh “nan y” không thuốc nào chữa được, một loại là “bệnh chết vì bị tiết lộ thông tin”, một loại là “bệnh chết vì không được tiết lộ thông tin”, đại diện cho hai loại tâm lý khác nhau của khán giả đối với dòng phim này: một là “đừng cho chúng tôi biết bất kỳ cái gì hết, đợi đến khi phim ra mắt coi cho đã”, không thì “tốt nhất hãy cho tôi biết hết mọi thứ, chứ hậu kỳ làm lâu như vậy chờ chắc chết”. Đối với hai triệu chứng này thì các hãng phim sẽ có những “liều thuốc” khác nhau.
Chiêu đầu tiên là “đánh chết cũng không nói”. Bảo mật là một yêu cầu vô cùng khắt khe đối với những ai tham gia dòng phim siêu anh hùng, như nhóm diễn viên của bộ phim Avengers, mỗi khi tiếp nhận phỏng vấn, lúc nào câu đầu môi của họ cũng là “không biết”, “không thể nói”. Phương thức marketing dạng bỏ đói như thế này làm không ít khán giả háo hức chờ đợi từng ngày. Tất cả diễn viên đều rất kín miệng, cho nên sau này có nghe được lời đồn nào mà đương sự chết cũng không thừa nhận thì mọi người cũng đừng coi là thật.
Chiêu thứ hai là “tạo cơ hội lập công cho paparazzi”. Nếu như một bộ phim điện ảnh trong quá trình thực hiện không có một chút gì được tiết lộ thì cũng là một sự bất lợi cho công tác tuyên truyền, cho nên lựa thời điểm thích hợp để tung ra cũng là một môn học không đơn giản chút nào. Còn đối với dòng phim siêu anh hùng vì những tấm hình được chụp lén tại trường quay của paparazzi hay các fan cuồng nhiệt được xem là một món vũ khí khá lợi hại. Ví dụ như trước đây khi đạo diễn Christopher Nolan thực hiện tác phẩm cuối cùng trong bộ ba phim Batman – The Dark Knight Rises, hình ảnh tại trường quay bị tiết lộ, và các fan hâm mộ bắt đầu phân tích mọi thứ để đoán xem món vũ khí mới nào sẽ xuất hiện trong phim. Còn gần đây một bộ phim của DC Comics cũng đang ráo riết thực hiện là Suicide Squad cũng không ngừng có hình ảnh của paparazzi được tung lên, và tạo hình bắt mắt của các diễn viên khiến các fan không ngừng chia sẻ trên mạng. Hãng Marvel thì có Captain American 3: Civil War cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Mạng xã hội siêu anh hùng
Những bộ phim siêu anh hùng đã thu thập anh hùng hào kiệt khắp phương, từ Anh từ Úc chứ không chỉở Mỹ, và đa phần những hào kiệt này là những nghệ sĩ không mấy tên tuổi và may mắn đến với họ trở thành một siêu anh hùng, danh tiếng và địa vị được lên một tầng cao mới. Hiện tượng này cũng tạo nên mối quan hệ bạn bè của rất nhiều nghệ sĩ được mở rộng vượt ra ngoài khỏi màn ảnh. Ngày nay, các nghệ sĩ rất thích đăng thông tin của mình lên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, và không ngại ngần chia sẻ với tất cả mọi người. Các hãng phim cũng nhân thế mà tạo cơ hội cho các diễn viên giao lưu với nhau trên mạng, dĩ nhiên điều này các fan hâm mộ đều thấy được và lập tức chia sẻ lên “nhà mình”. Thế nên, các diễn viên trong phim có thể là kẻ thù đối đầu mãnh liệt, nhưng ngoài đời lại thân thiết như người một nhà, thậm chí có khi họ không cùng đóng một phim cũng thân nhau không kém gì, và dần dần tạo nên một “mạng xã hội siêu anh hùng”. Fan hâm mộ sẽ không ngừng thấy được những mẩu tin nhắn dễ thương của Iron Man dành cho Captain America, hay sự thách đố giữa Captain America và Star Lord của Guardians of the Galaxy.
Trong thời đại internet 2.0 này, nếu sản phẩm có thể tạo nên sức thu hút trên những phương tiện truyền thông mới, thì sẽ nắm bắt được những cơ hội tốt, có được người tiêu dùng trong tay. Về phương diện này hãng Marvel làm cũng rất tốt, những nguyên liệu của sản phẩm đều được truyền đạt đến nhóm đối tượng thích hợp, đồng thời có thể nhận được sự phản hồi và hỗ trợ tức thời từ chính khán giả của mình. Giờ đây các hãng phim ngày càng chú trọng vào tài khoản riêng của các diễn viên, thông qua đây tung ra thông tin của phim sẽ hữu ích hơn so với các phương pháp truyền thống. Một mặt có thể giúp cho diễn viên thu hút thêm nhiều fan hâm mộ, mặt khác sự tự do của tài khoản riêng càng rộng hơn, ví dụ như vừa qua đạo diễn Zack Snyder đăng lên Twitter tấm hình diễn viên Jason Momoa trong vai Aquaman của bộ phim Batman v Superman: Dawn of Justice với dòng chữ “There is only one true King”, nhưng nếu thông tin này do chính hãng DC Comics tung ra nhiều khi lại tạo nên một hàm ý khác.
Nhìn chung, bất luận dùng phương pháp nào, thì ngày nay dòng phim siêu anh hùng dường như trở thành hạng mục chắc thắng trong thị trường phim ảnh trên thế giới. Các công ty và hãng phim cùng nhau xây dựng nên một mạng lưới lớn hỗ trợ lẫn nhau, và bên dưới mạng lưới này chính là người hâm mộ từ khắp mọi nơi, từ trong màn ảnh rộng đến ngoài đời, những siêu anh hùng đã hòa quyện vào trong cuộc sống của người hâm mộ, khiến họ khó lòng dứt bỏ.
Thanh Vân (DNSGCT)