Năm 1973, tôi là cậu bé lên mười. Sắp đến Trung thu, bố tôi có bảo người anh giữa của tôi làm chiếc đèn kéo quân cho các em chơi. Bố tôi giao cho anh ấy làm vì anh rất khéo tay và cũng đang học năm thứ 6 trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định.
Mấy hôm sau, tôi thấy anh mang về nào là các ống tre lớn dài khoảng 50 cm, giấy bóng kính, giấy bìa cứng,… Buổi chiều nọ, anh bắt tay vào làm. Lúc thì cưa, lúc thì chẻ, vót tre theo các mẫu vẽ anh đã phác thảo trên giấy trước đó. Tôi thích thú đứng xem anh làm, không dám sờ vào bất cứ thứ gì, sợ làm hư, chỉ chờ anh sai lấy nước cho anh uống thôi.
Vài buổi là anh đã làm xong phần khung sườn chiếc đèn. Đèn kéo quân có hình dáng bên ngoài là khối hình lục giác làm bằng các thanh tre vuông dài buộc lại với nhau bằng dây kẽm, bên trên gắn sẵn các móc để treo đèn, bên trong có chiếc lồng quay có 8 cánh nghiêng.
Trước đó mấy hôm, anh có hỏi tôi thích gắn những hình gì để anh vẽ. Tôi nói: “Tùy anh thôi! Chỉ cho em thêm hình thỏ ngọc và cá chép”. Vậy là anh vẽ đủ hình chị Hằng, cây đa, chú cuội…, tất nhiên có cả thỏ ngọc và cá chép nữa! Vẽ xong anh cắt chúng ra thành từng miếng để sẵn trong hộp thiếc nhỏ. Khi khung đèn đã hình thành, anh lấy các hình đã cắt ra dán chúng lên các thanh tre nhỏ, dài ngắn đã gắn trên lồng quay.
Anh làm xong đèn thì vừa chiều xuống, còn chút tia nắng cuối. Anh thắp ngọn nến để thử, ánh sáng mờ mờ. Một lúc sau, tôi thấy chiếc lồng trong từ từ quay, những hình dán cái cao, cái thấp rượt đuổi nhau rất kỳ thú. Tôi bất giác quay sang nhìn anh mỉm cười.
Bữa cơm chiều có đầy đủ cả gia đình, anh nói với bố tôi là anh đã làm xong chiếc đèn, mời bố ăn cơm xong lên gác xem. Ăn cơm xong, bố tối bước lên gác xem đèn. Anh tôi đã thắp lại nến. Giờ không còn tia sáng mặt trời, ngọn nến như sáng hơn. Các hình nhân đuổi bắt nhau huyền ảo hơn.
- Xem thêm: Chiếc đèn hộp lon
Bố tôi khen chiếc đèn đẹp nhưng có đề nghị anh tôi thay nến to hơn một chút cho đèn rực rỡ hơn và quay nhanh hơn. Anh tôi: “Vâng dạ” và hứa mai sẽ mua nến thay. Bố tôi quay sang tôi và hai đứa em gái vừa cười vừa bảo: “Có đèn này rồi thì không mua lồng đèn nữa nha”. Các em tôi lắc đầu quầy quậy không chịu và nói: “Đèn này đâu có đi rước đèn được”. Tôi biết ông nói vậy nhưng rồi ông cũng mua thôi.
Đến gần hôm Trung thu, bố tôi đưa hai em gái tôi đi mua lồng đèn. Tôi ở nhà không đi. Nhưng đến khi về, tôi cũng thấy hai em tôi cầm đến 3 ba cái lồng đèn và nói có mua cho tôi. Tôi bảo các em cứ giữ lấy chơi.
Thuở ấy các bạn nhỏ chúng tôi chơi Trung thu bắt đầu từ mùng mười âm lịch. Cứ ăn cơm chiều xong, đợi trời tối chút là lấy đèn thắp nến nối đuôi nhau rước đèn đi vòng quanh trong xóm, vừa đi vừa hát theo giọng của anh chị đầu lĩnh bài Rước đèn tháng Tám của nhạc sĩ Vân Thanh – Đức Quỳnh:
Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm…
Tôi khi này đang học lớp Nhất, sắp xong Tiểu học nên ngại đi rước đèn cùng với các em gái. Mỗi tối tôi lên gác nhờ anh tôi thắp sáng đèn kéo quân lên cho tôi ngắm. Bố tôi thì ngồi ngoài hành lang nhìn xuống con hẻm trông các em tôi chơi. Lâu lâu ông lại bảo tôi xuống sửa nến cho em, không thì cháy đèn. Tôi lúc thì ngồi chơi bên trong, lúc thì đứng bên cạnh ông xem các em đi rồng rắn rước đèn cũng vui mắt. Đoàn rước đèn hát hết bài này đến bài khác những bài Nhi đồng ca.
Lâu lâu khúc nhạc bị dừng lại vì có tiếng hô: “cháy, cháy” một em cầm nghiêng nên đèn bị cháy, có bạn “hồn nhiên” nhanh chân lại giúp bạn thổi đèn thì chính lúc đó đèn của mình bị cháy! Buổi rước đèn chỉ diễn ra độ một tiếng là tất cả đã bị gia đình gọi về đi ngủ sớm.
Nghe gọi về, cả nhóm đồng thanh hát Khúc hát chia tay: Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-giăng nhảy dù, Dô-rô bắn súng. Bắn ngay con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi,… Chúng tôi “nhại lời” theo bản Auld Lang Syne, dân ca cổ của người Scotland.
Lúc này, Bố tôi xếp tôi ngủ chung gường với người anh làm chiếc đèn kéo quân; anh kế tôi ngủ chung với người anh lớn nữa để mỗi anh chăm sóc một em. Khi có chiếc đèn, tối trước khi đi ngủ tôi đều nói anh treo chiếc đèn gần giường để tôi ngắm. Vậy là chiếc đèn như “lồng chim sáng” treo cao giữa nhà, đến tối gần đi ngủ, anh lấy đèn thay nến nhỏ hơn cho bớt ánh sáng rồi đem treo gần giường tôi.
Đèn lúc này quay chậm hơn, tôi ngắm rõ hơn thỏ ngọc, cá chép, cây đa, chú Cuội,… rượt đuổi nhau xoay vòng như khúc Rondo đồng dao Thằng cuội của nhạc sĩ Lê Thương chỉ với 3 câu nhạc ngắn, tác giả cho luân phiên hát mãi, hát mãi,…
Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ
Lặng yên ta nói Cuội nghe: Ở cung trăng mãi làm chi
Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ…
Cứ thế tôi mơ về cung Hằng rồi trôi sâu vào giấc ngủ.
Có một lần, tôi nhờ anh ấy vẽ bài để nộp cho thầy trong lớp. Anh trầm ngâm rồi nói: “Anh vẽ, em có dám nộp cho Thầy không vì Thầy biết chắc không phải do em vẽ!” Tôi hơi lo nhưng cố nói: “thì anh vẽ xấu đi sẽ không ai biết!” Anh đáp: “Nếu vẽ để xấu thì anh không vẽ! Anh vẽ thì anh chỉ muốn bức tranh đẹp thôi!”.
Tôi chẳng biết nói sao thì anh lục tìm trong ngăn bàn ra bức tranh hình con cá do anh vẽ rất hợp chủ đề tôi cần và nói: “Anh cho em.” Tôi cầm tấm tranh và không dám nói gì thêm. Nhìn bức vẽ tôi thấy chú cá chép thật đẹp, anh vẽ cách điệu chú cá từ những đường thẳng, đường cong hình học ghép nối lại với nhau tạo thành hình khối rất lạ. Phần đầu, phần thân và đuôi cá bố cục rất cân đối, bức vẽ tô màu thành từng phần có sự phân định rất rõ ràng nên cũng dễ tô. Thế là tôi nảy ra ý định “chép tranh” của anh.
Tôi xem xét thật kỹ tranh vẽ, rồi suy nghĩ cách làm theo những điều tôi “học lóm” từ anh. Kẻ ngang dọc bức tranh phân thành ô vuông nhỏ, tất nhiên chỉ vẽ chỉ nhẹ lên tranh để sau gôm đi, vẽ thành các hình tam giác, hình thang xác định bố cục bức vẽ, đánh dấu các vị trí compas để lại trên hình.
- Xem thêm: Sang thu
Kế đến tôi mới lấy giấy vẽ ra làm giống như vậy rồi bắt đầu vẽ tạo hình, cân sửa xong thấy hài lòng mới thôi. Giờ chuẩn bị cho việc tô màu nước. Tô màu nước khó tôi nghĩ rất nhiều. Mặc dù biết công thức pha màu (theo tài liệu của anh) nhưng thực tế pha ra đúng màu lại là chuyện khác, rồi tô từng màng màu sao cho không bị lem nhau nữa! Vật vã mấy buổi, cuối cùng tôi cũng hoàn thành được bức tranh, nó chẳng đẹp nhưng cũng không xấu.
Một tối, chỉ có tôi và anh còn thức. Tôi lấy bức vẽ của tôi đưa anh xem, anh cầm coi một lúc rồi nói: “Mới tập vẽ, tô màu nước vậy là được rồi”. Tôi nghe nhẹ lòng và yên tâm vì không thấy anh trách tôi đã lấy trộm màu vẽ của anh. Từ dạo ấy, tôi vui và tự tin làm các bài tập vẽ, sau này tôi còn tham gia làm bích báo cho lớp nữa. Anh là người đã khơi nguồn tình yêu hội họa trong tôi.
Niềm vui được bên anh kéo dài không lâu. Đầu năm 1975, anh đã mất trong một vụ tai nạn khi vừa 18 tuổi.
Nhiều năm sau, khi con tôi vào Mẫu giáo, sắp đến mùa Trung thu, tôi chở con đi mua lồng đèn. Tôi đi vào sâu trong quận 5, cố tìm nơi có đèn kéo quân thật to cho con xem. Cháu thích quá! Bắt dừng lại không chịu đi. Tôi cùng con đứng xem mà lòng nhớ về anh, nhớ về chiếc đèn năm xưa!
Tối về, đến giờ đi ngủ mà cháu vẫn kể về chiếc đèn kéo quân. Cháu nói: “Chị Hằng rượt hoài mà không bắt được thỏ ngọc, cứ chạy mãi, đuổi mãi,… rồi tất cả bay vào giấc mơ. Tôi nằm nhớ đến chiếc đèn tre ngày nọ, mơ màng theo điệu Valse ca khúc Chú cuội của nhạc sĩ Phạm Duy:
Trăng soi sáng ngời, treo trên biển trời
Tình ơi, một đàn con trai, rủ đàn con gái
Ra ngồi nhìn trăng
Ra nghe chú Cuội, ngồi gốc cây đa
Cuội ơi, để trâu ăn lúa, nhìn mây theo gió
Miệng ca bồi hồi