Từ năm 2009, Mỹ đã bắt đầu chuyển chiến lược thương mại sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng trong bối cảnh xung đột trên Biển Đông và biển Hoa Đông có chiều hướng leo thang, việc Trung Quốc đang trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước Nhật, Hàn Quốc, Úc và ASEAN đã khiến cho chính quyền Obama gặp nhiều khó khăn trong việc tìm con đường phát triển thương mại tại châu Á. Chính sách P2A (Pivot to Asia: Xoay quanh châu Á) được Nhà Trắng công bố vào cuối năm 2011 bao gồm cả hai mặt kinh tế và an ninh nhằm duy trì chiến lược ưu tiên của Mỹ tại châu Á, nhắm vào Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm 12 nước ven Thái Bình Dương ngoại trừ Trung Quốc.
Về mặt an ninh, chính quyền Obama tìm cách ghi dấu ấn của lực lượng quân sự Mỹ tại châu Á qua việc thực hiện các thỏa ước đặt căn cứ quân sự mới và từng bước tái bố trí 20% lực lượng hải quân từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chuyến đi gần đây nhất của ông Obama đến châu Á đã cho thấy sự bất lực của Washington trong việc cân bằng vị thế kinh tế và địa chính trị của Mỹ tại khu vực. Trong khi tổng thống Mỹ cố đưa ra một thỏa hiệp chiến lược mới với hai nước Đông Nam Á là Malaysia và Philippines và củng cố liên minh quân sự với Nhật và Hàn Quốc thì lại không có một sự triển khai cụ thể nào với những cuộc thương thuyết về TPP đang diễn ra.
Một phiên họp thảo luận về hiệp ước TPP ở Singapore
Với tư cách một nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, GDP đạt 6.000 tỉ USD/năm, Nhật là trung tâm của những cuộc thảo luận về TPP, nhưng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe không hứa hẹn một lời nào cho thấy nước này quyết tâm theo đuổi TPP. Những bất đồng thể hiện từ các hàng rào mậu dịch của Nhật đối với sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, đến việc nước Mỹ ngày càng quan tâm đến những hạn chế của Nhật đối với thịt bò và thịt heo nhập khẩu và việc mở cửa thị trường ôtô Nhật cho các nhà sản xuất Mỹ.
Về an ninh, ông Obama tái khẳng định sự hỗ trợ quân sự toàn diện cho Nhật một khi chiến tranh nổ ra giữa Tokyo và Bắc Kinh. Với Malaysia, nước Mỹ hướng tới một thỏa hiệp đối tác song phương đánh dấu sự kết thúc nhiều thập niên lạnh nhạt giữa hai nước. Trong khi đó, Philippines là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ, hai bên đã ký một hiệp ước an ninh mới có tên là Hiệp ước Tăng cường Hợp tác Phòng vệ (EDCA) nhằm cho phép Mỹ tiếp cận năm căn cứ quân sự hàng đầu của Philippines trong 10 năm. Tuy nhiên, về hiệp ước TPP, chính quyền Obama gặp phải sự chống đối ngay tại nước Mỹ và tại nhiều nơi ở châu Á. Một số nước đang phát triển ở Đông Á lo sợ tác động của TPP lên việc sản xuất và nhập khẩu những thuốc nhái giá rẻ, do việc các hãng dược phẩm lớn ngày càng bảo vệ chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ. Còn ở thế giới công nghiệp hóa, đặc biệt tại Mỹ, nhiều công đoàn và doanh nghiệp lớn lo ngại trước việc giảm thiểu các hàng rào bảo hộ, nhất là khu vực sản xuất ôtô sẽ tạo điều kiện cho một số nước xuất khẩu trong đó có Nhật Bản khuynh đảo thị trường ôtô nước họ. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của chính quyền Washington và giới doanh nghiệp Mỹ vẫn là Trung Quốc. Nước này đã trở thành một nguồn viện trợ phát triển quan trọng và cho vay với lãi suất mềm từ nhiều năm qua. Chỉ trong 10 năm, từ 2001 đến 2011, họ đã chi ra hơn 671 tỉ USD cho các mục tiêu này. Họ đang sẵn sàng thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á với vốn hoạt động 50 tỉ USD, sẽ là cơ sở tài chính cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do người Nhật nắm quyền chủ động.
Viễn cảnh không mấy tươi sáng của TPP đang cho thấy một ảnh hưởng kinh tế khá yếu ớt của Mỹ tại châu Á, nhất là khi chính quyền Obama bận tâm với việc tăng cường dấu ấn quân sự của nước Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó với sự trỗi dậy và đe dọa của Trung Quốc.
Lê Cẩn tổng hợp