Bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars) đang thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên thế giới. Nhiều người tự hỏi, liệu câu chuyện giả tưởng này có thể thành sự thật không, khi có đến 60 nước đang tiến hành các hoạt động khác nhau trên không gian. Trong điều kiện thế giới hiện nay, chiến tranh không gian không còn là chuyện khoa học giả tưởng, khi mà cuộc sống của mỗi chúng ta đã gắn liền với những phương tiện hiện đại do một mạng lưới vệ tinh đang bay khắp không gian cung cấp. Chỉ cần một cú bấm nút đã được lập trình, hàng loạt vệ tinh có thể bị vô hiệu hóa, trở thành cơn ác mộng của nhiều địa phương, thành phố trên thế giới. Với nước Mỹ, vệ tinh là “hệ thần kinh” của quân đội Mỹ, lực lượng này sử dụng đến 80% dịch vụ do chúng cung cấp, trong đó có trung tâm truyền thông ngăn chặn hạt nhân.
Hiện nay các vệ tinh viễn thông nằm trên quỹ đạo địa tĩnh cách mặt đất khoảng 36 ngàn cây số, trước đây được xem là một nơi chốn an toàn, không thể bị tấn công. Nhưng vào năm 2013, khi Trung Quốc phóng thử tên lửa đạt đến độ cao gần với quỹ đạo này thì mọi việc đã đổi khác. Trong một tuyên bố công khai và hiếm hoi vào đầu năm 2015, tướng John Hyten thuộc Bộ chỉ huy Không gian Mỹ lên tiếng báo động về những cuộc thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc. Hành động của Bắc Kinh tương tự hành động của Liên Xô trước đây trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cũng từng phóng lên không gian một loại vũ khí chống vệ tinh, trong một kịch bản khi xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân giữa các siêu cường. Bên cạnh những hành động cố ý có thể xảy ra, còn có những rủi ro trong quá trình vận hành các vệ tinh nhân tạo trên không gian. Năm 2007, Trung Quốc thử nghiệm phá hủy một vệ tinh nhân tạo, làm phát sinh hàng ngàn mảnh nhỏ bay tứ tán trong không gian, có nguy cơ va chạm và làm tổn hại các vệ tinh nhân tạo hiện diện đầy rẫy trên quỹ đạo địa tĩnh.
Sergei Khrushchev, nhà khoa học về tên lửa không gian, con trai cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev, cho rằng Nga cần suy nghĩ nghiêm túc về khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự trên không gian. Điều này cũng đã được cả Nga và Mỹ dự liệu từ trước. Năm 1967, Hiệp ước Ngoại tầng Không gian đã được các bên ký kết, cấm triển khai các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt trên không gian. Nhưng khi vệ tinh nhân tạo ngày càng chứng tỏ sự cần thiết và quan trọng của chúng trong việc do thám, thu thập thông tin và nhắm vào các mục tiêu quân sự, khoảng không gian vô tận đã ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Mọi việc không còn đơn giản như những thập niên 1950-1960, khi mà 60 quốc gia đã triển khai hoạt động trên không gian với những lợi ích thương mại và quân sự to lớn. Chỉ một động tác bấm nút của một phía nào đó đủ để làm tê liệt sinh hoạt về kinh tế, xã hội, quân sự của cả một nước hay một vùng lãnh thổ…
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)