Hiện nay, cùng với xu hướng ở chung cư thì hình thức đan xen, bố trí vườn quanh nhà, vườn trong nhà rất được ưa chuộng tùy theo điều kiện diện tích. Làm sao kế thừa được yếu tố truyền thống cũng như dung nạp thêm nhiều sắc thái bố trí nhà – vườn kiểu mới mà vẫn đảm bảo tốt về phong thủy để có một sân vườn đẹp là điều nhiều người quan tâm.
Tầm long – Điểm huyệt – Lập hướng là bộ ba thứ tự phong thủy truyền thống đi từ cuộc đất rộng lớn đến ngôi nhà cụ thể. Dù ngày nay đất đai trong tiến trình đô thị hóa nhanh chóng khiến những tầm long, điểm huyệt chỉ còn là khái niệm ở tầm quy hoạch chung, nhưng chuyện lập hướng cụ thể cho ngôi nhà, cho khu vườn thì vẫn còn nhiều ứng dụng thiết thực.
Kinh nghiệm lập hướng trong nhà vườn Huế
Có thể đơn cử nhà vườn xứ Huế là một ví dụ đặc trưng, với thuật phong thủy được ưu tiên khá hữu hiệu. Người Huế thường gọi công việc tạo dựng khu vườn là xây vườn, lập vườn chứ không phải trồng vườn, từ đó các loài thực vật trong vườn được tìm hiểu kỹ lưỡng và có kiểm soát chứ không để cây cối tự phát tràn lan hay vô tình, tùy tiện.
Nhà vườn Huế rất nghiêm ngặt, quy củ, có quá trình quy hoạch, thiết kế xây dựng bài bản chứ không đơn thuần là trồng cây gì hay thu hoa lợi ra sao. Việc lập hướng trong vườn Huế khởi đầu từ xác định sơn hướng gồm 24 cung phân chia theo la bàn, dùng Thiên can, Địa chi theo Bát quái. Tùy theo tuổi gia chủ và theo năm xây vườn sẽ có những phương hướng đại lợi hoặc hung sát.
Đây là cách khá phổ biến và dễ hiểu, chỉ cần tra cứu sách vở xem tuổi của mình trong Lục thập hoa giáp thuộc cung nào, hợp với hướng nào thì chọn mua cho được mảnh đất quay về hướng đó, hoặc điều chỉnh để tránh các hướng xấu.
Cũng do vườn có mối quan hệ với nhà, sống trong nhà với vườn là sống cùng bao cảnh. Vì vậy, khi lập vườn luôn chú trọng địa thế chứ không chỉ theo mệnh chủ. Nếu cuộc đất tọa sơn diện thủy, trước thấp và thoáng rộng, sau có chỗ dựa thoai thoải cao ắt sẽ hợp cách.
- Xem thêm: Mát nhờ đặc rỗng
Lập hướng trong nhà vườn do đó vừa là phép tính toán theo cung mệnh chủ nhân, vừa kết hợp nghệ thuật cảnh quan, địa mạo một cách khéo léo, sao cho hướng khu vườn, hướng ngôi nhà hợp cùng địa lợi, theo thiên thời và nhân hòa là tốt nhất.
Có được phần chính yếu rồi thì các yếu tố phụ của vườn như bình phong, non bộ, hồ nước… sẽ được tính toán để bổ sung khiếm khuyết cho phần chính. Ví dụ chi tiết ngỡ nhỏ như bình phong, người thì quan niệm sử dụng để tránh lối đi thẳng vào nhà (trực xung), tránh dẫn Hỏa vào nhà, người lại nghĩ đó là cách tạo một hành trung gian để tùy cơ mà điều tiết (như cần làm vượng Hỏa lên thì bình phong làm bằng hàng cây thuộc Mộc để sinh Hỏa; còn nếu cần làm giảm bớt Hỏa xung thì bình phong làm bằng gạch đá thuộc Thổ để rút Hỏa tiêu trừ ra…).
Ví dụ khác về hồ nước, người thì cho rằng đấy là tạo nơi “tụ thủy tích phúc” nên cần phải xem xét vị trí đặt tại các sơn hướng Quan phúc, Quan quý, còn có người lại quan niệm là chỗ ngăn cản Hỏa khí nên đương nhiên phải đặt trước nhà quay về hướng Nam vốn thuộc quẻ Ly, Hỏa vượng.
Nhưng dù theo quan điểm nào thì cũng có thể thấy tính thống nhất trong vườn Huế: đó là việc cân bằng khí giữa ngôi nhà và khu vườn qua cây xanh hồ nước, nổi bật khí nhờ non bộ, giả sơn, chòi nghỉ, hay tượng đá. Những cách thức này khiến vườn Huế trở nên một ví dụ sống động cho nghệ thuật cảnh quan – phong thủy Việt Nam mà thế hệ nhà biệt thự, nhà có sân vườn sau này nên tham khảo để ứng dụng cho phù hợp.
Xưa – nay tiếp nối
Không chỉ có nhà vườn Huế, người Việt ta sau hàng nghìn năm tồn tại và phát triển đã tích lũy nhiều kinh nghiệm tạo lập môi trường sống cân bằng với sinh thái tùy theo vùng miền. Khuôn viên ngôi nhà ở kiểu truyền thống luôn có các thành phần cơ bản: nhà chính, nhà phụ, vườn cây, ao cá, chỗ chăn nuôi gia cầm… để sử dụng và tái tạo năng lượng, trao đổi vật chất hài hòa với môi trường. Trong đó ba yếu tố: con người – đất – nước tạo nên cân bằng sinh thái trong nhà vườn vùng nhiệt đới nóng ẩm.
Dĩ nhiên cuộc sống kiểu tự cung tự cấp như vậy đã qua lâu rồi, nên ngôi nhà vườn hiện đại mang nhiều yếu tố vườn ngắm cảnh, vườn thư giãn, vườn thể dục… nhiều hơn là vườn tăng gia sản xuất. Tuy nhiên các quan điểm về phong thủy nhà vườn thì vẫn giữ nguyên giá trị. Nhà ở nông thôn trong điều kiện kinh tế khó khăn thường có màu sắc thuần âm (nhà tranh vách đất, nhà gỗ) mang cảm giác buồn tẻ, tạm bợ.
Còn nhà vườn hiện đại kiểu thành thị lại dùng màu thuần dương nhiều hơn (màu tươi, mạnh, vật liệu sáng) tạo tính nổi bật. Cả hai cách làm này xét toàn diện đều chưa thực sự được cân bằng âm – dương. Cách bổ sung cho âm dương hài hòa là nếu nhà trên nền đất cao, cây cối chung quanh thấp, thưa, thì khi dùng màu sắc – chất liệu sẽ nghiêng về âm nhiều hơn, như mái vươn rộng tạo bóng đổ, bề mặt nhà sậm màu, có bố trí nước chảy, nước uốn lượn quanh nhà mềm mại.
- Xem thêm: Đi đâu loanh quanh…
Ngược lại nếu khu vườn rậm rạp, đất thấp, bóng râm nhiều, gần mặt nước ao hồ… thì ngôi nhà nên bổ sung yếu tố dương như làm mái cao, bề mặt trắng sáng, mảng miếng thoáng, có thể dùng mảng kính, cửa băng rộng… Không nên lấy một mẫu nhà nào rồi áp đặt vào, bởi tùy theo phương hướng, địa phương, ánh sáng… mà điều chỉnh cho tương hợp. Nếu ngôi nhà quá đồ sộ, dùng màu sắc vật liệu, kỹ thuật tiên tiến để lấn át thiên nhiên chung quanh thì chỉ có thể gọi đó là một căn nhà lớn có trồng cây chung quanh mà thôi.
Về mặt phong thủy, làm sân vườn quanh nhà luôn phải xét đến chữ “an” cho người cư ngụ. Nếu sân vườn tiểu cảnh giúp cho gia chủ mỗi ngày nhìn ngắm ra vào cảm thấy thư thái dễ chịu thì không cần phải bàn. Còn ngược lại, nếu do thấy ở nhà khác làm trông hay hay mà mình muốn làm theo thì chưa chắc đã phù hợp về ánh sáng, kết cấu, sinh hoạt của nhà mình. Do đó, không phải vô cớ mà phong cách vườn Việt Nam xưa đến nay khá đơn giản và ít khuôn thức gò bó như vườn của các nước châu Âu hoặc Bắc Á.
Khéo chọn vật liệu
Với đôi chút sắp xếp sỏi đá, mặt nước, cây cối và những “phụ kiện” nho nhỏ, mỗi khoảng sân vườn trong ngôi nhà hiện đại hôm nay hoàn toàn có thể tạo nên những tiểu cảnh đầy sinh khí mà không quá phức tạp và tốn kém. Có nhiều mức độ sử dụng vật liệu để phối kết cảnh trí cho nhà vườn tùy theo môi trường và đặc trưng ngũ hành, âm dương của gia chủ cũng như thổ trạch.
Về ngũ hành, sỏi đá khi đi cùng cây cối hay mặt nước trong vườn sẽ thuộc hành Thổ và liên kết Thủy, Mộc, do vậy cần tìm chỗ bố trí tương sinh như khu vực trung tâm của vườn, nơi nhận nhiều nắng hay góc dễ nhận biết, mang tính trung hòa và lan tỏa. Cần chú ý không nên dùng các loại vật liệu sỏi đá có tạo hình sắc nhọn, bề mặt quá thô ráp hay đá ốp lát nặng dễ bong tróc… sẽ gây bất lợi trong sử dụng và tạo cảm giác đè nén.
Nên hình dung các góc tiểu cảnh sân vườn là một khung tranh ba chiều, cần khống chế các góc nhìn sao cho thưởng ngoạn được tốt nhất, tránh tình trạng lạm dụng vật liệu tràn lan, thiếu trọng tâm và không đảm bảo thẩm mỹ.
Khi không gian và màu sắc trong khuôn viên ngả về tối, sẫm màu (tĩnh, âm) thì nên chọn vật liệu có màu sáng để cân bằng. Ngược lại, khi khuôn viên thừa ánh sáng, chói chang quá thì phải dùng sỏi đá và cây lá có màu sẫm, ken dày hơn để giảm bớt khí dương. Cần phải hình dung trước, thậm chí chấp nhận “thử và sai” để gia giảm cho vừa, tránh tình trạng lạm dụng sỏi đá hay vật liệu xây dựng khiến không gian trở nên tối tăm, xù xì và ẩm thấp, đồng thời cũng phải tùy theo khí hậu, cấu trúc và cảm thụ nghệ thuật của gia chủ mà áp dụng cho phù hợp.
Ví dụ: đá ong là vật liệu có bề mặt xốp, nhiều lỗ rỗng và màu sắc chuyển từ xám đen đến vàng sậm nên muốn dùng trong sân vườn hay tiểu cảnh nội thất thì cần có không gian đủ rộng, có khoảng lùi để ngắm cũng như khoảng trống để thoát ẩm. Hoặc sỏi trắng vốn hay bám bụi nên cần trang trí tại những vị trí sạch sẽ ít có sự va chạm hằng ngày như hồ cảnh nhỏ, mảng tường thuận tiện qua lại, chăm sóc.
Tránh lạm dụng một loại vật liệu nào đó, dù đẹp và quý hiếm, vì sẽ gây cảm giác đơn điệu nhàm chán, không kích hoạt được nội khí khu vườn. Nhưng cũng tránh phối hợp quá nhiều chủng loại vật liệu sẽ gây rối mắt phức tạp.
Hiện nay đá hộc, gạch trồng cỏ, sỏi, đá… đang được sử dụng cho tiểu cảnh nội thất ngày càng nhiều. Một số kiểu cách hoang sơ, vườn khô kiểu Nhật… lúc mới đầu xuất hiện cũng khá lạ mắt, nhưng nếu lạm dụng sẽ khiến các không gian trở nên nặng nề, thiếu gọn ghẽ và không “sạch sẽ” nữa.
- Xem thêm: Phong thủy nhà miệt vườn Tây Nam bộ
Kiểu vườn khô vốn xuất xứ từ tinh thần Thiền của Nhật Bản và là vườn sỏi được thực hiện rất công phu ngoài trời kết hợp mặt nước, cây xanh được chọn lọc rất kỹ, rất tinh tế, chứ không đơn giản chỉ… rải sỏi và đặt đèn đá là xong! Tinh thần cơ bản của nếp nhà vườn Việt là sự tao nhã và gần gũi, không đi theo hướng phô trương cây cối quý hiếm hay tạo hình tạo dáng cầu kỳ.
– Ảnh Xuân Trang