Phòng tắm, hay khu vệ sinh là một trong những không gian biến đổi theo thời gian nhiều nhất, cả về mặt kỹ thuật lẫn giải pháp thiết kế, quan niệm phong thủy. Bao nhiêu năm chịu phận làm “kép phụ” nằm xa nhà chính, che chắn sơ sài, thiếu sạch sẽ và chẳng được chăm chút, phòng tắm về phong thủy còn bị liệt vào vùng Hung, bị đặt ở cung xấu. Nhưng sang thời hiện đại đi cùng phát triển khoa học kỹ thuật, không gian vệ sinh tẩy rửa trong nơi cư trú ngày càng trở nên quan trọng, xứng đáng được làm đẹp và tiện nghi không thua kém các không gian chính khác.
Khái niệm Cát Hung trong phong thủy áp dụng vào không gian sống hiện đại vì thế sẽ không còn đồng nghĩa với tốt xấu nữa. Cát Hung chỉ còn là quy ước mang tính kế thừa truyền thống để xem xét các không gian có âm có dương, có ngoài có trong… nhằm phân bổ vị trí, giải quyết quan hệ, chứ không phải xác lập mức chính phụ như nhà ngày xưa. Khu vệ sinh ngày nay có thể được đầu tư chi tiết, cao cấp không kém gì phòng khách, bởi thế đâu ngại chuyện “tốt khoe xấu che”.
Chung lợi ích, phân chia nhưng không tách biệt
Một số nghiên cứu so sánh sự đầu tư chăm chút cho không gian phòng tắm hiện đại có phần giống như chuyện… giải phóng phụ nữ, như một quá trình thay đổi nhận thức và nâng cao vị thế nữ giới trong xã hội ngày nay. Kiểu suy nghĩ áp đặt rằng phái nữ thuộc Âm, phải lùi ra sau, lo nội sự, cứ hy sinh, đã không được chấp nhận khi xã hội phát triển, bình đẳng giới xác lập và vai trò nữ không thua kém nam trong mọi vấn đề cuộc sống.
- Xem thêm: Cân bằng cho phòng tắm hiện đại
Dĩ nhiên, cũng như phái nữ, về phong thủy thì không gian phòng tắm vẫn không thể thiếu tính Âm, vẫn có nhiều thiết bị kỹ thuật, vẫn cần đảm bảo hệ thống cấp thoát nước… Tính Âm ở đây đặt trong thế tương tác với Dương, vốn là những không gian đi xuyên qua, nơi nắng gió nhiều và trường khí Động. Tính Âm của phòng tắm biểu hiện ở không gian đến và dừng lại, nơi cần nắng gió đủ nhưng không để thông thống được khi người sử dụng phải tránh gió xuyên, mưa tạt, nắng chói.
Tính Âm còn thể hiện ở công năng, khi mà chuyện tẩy rửa riêng tư, chuyện trang điểm kín đáo hay chuyện thư giãn cá nhân trong phòng tắm sẽ tĩnh tại hơn so với những không gian làm việc, tập thể dục hay nghe nhạc, giải trí… luôn có tính Dương bộc lộ rõ rệt.
Vì vậy mà tuy cùng lợi ích là nơi thư giãn, nhưng phòng tắm hiện đại vẫn cần vị trí khuất so với giường ngủ (riêng) hay phòng sinh hoạt (chung) để có cách phân chia đủ để phân tách mà không cách biệt như nhà xưa. Ví dụ như giữa phòng tắm và phòng ngủ có khoảng thay đồ sẽ tiện lợi hơn tắm một nơi đồ một nẻo.
Hoặc nếu phòng tắm không thể mở cửa ra ngoài thì cần tham khảo cách bố trí khung kính liên thông tầm nhìn với phòng ngủ (nhưng có rèm che linh hoạt) để đóng mở lấy sáng tùy theo thời điểm và cách thức sử dụng. Những phòng tắm gần nơi sinh hoạt chung và lối đi qua lại thì nên có khoảng đệm dù nhỏ.
Hiện nay có hai quan điểm của gia chủ về bố trí khu tắm rửa, vệ sinh trong nhà. Nhóm gia chủ trẻ tuổi thì muốn phòng tắm “chất chơi” theo kiểu homestay, bungalow nghỉ dưỡng, tức là muốn bố trí không gian này sao cho thật thoáng mở, có thiên nhiên cây xanh, đặt ở vị trí tốt trong nhà, thậm chí muốn “khoe” phòng tắm.
Còn nhóm gia chủ lớn tuổi cho rằng nên làm phòng tắm như kiểu khách sạn, bước vào cần kín đáo, tiện nghi đầy đủ nhưng vẫn chỉ là khu phụ, vùng Hung về mặt phong thủy, tránh lẫn lộn và “xâm lấn” ra vùng bên ngoài. Thực ra cả hai quan niệm “già và trẻ” kể trên là hai mặt của cùng một vấn đề lợi ích sử dụng khu vệ sinh: chỗ dùng nước nhiều, thường xuyên có tẩy rửa xú uế, nên thuộc vùng Hung theo mệnh trạch gia chủ, để nhường vùng Cát cho chức năng tiếp khách, ăn, ngủ.
- Xem thêm: Âm – Dương của khu vệ sinh hiện đại
Vì nằm vùng Hung nên khi bố trí phải tăng Cát giảm Hung cho phòng tắm, bớt các nhược điểm của nơi nhiều Thủy như ẩm thấp, trơn trượt, bằng cách dùng vật liệu đúng và bài trí tiện nghi. Điều này tương tự quan niệm với một cơ thể sống: không có vùng nào là bị xem nhẹ hơn vùng nào, chẳng qua có vùng trên đi với thân dưới, có mặt tiền thì có mặt hậu, cần phân chia hợp lý chức năng và vị trí, sao cho bàn ăn không thể cạnh bàn cầu, bởi nơi tiếp nạp năng lượng dĩ nhiên không thể ở sát nơi tống khứ chất thải được!
Tam Tòng trong khu tắm rửa
Không như phụ nữ xưa bị trói buộc bởi lễ giáo Tam Tòng Tứ Đức, Tam Tòng trong phong thủy là những yếu tố cần phải “theo” khi làm nhà, đó là Thiên, Địa và Nhân. Khi áp dụng vào bố trí không gian mang tính Dụng Thủy nhiều như khu tắm, việc theo Thiên (thời) thực chất là chọn lựa giải pháp hợp xu thế chung, nếu bố trí mà không dự đoán khả năng phát triển tiện ích thì khi cần sẽ rất khó để xoay xở.
Ví dụ như một thời gian thịnh hành kiểu phòng tắm nằm cạnh cầu thang giữa nhà phố khá tối và bí, hoặc “nhét” dưới gầm thang, đặt ra sau nhà… đều là cách làm trong điều kiện eo hẹp, không thể xoay xở. Phòng tắm hiện nay có diện tích rộng, tầm nhìn tốt, thiết bị nội thất cao cấp… là xu thế tất yếu. Theo Dịch lý Đông phương, khi một vùng trong cơ thể bị chèn ép, thiếu hụt năng lượng thì gây ra mệt mỏi, bệnh tật. Việc chọn vị trí phòng tắm cũng vậy, liên quan đến loại bỏ khí xấu, tiếp nạp khí tốt cho nhà và người.
Thời hiện đại cho dù kỹ thuật có thể giải quyết được thì vẫn cần tránh một vài điểm về vị trí, như tại Trung Cung nhà hay căn hộ, theo quan niệm Huyền Không xác định Trung Cung là Thái Cực, nên để trống tạo kết nối trường khí toàn nhà thay vì bố trí chỗ tắm rửa. Một số nhà làm theo kiểu hướng nội sẽ “đẩy” phòng tắm ra vùng biên, nhất là nơi nắng gắt nhằm tạo thêm một lớp đệm cho nội thất, đồng thời giúp phòng tắm luôn khô ráo, sáng sủa.
Bố trí khu vệ sinh theo Địa (lợi) là yêu cầu về tính chất, hình thế mặt bằng quyết định ý tưởng bài trí nội thất, với thái độ chọn lọc từ đầu. Tức là ngay trong phạm vi phòng tắm cũng có chỗ có thể dễ dàng khoe (như khu lavabo) và có chỗ nên che chắn cho ý tứ hơn, bớt ảnh hưởng đến khu khác hơn, ví dụ như góc tắm đứng hay chỗ đặt bàn cầu, nhất là với khu vệ sinh chung. Việc quan sát, xử lý theo bao cảnh bên ngoài có thể giúp phòng tắm ngắm được cảnh quan đẹp, hoặc ngược lại, nếu bên ngoài chưa tốt thì tạo tiểu cảnh, thiên nhiên thu nhỏ trong giếng trời, sân sau.
Phòng tắm và khu vệ sinh nên đặt kề cận những khoảng thông thoáng hiếm hoi trong nhà phố sẽ góp phần tăng Dương giảm Âm, đồng thời giúp thoát nhanh hơi ẩm tù đọng vốn là nguyên nhân gây ra các bệnh tật trong nhà. Một số loại cây như dương xỉ, trầu bà, sống đời, trường xuân, lưỡi hổ… có chức năng lọc bớt uế khí, khử mùi hữu hiệu nếu khéo dùng.
Còn một khu tắm hợp theo Nhân (hòa) chính là tạo sự thoải mái về giác quan và tâm lý – sinh lý cho người cư ngụ, điều mà một số công trình đôi khi bỏ quên hoặc lẫn lộn giữa sự hấp dẫn về kiểu dáng, hình khối với sự bình an thư thái trong sinh hoạt. Diện tích phòng tắm có thể không nhiều hay chất liệu chưa cao cấp, nhưng người sử dụng bên trong thấy hài lòng, thoải mái, bước vào phòng tắm trút bỏ mệt mỏi thì đó là khu vệ sinh như ý.
Khi đi chọn lựa thiết bị, vật liệu cần tránh cái nhìn duy mỹ (thiên về vẻ đẹp thuần túy) mà cần hài hòa các tiêu chí về kỹ thuật và an toàn lâu dài, tránh trơn trượt, ngột ngạt cũng như các mùi khó chịu lan tỏa. Biểu hiện qua chủng loại vật liệu và phối kết màu sắc có giúp cảm thấy dễ chịu, thoải mái hay không. Việc chọn gam màu thống nhất của thiết bị, phụ kiện, gạch ốp lát sẽ tạo sự nhất quán, thoáng đãng.
- Xem thêm: Hiểu Cát Hung để giảm Trực Xung
Nhưng cũng cần bổ sung các điểm nhấn (nổi bật khí) nhằm giúp phòng tắm nhỏ gọn trở nên ấn tượng hơn, hợp mệnh cá nhân hơn. Ví dụ một mảng gạch trần, bình gốm cho người mệnh Thổ, hay điểm nhấn rực rỡ sắc đỏ cam với người mệnh Hỏa. Người mệnh Mộc cần đưa cây xanh vào, còn người mệnh Kim lại hợp hơn với các mảng tường trắng – đen nhấn nhá.
Các tấm gương soi nên dùng đúng chỗ, ngoài lavabo có thể đặt gương đứng soi toàn thân gần cửa ra vào, nơi thay đồ hoặc góc chật hẹp mà gia chủ muốn nới rộng không gian. Về thị giác, tránh những bố trí mảng miếng gây ảo giác và rối mắt. Về thính giác, những bản nhạc êm dịu, sự yên tĩnh cách biệt với các không gian ồn ào khác giúp xả stress và xoa dịu tinh thần tốt. Về khướu giác, ngoài thông hơi thoát mùi tốt, nên bổ sung tinh dầu, mùi thiên nhiên cỏ cây trong phòng tắm để tốt hơn cho sức khỏe.
Còn xúc giác thì cần được “nuông chiều” bởi thụ cảm trực tiếp khi đi lại, chạm vào những bề mặt êm ái, hạn chế góc cạnh sắc nhọn và tăng tính thân thiện như dùng tủ để đồ bằng mây tre, sàn đá tự nhiên thô nhám… Tất cả cần hòa quyện để đảm bảo “khoe” được tiện nghi và sạch sẽ, để phòng tắm thành nơi thư giãn tăng sinh khí, sức khỏe cho gia chủ.
– Ảnh Xuân Trang