“Vì ánh sáng tạo nên cảm xúc, là yếu tố làm cho người ta cảm thấy thoải mái, dễ chịu, nhẹ nhàng, thích thú mà đôi khi chỉ có thể đến để cảm nhận trực tiếp chứ không thể diễn tả bằng lời”, TS.KTS Trần Văn Thành – Giám đốc sáng tạo ASA Lighting Design Studios – cho biết. Là người từng tư vấn chiếu sáng cho các tập đoàn nghỉ dưỡng toàn cầu như Accor, Marriott, Hilton, IHG và Hyatt…, anh Thành đã kể cho tôi nghe những câu chuyện vô cùng thú vị về nghề của mình.
____
Trước đây, anh từng ví ánh sáng như “phần hồn” của công trình, hẳn chiếu sáng là phần việc vô cùng quan trọng, nhất là đối với những khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn?
Đúng vậy, một khách sạn hay một khu nghỉ dưỡng không chỉ gây ấn tượng với khách hàng bởi thiết kế về không gian, kiến trúc, hay nội thất. Ánh sáng là phần bổ sung quan trọng để khách muốn trở lại, hoặc muốn kể cho người khác nghe về nơi mình từng lưu trú. Tôi từng đến một vài khu nghỉ dưỡng thiết kế không chê vào đâu được, nhưng ánh sáng lại không tạo cảm xúc khác biệt, với tôi đó là công trình “vô hồn”…
____
Vậy ánh sáng phải thế nào để tạo ra những công trình “có hồn”?
Công trình sẽ “có hồn” khi chiếu sáng không chỉ bố trí sao cho đúng và đẹp, mà còn phù hợp với yếu tố cảm xúc và văn hóa xã hội địa phương. Chẳng hạn như kiến trúc cổ điển thường gắn với ánh sáng lấp lánh, hoặc hoài cổ với vẻ âm trầm. Trong khi kiến trúc hiện đại với gam màu tối thì phù hợp với ánh sáng có độ tương phản cao.
Công trình sẽ “có hồn” nếu thiết kế và ánh sáng đồng điệu với yếu tố văn hóa bản địa. Từ đó ánh sáng sẽ trở nên độc đáo và không bị trùng lặp, như ánh sáng ở vùng núi Yên Tử thì khác ở vùng biển Nha Trang, chiếu sáng cho một quán ăn ở Hội An thì khác chiếu sáng một nhà hàng 5 sao ở Hà Nội…
Công trình sẽ “có hồn” khi chiếu sáng không chỉ bố trí sao cho đúng và đẹp, mà còn phù hợp với yếu tố cảm xúc và văn hóa xã hội địa phương.
____
Theo như anh nói, thì chiếu sáng đã trở thành một yếu tố không thể xem nhẹ. Vậy hiện nay, vấn đề chiếu sáng cho các công trình lớn đã được các nhà đầu tư đúng mức chưa?
Theo tôi thì phần lớn chủ đầu tư đã ý thức được tầm quan trọng của chiếu sáng đối với của các công trình resort, khách sạn lớn. Họ thường muốn thuê các kiến trúc sư chiếu sáng từ nước ngoài để được tư vấn một cách đúng đắn. Tuy nhiên, chi phí cho các đơn vị nước ngoài thường rất cao, trong khi một số đơn vị chiếu sáng trong nước cũng không kém, lại còn lợi thế là am hiểu văn hóa bản địa. Mới đây, chúng tôi được thuê để thiết kế ánh sáng cho một dự án bất động sản theo phong cách Địa Trung Hải. Tôi nói với chủ đầu tư: “Chất Địa Trung Hải vùng Tây Ban Nha nguyên mẫu có vẻ hơi cổ điển và bảo thủ, không bắt mắt lắm khi đem về xây dựng tại điều kiện như Việt Nam. Dự án bất động sản phong cách Địa Trung Hải nhưng có chút lấp lánh, bóng bẩy kiếu kiến trúc Tây Ban Nha ở California thì dễ hấp dẫn khách hàng hơn”. Tôi nghĩ rằng các kiến trúc sư nước ngoài khó mà thấu hiểu thị hiếu khách hàng Việt Nam để cho lời khuyên như vậy.
____
Những công trình mà chủ đầu tư đưa “đề bài sẵn”, chẳng hạn như khách sạn phong cách Địa Trung Hải như trên, thì có vẻ dễ dàng cho anh. Vậy còn với những công trình không có đề bài, thì anh chọn concept như thế nào?
Concept cho công trình là sự kết hợp nhiều yếu tố. Vị trí là một yếu tố quan trọng, vì nó ảnh hưởng bởi văn hóa, xã hội, nhưng đối tượng khách hàng cũng quan trọng không kém. Cùng ở Bali nhưng khách sạn Amannusa dành cho những vị khách muốn không gian cá nhân, tĩnh lặng, lắng nghe mùi hoa huệ và tiếng chim hót. Còn Bulgari lại là nơi dành cho những người muốn tận hưởng sự tiện nghi, phô diễn đẳng cấp thượng lưu. Theo đó, ánh sáng phù hợp với Bulgari phải bóng bẩy lấp lánh, trong khi Amannusa thì dùng loại ánh sáng dịu dàng, tạo cảm xúc như “biến mất”.
Ở Việt Nam, Amanoi Vĩnh Hy (Ninh Thuận) thuộc dòng rất sang trọng với đặc tính nổi bật là đem lại sự riêng tư tuyệt đối cho khách, nên ánh sáng được bố trí như một sân khấu với các tầng lớp cung bậc cảm xúc, với những khung cảnh không gian được đóng – cắt hoàn hảo với kiểu bố trí tạo lớp lang và tương phản, nhìn rất đơn giản mà lại cực kỳ tinh tế, dành cho những khách hàng sang trọng, có “gout”, nhiều trải nghiệm. Còn InterContinental Phú Quốc chú trọng vào dạng khách nghỉ dưỡng kiểu gia đình. Do vậy, ánh sáng bố trí cần khoáng đạt, đơn giản nhưng ấm cúng, tối đa hóa sự thoải mái của khách. Ánh sáng chú ý xử lý không gian lớn để tôn lên vẻ hoành tráng của nó, đồng thời phải tạo nên không khí ấm cúng và thân thiện cần có của resort…
Đối với tôi, đèn chỉ là phương tiện để chiếu sáng. Trong nghề bếp, chỉ cần con cá đủ tươi là đầu bếp có thể chế biến thành nhiều món ngon. Chiếu sáng cũng vậy, đôi khi không cần dùng đèn quá mắc tiền, chỉ cần loại đèn cho ánh sáng nguyên bản, trung thực, chất lượng cao, thì kiến trúc sư sẽ có cách xử lý thành ánh sáng cảm xúc.
____
Có cần những loại đèn mắc tiền để đảm bảo những concept đó không?
Đối với tôi, đèn chỉ là phương tiện để chiếu sáng. Trong nghề bếp, chỉ cần con cá đủ tươi là đầu bếp có thể chế biến thành nhiều món ngon. Chiếu sáng cũng vậy, đôi khi không cần dùng đèn quá mắc tiền, chỉ cần loại đèn cho ánh sáng nguyên bản, trung thực, chất lượng cao, thì kiến trúc sư sẽ có cách xử lý thành ánh sáng cảm xúc.
Câu chuyện về một khách hàng của tôi ở Phú Quốc cho thấy rõ điều này. Khách hàng đó từng thuê thiết kế nước ngoài để làm chiếu sáng cho khách sạn 5 sao của mình với chi phí khoảng hơn một tỉ đồng tiền thiết bị cho một villa. Chi phí này quá lớn, nên họ đã thuê chúng tôi để “bản địa hóa” với chi phí thấp hơn mà vẫn đảm bảo concept và tinh thần cũ. Tôi đã hoàn thành “bài toán khó” đúng như mong đợi của nhà đầu tư. Điều đó cho thấy đèn chỉ là nguyên vật liệu, khả năng biến tấu của nhà thiết kế mới quan trọng, để đạt cảm xúc cuối cùng cho việc chiếu sáng.
____
Làm thế nào mà anh và ASA Lighting Design Studios từ những người vô danh trở thành đối tác khu vực của công ty tư vấn thiết kế chiếu sáng lâu đời và uy tín hàng đầu thế giới?
Tất cả đều từ người thật, việc thật. Từ mỗi công trình làm tốt thì những công việc mới, thành công mới sẽ đến với mình một cách tự nhiên. ASA Lighting Design Studios là một boutique, thực hiện công tác “đo ni đóng giày” cho từng công trình. Nếu công trình đã đẹp sẵn thì chúng tôi sẽ cùng thiết kế kiến trúc, nội thất “đẩy” nét đẹp đó lên tầm cao mới. Nếu thiết kế không quá đặc biệt thì chúng tôi sẽ tìm hoặc sáng tạo ra nét đặc biệt bằng chiếu sáng.
Với tôi, chiếu sáng là nghề thú vị, càng làm càng mê, và nó làm thay đổi thế giới quan của chúng ta. Nghề này lại cần nhiều kiến thức về Lịch sử, Địa lý, đây là những bộ môn tôi yêu thích từ nhỏ. Chiếu sáng cũng là nghệ thuật, nó không quá khó nhưng đòi hỏi sự sáng tạo học hỏi không ngừng.
____
Một lĩnh vực thú vị như chiếu sáng mà chưa được đào tạo ở các trường đại học về kiến trúc Việt Nam, thật đáng tiếc…
Đúng vậy, nên việc tuyển dụng nhân sự cho nghề cũng gặp nhiều khó khăn. Để tạo sự quan tâm của sinh viên về lĩnh vực này, chúng tôi thường tổ chức các sự kiện về chiếu sáng hằng năm. Như giải thưởng Lighting Awards dành cho sinh viên tốt nghiệp của Trường Đại học Kiến trúc, hay buổi nói chuyện về chiếu sáng tại các trung tâm về nghệ thuật…
Một lĩnh vực thú vị như chiếu sáng mà chưa được đào tạo ở các trường đại học về kiến trúc Việt Nam, thật đáng tiếc…
Chiếu sáng nếu được học tập một cách bài bản thì rất tốt, nhưng quan trọng nhất vẫn là đam mê và chịu học hỏi. Ngày xưa, khi chuẩn bị đi học chiếu sáng kiến trúc (một ngành rất mới khi đó) tại Đức, tôi rất phân vân. Ba tôi từng nói: “Quan trọng nhất là học cách suy nghĩ, không nhất thiết phải học đúng một ngành nào đó”. Tôi thấy điều đó rất đúng, cách tư duy của chúng ta mới thật sự quan trọng trong mỗi nghề nghiệp, chiếu sáng cũng không ngoại lệ.
____
Làm nghề về cái đẹp và cảm xúc lâu năm, anh có bị bệnh nghề nghiệp không?
Bệnh nghề nghiệp hay nói đúng hơn là cái nhìn khắc khe về ánh sáng trong mỗi công trình là điều khó tránh. Chiếu sáng tưởng dễ mà khó, một số khách sạn 5 sao đã đầu tư rất lớn về kiến trúc, nội thất mà “bỏ quên” đầu tư về ánh sáng thật đáng tiếc. So với việc nghỉ chân tại một resort 5 sao mà ánh sáng vô hồn, thì tôi thà ngồi dưới ánh trăng lung linh chiếu trên mặt biển còn “sướng” hơn.
____
Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị.